1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ẩn ý từ cuộc tập trận lịch sử Nhật - Philippines trên Biển Đông

(Dân trí) - Ngày 12/5, Nhật Bản và Philippines đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân chung lịch sử trên Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết liệt với các tuyên bố chủ quyền.

Ẩn ý từ cuộc tập trận lịch sử Nhật - Philippines trên Biển Đông
Lực lượng tuần tra bờ biển Nhật và Philippines trong một cuộc diễn tập chung, chống cướp biển (Ảnh: Philstar)

Cuộc tập trận kéo dài một ngày có sự hiện diện của hai tàu khu trục Nhật Bản cùng một trong những chiến hạm mới nhất của Philippines, diễn ra tại vùng biển chỉ cách chưa đầy 300km khu bãi cạn Philippines tuyên bố chủ quyền nhưng Trung Quốc đang kiểm soát.

Sự hợp tác của Nhật và Philippines diễn ra sau một bài phát biểu của thủ tướng Shinzo Abe hồi năm ngoái, trong đó ông tuyên bố sẽ giúp Đông Nam Á duy trì tự do đi lại trên biển và giao thông hàng không trong khu vực.

Hồi tháng Giêng, một thỏa thuận đã được Tokyo và Manila ký kết, nhằm tăng cường hợp tác an ninh.

Giới chức Philippines khẳng định cuộc tập trận chỉ nhằm nâng cao năng lực quân sự của nước này, nhưng các chuyên gia an ninh tin rằng đây là một tín hiệu rõ ràng gửi tới Trung Quốc, trong các tranh chấp chủ quyền trên biển hiện nay.

“Trước hết, họ cho thấy các nước láng giềng Thái Bình Dương của Trung Quốc đang bắt đầu cùng đối trọng với Trung Quốc”, Michael Tkacik, một chuyên gia chính sách ngoại giao tại đại học bang Stephen F. Austin, tại Texas, Mỹ cho biết.

“Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và các quốc gia khác đang bị đe dọa bởi cách hành xử của Trung Quốc, cho dù họ có thể ở xa như Ấn Độ”, Tkacik nói. “Do đó, Philippines và Nhật cũng đưa ra một tuyên bố quan trọng về việc họ nghiêm túc ra sao trong cách nhìn nhận hành động của Trung Quốc”.

Trung Quốc thời gian qua đã gây lo ngại sâu sắc trong khu vực, khi ngày càng hung hăng hơn trong tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông cũng như trên biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh khẳng định chủ quyền với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Tokyo đang kiểm soát.

Bắc Kinh khẳng định có chủ quyền với hầu như toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei đều có tuyên bố chủ quyền từng phần với vùng biển này, vốn có ý nghĩa rất quan trọng với ngành vận tải biển toàn cầu và có trữ lượng khoáng sản hóa thạch khổng lồ.

Hai tàu khu trục của Nhật và một tàu chiến Philippines tham gia tập trận với kịch bản chống những cuộc xâm nhập bất ngờ, các quan chức Philippines cho biết.

Người phát ngôn hải quân nước này khẳng định đây là cuộc tập trận song phương đầu tiên giữa hai nước.

“Sẽ thật ngây thơ nếu ai đó nghĩ rằng đây chỉ là cuộc tập trận chung bình thường sau một số hành động quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông”, Wilfrido Villacorta, đến từ đại học De La Salle tại Manila nhận định. Theo chuyên gia này, đây là “phản ứng tự nhiện” của Philippines sau khi bị khiêu khích.

Chuyên gia an ninh Narushige Michishita, đến từ Viện nghiên cứu chính sách quốc gia ở Tokyo thì cho rằng, Nhật đang cố gắng xây dựng quan hệ mang tính xây dựng với đối thủ truyền thống Trung Quốc, “nhưng theo một cách lặng lẽ, nhưng có thể hiểu được, họ đang phát đi một thông điệp tới lãnh đạo Trung Quốc rằng “cho dù các người sử dụng vũ lực để mở rộng phạm vi ảnh hưởng, vẫn còn những giới hạn đối với những gì các người có thể làm, và các nước trong khu vực sẽ sẵn sàng ngăn chặn”.

Thanh Tùng
Theo Japan Times