Ấn Độ "trình làng" tàu ngầm hạt nhân tự chế đầu tiên
(Dân trí) - Ấn Độ ngày 26/7 đã hạ thuỷ tàu ngầm tự chế đầu tiên chạy bằng năng lượng hạt nhân và trở thành nước thứ 6 trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân sau Mỹ, Nga, Pháp, Anh và Trung Quốc.
Tàu ngầm nặng 6000 tấn, có tên gọi là Arihant - trong tiếng Phạn có nghĩa là "Hủy diệt kẻ thù" - đã chính thức được hạ thuỷ hôm qua tại thành phố cảng Visakhapatnam ở đông nam Ấn Độ.
Arihant, dài 112m và bề ngang 11m, được cấp năng lượng bởi 1 lò phản ứng hạt nhân 84 megawatt. Tàu có thể chạy với vận tốc 44 km/giờ dưới nước, có khả năng lặn ở độ sâu hơn 500m và phóng tên lửa từ độ sâu hơn 100m dưới mặt biển. Tàu được trang bị ngư lôi, tên lửa đạn đạo và có khả năng chở tới 100 thủy thủ.
Arihant được phát triển với sự trợ giúp của Nga. Tàu ngầm này sẽ chạy thử hai năm trước khi đi vào hoạt động và có thể bắn trúng các mục tiêu cách đó 700km. Con tàu thứ 2 dự kiến sẽ được chế tạo ngay sau con tàu được hạ thuỷ hôm qua.
Cho tới nay, chỉ có 5 nước khác là Mỹ, Nga, Pháp, Anh và Trung Quốc có khả năng phát triển tàu ngầm hạt nhân.
Đích thân Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã tham dự lễ hạ thủy. Phát biểu nhân dịp này, ông Singh gọi buổi lễ hạ thuỷ là "sự kiện lịch sử đối với sự sẵn sàng chiến đấu của quân đội Ấn Độ".
"Nhiệm vụ hiện thời của chúng ta là nắm lấy tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh đất nước và để theo kịp những tiến bộ về công nghệ trên thế giới".
Việc Ấn Độ hạ thuỷ tàu ngầm chắc chắn sẽ khiến quốc gia láng giềng Pakistan lo ngại. Pakistan và Ấn Độ đã xảy ra 3 cuộc chiến tranh - 2 trong số đó là vì quyền kiểm soát vùng đất Kahsmir - kể từ khi hai nước giành độc lập từ Anh năm 1947.
Các chuyên gia còn cho rằng, Ấn Độ đang hiện đại hoá các lực lượng vũ trang và tập trung vào việc nâng cấp hạm đội hải quân với các tàu chiến và tàu ngầm mới nhằm đối đầu với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ tại châu Á nhưng Ấn Độ cũng đang lo ngại về sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Theo AP, BBC