1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

APEC 2014: Mũi tên trúng nhiều đích của Trung Quốc

(Dân trí) - Với tên gọi “Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương”, APEC 22 đặt trọng tâm vào việc hình thành Khu vực thương mại tự do chung của khối. Đây có thể coi là “một mũi tên trúng nhiều đích” của nước chủ nhà của APEC năm nay.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón lãnh đạo các nước tới dự HNCC APEC.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón lãnh đạo các nước tới dự HNCC APEC.

Trong suốt tuần lễ Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22, diễn ra ở Bắc Kinh từ ngày 5-11/11, nước chủ nhà Trung Quốc luôn tập trung vào chủ đề thúc đẩy nhất thể hóa khu vực với trọng điểm là đẩy mạnh xây dựng Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).

Theo đó, trong 2 năm tới, các nền kinh tế thành viên APEC sẽ cùng chung tay triển khai một “dự án nghiên cứu chiến lược” do Trung Quốc đề xuất để có thể tiến tới hình thành FTAAP vào năm 2025. Đây là một mục tiêu dài hạn của APEC và cũng đã được đưa vào nội dung Tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị.

Việc Trung Quốc - nước Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh APEC năm nay - thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình xây dựng FTAAP có hai mục đích. Thứ nhất, ý tưởng này ban đầu là do Mỹ đưa ra, tất nhiên không phải dưới cái tên FTAAP như hiện nay. Vì thế, Mỹ khó có thể từ chối hay phản đối đề xuất thành lập FTAAP của Trung Quốc. Thứ hai, trong bối cảnh các nền kinh tế ở Thái Bình Dương, với đầu tàu là Mỹ nhưng lại không có Trung Quốc, đang đẩy mạnh đàm phán ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì việc thành lập FTAAP có thể tạo ra một sự đối kháng vô hình. Đây rõ ràng là một sự cân bằng có ngụ ý của Trung Quốc, quốc gia không hề giấu giếm ý đồ hướng tới việc nắm giữ vai trò cầm trịch tiến trình thành lập FTAAP trong tương lai.

Theo tính toán, nếu được hình thành, FTAAP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới do chiếm tới 40% tổng dân số thế giới, gần 50% khối lượng tương mại và hơn 50% GDP toàn cầu. Trong khi đó, TPP chỉ đứng thứ hai với 30% dân số thế giới, 40% khối lượng thương mại và 50% GDP toàn cầu. Những số liệu này đủ để đảm bảo cho Trung Quốc có thể đối trọng với Mỹ trong cuộc cạnh tranh trên mặt trận kinh tế ở khu vực được đánh giá là phát triển năng động nhất thế giới trong thế kỷ 21.

Tuy nhiên, mục đích của nước chủ nhà APEC 2014 chưa phải đã hết. Nếu để ý, không khó để nhận thấy chương trình nghị sự và những thành quả đạt được tại hội nghị APEC năm nay hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc, vì vừa phù hợp với những ưu tiên trong chính sách đối nội và đối ngoại của nước này, vừa có nhiều điểm tương đồng với “Giấc mộng Trung Hoa” mà Chủ tịch Tập Cận Bình đang theo đuổi.

Đơn cử, APEC 22 nhấn mạnh tới “nhất thể hóa kinh tế khu vực”, Giấc mộng Trung Hoa yêu cầu “đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực”. APEC 22 đặt mục tiêu “đẩy mạnh phát triển, cải cách và tăng trưởng kinh tế”, “Giấc mộng Trung Hoa” hướng đến “phát triển đổi mới”. APEC 22 khẳng định cần “tăng cường trao đổi, liên kết toàn diện và xây dựng cơ sở hạ tầng”, “Giấc mộng Trung Hoa” cũng nhấn mạnh “củng cố kết nối toàn diện và phát triển cơ sở hạ tầng”.

Với chiến thuật gộp mục tiêu chung của khu vực với mục tiêu quốc gia của mình, Trung Quốc sẽ tận dụng được nỗ lực chung của toàn APEC để hiện thực hóa tham vọng riêng. Bắc Kinh muốn tạo ra một mạng lưới kết nối trong khu vực với các hệ thống đường sắt, cảng biển, đường cao tốc và đường ống dẫn dầu, khí đốt để phục vụ cho mục đích phát triển toàn diện trong tương lai, đồng thời “trói buộc” sự phát triển của các nền kinh tế APEC vào sự phát triển của Trung Quốc.

Tất nhiên, để thực hiện được tham vọng trên, Trung Quốc đã “dọn sẵn một số món ăn chính cho bữa tiệc”.

Đầu tiên là việc nước này thúc đẩy thành lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á (AIIB) và chi tiền bảo trợ cho ngân hàng này. AIIB đặt trụ sở tại Bắc Kinh và sẽ hoạt động độc lập, cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới (WB) do Mỹ đứng đầu và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Nhật Bản cầm trịch. Đáng lưu ý là hiện đã có khá nhiều nền kinh tế thành viên trong APEC ủng hộ mạnh mẽ hoạt động của AIIB do nhu cầu phát triển của khu vực đã vượt xa các nguồn lực mà WB, ADB hay bất kỳ thể chế tài chính quốc tế nào có thể cung ứng. Đây là một lợi thế rất lớn để Chủ tịch Tập Cận Bình đẩy mạnh việc sử dụng thể chế tài chính mới này trói buộc châu Á một cách chặt chẽ hơn với Bắc Kinh trong mạng lưới “Con đường tơ lụa mới”, qua đó phục vụ tốt hơn cho các lợi ích lâu dài của Trung Quốc.

Ngoài việc thành lập AIIB, Trung Quốc cũng tìm cách đẩy mạnh xây dựng hệ thống các đường ống dẫn khí đốt tỏa đi từ nước này. Việc Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trong chưa đầy nửa năm đã đạt được nhất trí về việc xây dựng hai đường ống dẫn khí gas mang tên “đường ống phía Đông” và “đường ống phía Tây” cho thấy Bắc Kinh đã có sự chuẩn bị chiến lược và bài bản thế nào cho kế hoạch của mình.

Trước đó, Trung Quốc cũng đã ký kết nhiều thỏa thuận xây dựng mạng lưới đường sắt và đường cao tốc liên thông với các nước thành viên ASEAN như một sự chuẩn bị cần thiết cho việc hiện thực hóa “Giấc mộng Trung Hoa” về sau.

Như vậy có thể thấy, tuần lễ Hội nghị thượng đỉnh APEC vừa kết thúc ở Bắc Kinh là cơ hội rất tốt để nước chủ nhà Trung Quốc khôi phục vị trí đầu tàu phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời lấy lại hình ảnh về sự trỗi dậy hòa bình vốn đã bị mất đi trong gần 10 năm nay. Đây là lý do vì sao Trung Quốc tìm cách thúc đẩy bằng được việc hình thành khu vực thương mại tự do chung của khối, đồng thời nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng tiến hành rất nhiều cuộc gặp cấp cao với lãnh đạo các nền kinh tế thành viên, đặc biệt Mỹ, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản. Thế nhưng, kết quả tại hội nghị chắc chắn chưa phải là thước đo cuối cùng cho việc thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” , nếu như Trung Quốc  vẫn chưa thực sự tìm được cho mình một con đường phát triển đúng đắn mang lại sự phát triển “sáng tạo, kết nối, hội nhập và phồn vinh” cho tất cả các nền kinh tế thành viên APEC đúng như chủ đề của hội nghị năm nay.

Đức Vũ