1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

APEC 2012 - Vẫn cần có nhau

(Dân trí)- Diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, dễ hiểu tại sao APEC-2012 đề cao tinh thần “liên kết để tăng trưởng, sáng tạo để thịnh vượng”. Tuy nhiên, việc các thành viên APEC có thực sự quyết tâm gác bất đồng để cùng phát triển còn tùy thuộc nhiều yếu tố.

Chính trị làm giảm sức mạnh của APEC?

 Chính trị làm giảm sức mạnh của APEC?

Giới phân tích từng gọi APEC là một diễn đàn “nói suông” vì tại các kỳ hội nghị thượng đỉnh, lãnh đạo các nền kinh tế thường đưa ra những lời kêu gọi và cam kết rất ấn tượng về hội nhập khu vực, thành lập thị trường chung, dỡ bỏ hàng rào thuế quan...

Mặc dù nhận định trên có thể hơi quá lời nhưng trên thực tế, nếu so với một số liên minh kinh tế khác như ASEAN, Liên minh châu Âu (EU), rõ ràng hoạt động của APEC kém hiệu quả hơn.

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng điều đầu tiên cần nhắc tới là sự đụng đầu của các nền kinh tế hàng đầu trong nhóm, mà trước hết là Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay.

Mặc dù cùng là thành viên của APEC, song cả hai đều đang tìm cách bảo vệ lợi ích riêng của mình. Việc Mỹ chỉ trích Trung Quốc hạ thấp giá trị đồng Nhân dân tệ để tạo lợi thế xuất khẩu, hay Bắc Kinh cáo buộc Washington áp thuế chống bán phá giá phi lý với nhiều hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc... rõ ràng là những cản trở lớn để hai bên tìm tiếng nói chung toàn diện tại APEC.

Bên cạnh bất đồng về kinh tế, các cuộc thảo luận tại APEC 2012 còn bị phủ bóng đen bởi các tranh cãi về chính trị. Tranh chấp chủ quyền biển giữa Trung Quốc và Nhật Bản về Điếu Ngư/Senkaku, giữa Hàn Quốc và Nhật Bản về Dokdo/Takeshima, giữa Trung Quốc với các nước ASEAN về Biển Đông cũng làm nóng quan hệ Mỹ-Trung.

Ngay trước thềm APEC 2012, chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Trung Quốc hầu như không thu được một thành công nào khi Bắc Kinh không ngần ngại gạt bỏ hầu hết những yêu cầu của Washington đối với những vấn đề nhạy cảm.

Chính trị đang làm suy yếu APEC? Có vẻ điều này đang trở thành thực tế khi một số thành viên APEC, dẫn đầu là Mỹ, đang xúc tiến thành lập khu vực thương mại tự do mới mang tên Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ngay trong thời điểm diễn ra APEC 2012 tại Nga, các thành viên TPP đã gặp nhau để bàn về vòng thương thuyết mới của TPP trong tuần tới tại Mỹ. Hiện tại, TPP đang tìm cách lôi kéo Nhật Bản gia nhập nhóm này.

Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đã nỗ lực xây dựng một khu vực tự do thương mại ở Đông Á với Nhật Bản và Hàn Quốc. Một số ý kiến cho rằng những chuyển động này đang báo hiệu nguy cơ phân rã ngay trong chính các thành viên chủ chốt của APEC.

Tuy nhiên, mọi việc không hoàn toàn bi quan như vậy.

Vẫn cần có nhau

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều mong muốn được quy tụ dưới mái nhà chung Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các liên minh kinh tế lớn vẫn sẽ có ảnh hưởng nhất định, đặc biệt đối với APEC vốn được coi là cầu nối kinh tế duy nhất hiện nay giữa hai châu lục Á-Âu. 

Đối với Mỹ, sự hiện diện tại APEC càng quan trọng trong bối cảnh Mỹ đã công khai chiến lược ngoại giao trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việc Mỹ nỗ lực đóng vai trò chính tại diễn đàn kinh tế này sẽ hỗ trợ cho quá trình gia tăng ảnh hưởng chính trị và quân sự ở khu vực.

Với Trung Quốc, Bắc Kinh đã thể hiện rõ quan điểm “cần APEC”. Trong hành trình tìm kiếm và khẳng định vị thế trên trường quốc tế, APEC sẽ là nơi để thế giới quan sát và đánh giá thực lực của Trung Quốc trong vai trò là một trong những nền kinh tế lớn.

Trong khi đó, nếu như trước kia Nga chỉ tập trung phát triển các quan hệ kinh tế tại châu Âu, thì giờ đây sự lớn mạnh của APEC đã khiến Mátxcơva phải điều chỉnh quan điểm. Việc Nga tổ chức HNCC APEC-2012 tại Vladivostok không nằm ngoài mục đích mở rộng cơ hội phát triển kinh tế vùng Viễn Đông và từng bước “lấy lại phong độ” trước Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, không có gì quá ngạc nhiên khi Mátxcơva thể hiện vai trò tích cực đến thế trong tuần lễ APEC vừa qua.

Điều cuối cùng là đặc tính nổi bật nhất của APEC, một khu vực được đánh giá là phát triển năng động nhất thế giới. Giới phân tích hy vọng các động thái thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của lãnh đạo các nền kinh tế APEC sẽ khiến khu vực này trở thành đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới. Điều này đặc biệt quan trọng vì hiện nay cả Mỹ và châu Âu, hai vùng kinh tế từng đảm nhận vai trò đầu tàu thế giới, đều đang chìm trong khủng hoảng và chưa thấy có dấu hiệu nào sẽ sớm thoát ra khỏi bãi lầy này.

Nói một cách khác, dù muốn hay không thì các nền kinh tế trong APEC vẫn phải cần đến nhau.

Tại APEC 2012, các nền kinh tế thành viên đã công nhận rằng tăng cường liên hệ kinh tế theo hệ thống giữa các nước sẽ có lợi nhiều hơn hại. Tất nhiên do sự chênh lệch cũng như tính đặc thù và phức tạp giữa các nền kinh tế thành viên, việc đạt được mục tiêu hội nhập hoàn toàn vẫn đang đối mặt với nhiều trở ngại. Nhưng về lâu dài, xu hướng tự do hóa kinh tế khu vực, tiến đến tự do hóa toàn cầu là điều không thể tránh khỏi.

Việc thành lập thị trường chung, tự do hóa thương mại đòi hỏi sự tin tưởng giữa các bên. Đây chính là nhiệm vụ mà các nhà lãnh đạo trong APEC đang nỗ lực xây dựng. Nói cách khác để thành lập được một liên minh kinh tế thực sự hiệu quả, tất cả các thành viên APEC cần phải có chung chí hướng.

             Cẩm Thi