Ấn Độ “tố” lính Trung Quốc xâm nhập sâu 20km trong lãnh thổ
(Dân trí) - Ấn Độ hôm qua đã cáo buộc các binh sĩ Trung Quốc tiến sâu gần 20km vào lãnh thổ mà New Delhi tuyên bố chủ quyền, sau khi vụ xâm nhập biên giới tranh chấp hồi đầu tháng này.
Hãng PTI đưa tin, Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ Shashi Kant Sharma và các quan chức quân đội các đã công bố một báo cáo về vụ xâm nhập của các binh sĩ Trung Quốc trước một ủy ban giám sát của quốc hội, cho thấy những căng thẳng mới giữa 2 nước láng giềng châu Á.
Theo tờ Times of India, 30 binh sĩ Trung Quốc đã xâm nhập sâu 19km vào khu vực Depsang Bulge thuộc vùng Ladakh chưa được phân định rõ ràng ở miền đông Ấn Độ.
Ông Sharma cũng nói với các nghị sĩ tham dự cuộc họp rằng Ấn Độ đã triển khai các binh sĩ tại khu vực để “giám sát chặt chẽ biên giới”,.
Một quan chức quân đội cấp cao xác nhận rằng cuộc họp đã diễn ra và ông Sharma thông báo với các nghị sĩ về hành động của Trung Quốc, nhưng không cho biết chi tiết.
“Các đội tuần tra của quân đội Ấn Độ hôm 16/4 đã thông báo về sự hiện diện của các lều trại của binh lính Trung Quốc nằm trong lãnh thổ Ấn Độ, cách Đường kiểm soát thực tế (LAC) - đường biên giới không chính thức giữa hai nước 2 nước - 19km”, PTI dẫn lời quan chức.
Trước đó, các quan chức tại New Delhi cho biết một trung đoàn binh sĩ Trung Quốc đã dựng trại bên trong lãnh thổ Ấn Độ hôm 15/4.
Ấn Độ đã kêu gọi các binh sĩ Trung Quốc rút khỏi khu vực và Ngoại trưởng Ấn Độ đã triệu đại sứ Trung Quốc tại New Delhi tới để phản đối. Vài cuộc gặp giữa các quan chức quân đội địa phương và các nhà ngoại giao của hai nước đã không giải quyết được vụ việc.
Về phần mình, Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc của Ấn Độ.
Ấn Độ và Trung Quốc hiện đang tranh cãi về một số khu vực biên giới trên dãy Himalaya và đã có một cuộc chiến ngắn hồi 1962. Căng thẳng thỉnh thoảng lại bùng lên giữa hai nước láng giềng.
Ấn Độ và Trung Quốc đã tổ chức nhiều vòng đàm phán về phân chia đường biên giới dài giữa hai nước nhưng cho tới nay vẫn chưa thành công.
Các vụ xâm nhập nhỏ qua lại LAC là chuyện thường như hiếm khi binh lính của hai bên dựng trại tại khu vực tranh chấp.
Trong những năm gần đây, 2 nước đã tăng cường sự hiện diện quân sự ở mỗi bên của biên giới và tổ chức các cuộc gặp thường xuyên để giảm bớt căng thẳng.
An Bình
Theo AFP