Anh sẽ né Brexit?
Những ngày sau cuộc trưng cầu Rời EU (Brexit), tình hình ở Anh rối tung và sự chú ý của dư luận bắt đầu dồn vào khả năng Anh có né được sự chuyển đổi lịch sử này?
NY Times dẫn lời Thủ tướng David Cameron tuyên bố ngày 27/6 rằng, ông đang xem xét tính bắt buộc của cuộc trưng cầu, và "tiến trình thực thi quyết định theo cách tốt nhất có thể phải được bắt đầu ngay từ giờ".
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định sẽ để tiến trình này lại cho người kế nhiệm, sau khi từ chức vào tháng 10. Điều này tạo ra khoảng trống ít nhất 4 tháng nữa, trong đó Anh có thể quyết định không theo kết quả trưng cầu, và tránh được những hệ lụy ra khỏi châu Âu.
Nếu vị thủ tướng tiếp theo của Anh quyết tâm thực hiện rời EU thì nước này có 2 năm để thương lượng điều khoản ra đi. Tuy EU quy định tư cách thành viên sẽ tự động mất đi vào cuối thời hạn này, song về lý thuyết, Anh có thể tận dụng thời gian để đàm phán một kế hoạch thay thế.
Theo NY Times, Anh có một số lựa chọn về cách thức có thể tiếp tục ở lại châu Âu. Mỗi lựa chọn đều chứa nhiều rủi ro và bất lợi lớn, cả cho Anh và cho châu Âu. Nhưng điều tương tự cũng xảy ra trong trường hợp Anh rời đi.
Không rời EU
Cuộc trưng cầu không mang tính ràng buộc pháp lý. Tiến trình rời đi không bắt đầu cho đến khi Thủ tướng Anh chính thức dùng đến Điều 50 của Hiệp ước EU. Vì vậy, về lý thuyết, người này có thể tiếp tục như thể chưa từng có cuộc bỏ phiếu ngày 23/6.
Cameron đã góp phần trì hoãn khi ông quyết định không tự mình viện đến Điều 50. Hai người hiện có khả năng nhất để kế nhiệm ông thuộc Đảng Bảo thủ là Theresa May (phản đối rời EU) và Boris Johnson (chủ trương Brexit). Nhưng đến hôm qua, Johnson cũng đã lùi bước khi cam kết thay đổi "sẽ không diễn ra vội vàng".
Hầu hết các thành viên Quốc hội Anh phản đối rời EU, và có thể ủng hộ một vị Thủ tướng quyết không sử dụng Điều 50. Nhưng làm như vậy là trái với ước nguyện của 17,4 triệu người Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit, chẳng khác nào một bước đi quá khích ở một đất nước luôn tự hào về các giá trị dân chủ của mình.
Nó cũng có nguy cơ kích động sức mạnh chính trị mang lại chiến thắng cho phe Rời EU. Rất khó đoán các cử tri ủng hộ Brexit sẽ phản ứng thế nào nếu chính phủ phớt lờ kết quả trưng cầu. Hiện chính trường Anh đã rơi vào hỗn loạn, đối mặt với một tương lai bất trắc.
Phủ quyết của Scotland
Trong một báo cáo tháng 4, Thượng viện Anh khẳng định bất kỳ lựa chọn rời EU nào đều sẽ phải được quốc hội của Scotland, Bắc Ireland và Wales phê chuẩn.
Cử tri Wales ủng hộ Brexit, và Quốc hội Bắc Ireland được dẫn dắt bởi một đảng ủng hộ rời EU. Nhưng phần lớn cử tri Scotland lại phản đối điều này và đảng Quốc gia Scotland đồng quan điểm. Họ đã tuyên bố sẽ thực hiện mọi biện pháp có sẵn để tiếp tục ở lại EU.
Đây có thể là cơ hội cho những nhà lãnh đạo muốn tránh Brexit. Thủ tướng tiếp theo của Anh có thể nói với cử tri rằng, mình muốn thực hiện ước nguyện của dân nhưng rời EU là không thể nếu Scotland không đồng ý.
Trưng cầu lại
Năm 1992, cử tri Đan Mạch phản đối trưng cầu về việc tham gia một trong những hiệp ước đặt nền tảng cho EU. Khoảng 11 tháng sau đó, họ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần 2 và cử tri đã đồng ý.
Các viễn cảnh tương tự đã diễn ra vào những năm 2001 và năm 2008 - khi dân Ireland phản đối các hiệp ước EU nhưng rồi lại đón nhận chúng khi tổ chức trưng cầu lần nữa.
Tương tự, người Anh có thể đảo ngược kết quả bỏ phiếu vừa qua? Đến ngày 27/6, 4 ngày sau cuộc trưng cầu Brexit, một đơn kiến nghị trên mạng đòi tổ chức bỏ phiếu lại đã nhận được 3,8 triệu chữ ký.
Nhưng có rất ít lý do để tin trưng cầu lần 2 có thể tạo ra khác biệt. Nhiều người Anh bày tỏ sự hối tiếc đã bỏ phiếu Rời EU nhưng thăm dò dư luận cho thấy họ chiếm phần rất nhỏ.
Brexit trên danh nghĩa
Điều 50 cho phép một nước rút đi có 2 năm để đàm phán các điều khoản về quan hệ với EU, về các vấn đề như thương mại và nhập cư. Điều gì sẽ xảy ra nếu Anh đạt được một loạt hợp đồng mà đa số vẫn giữ nguyên hiện trạng, chỉ không có tư cách thành viên EU?
Điều này dường như cũng là một khả năng mà ông Johnson đang cân nhắc. Phát biểu trên The Telegraph hôm 26/6, ông cam kết Anh sẽ duy trì các thỏa thuận về thương mại tự do và đi lại tự do với châu Âu.
Một mẫu hình hiện nay là Na Uy, không phải là một thành viên EU nhưng lại đồng ý vào thị trường chung của khối và để các đường biên giới mở.
"Nếu Anh chọn con đường giống Na Uy, nước này sẽ không có quyền bỏ phiếu và không hiện diện khi các quyết định cốt yếu ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của người dân được đưa ra", cựu Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide cảnh báo năm ngoái.
Và một thỏa thuận như vậy có thể yêu cầu Anh phải tiếp tục trả phí thành viên.
Thế nhưng, theo Nicolas Véron, một nhà kinh tế của Pháp, các lãnh đạo châu Âu có thể phản đối mô hình này, vì sợ sẽ tạo ra một tiền lệ xấu.
Ông cho biết, EU muốn phát đi một thông điệp tới các thành viên: "Nếu rời bỏ, bạn sẽ không nhận được một thỏa thuận "ngon ăn" nào từ tư cách thành viên mà không phải gánh trách nhiệm. Bạn sẽ nếm trải sự ra đi khó khăn và đau thương, vì vậy hãy suy nghĩ kỹ".
Thanh Hảo
Vietnamnet