1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ấn Độ thúc đẩy tốc độ hợp tác quốc phòng với Đông Nam Á

Bảo Châm

(Dân trí) - Ấn Độ đang tăng tốc độ hợp tác quốc phòng với Đông Nam Á, từ việc cung cấp vũ khí cho Indonesia đến khám phá khả năng sản xuất quốc phòng chung với Thái Lan và Malaysia.

Ấn Độ thúc đẩy tốc độ hợp tác quốc phòng với Đông Nam Á - 1

Tên lửa BrahMos của Ấn Độ xuất hiện trong lễ duyệt binh tại New Delhi ngày 26/1 (Ảnh: AFP).

Chính sách này phù hợp với tham vọng ngày càng lớn của Ấn Độ nhằm mở rộng ảnh hưởng ra ngoài khu vực Nam Á và phát triển dấu ấn toàn cầu.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng Ấn Độ nhận thấy cơ hội trong việc tăng cường sự hiện diện thông qua các mối quan hệ quốc phòng và an ninh trong khu vực mà Trung Quốc vốn có những ảnh hưởng lớn về kinh tế và chiến lược.

Lo ngại về việc gián đoạn nguồn cung quốc phòng từ Nga, nhiều quốc gia Đông Nam Á cũng đang tìm cách đa dạng hóa nguồn nhập khẩu vũ khí và trang thiết bị quân sự.

Ấn Độ được cho là đang đàm phán để bán tên lửa BrahMos trong các thỏa thuận trị giá hàng triệu USD với các nước Đông Nam Á, trong đó có Indonesia. Tên lửa hành trình siêu thanh này, có khả năng tấn công mục tiêu trên biển hoặc trên đất liền, là sản phẩm hợp tác giữa Ấn Độ và Nga.

Trong trường hợp của Indonesia, mặc dù thỏa thuận trị giá 500 triệu USD không được ký kết như dự kiến trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto nhân dịp lễ duyệt binh Ngày Cộng hòa hôm 26/1, ông đã thông báo rằng một phái đoàn quốc phòng cấp cao sẽ sớm thăm Ấn Độ.

"Để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, chúng tôi đã quyết định hợp tác trong lĩnh vực sản xuất và chuỗi cung ứng quốc phòng", Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu sau cuộc thảo luận với ông Prabowo vào ngày 25/1, gọi Indonesia là "đối tác quan trọng trong khu vực ASEAN và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Ấn Độ cũng đang tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất quốc phòng với các quốc gia khác, bao gồm Thái Lan và Malaysia.

Tại Đối thoại An ninh Ấn Độ - Malaysia lần đầu tiên vào ngày 7/1, hai nước đã nhất trí xem xét hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng, có thể bao gồm việc chia sẻ trang thiết bị quốc phòng và khả năng sản xuất.

Trước đó, ngày 12/12/2024, trong một cuộc đối thoại quốc phòng, Ấn Độ và Thái Lan đã thống nhất hợp tác trong việc sản xuất thiết bị quân sự.

Mặc dù chi tiết cụ thể vẫn chưa được thống nhất và các thỏa thuận quốc phòng vẫn chưa được ký kết, Giáo sư Harsh V. Pant, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu và chính sách đối ngoại tại quỹ nghiên cứu Observer, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại New Delhi, nhận định rằng cơ hội đang mở ra cho Ấn Độ trong bối cảnh tình hình quốc tế đầy bất định.

"Ở một số khía cạnh, khi Đông Nam Á và thế giới đang trải qua giai đoạn cạnh tranh và đối đầu ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, Ấn Độ theo cách riêng của mình mang lại một lựa chọn thay thế ít gây tranh cãi hơn. Với tư cách một đối tác quốc phòng, Ấn Độ là lựa chọn hợp lý và thoải mái đối với nhiều quốc gia", Giáo sư Pant nhận định.

Ông cho biết thêm rằng hợp tác quốc phòng và an ninh là những lĩnh vực mà Ấn Độ có thể thúc đẩy tại Đông Nam Á trong bối cảnh hiện tại.

"Tất nhiên, Ấn Độ muốn trở thành một trụ cột quan trọng trong mạng lưới quốc phòng ở Đông Nam Á... Ấn Độ muốn duy trì sự hiện diện của mình ở một khu vực mà dấu ấn của Trung Quốc rất lớn. Đây là một trong những cách để Ấn Độ có thể làm điều đó", Giáo sư Pant nói.

Hợp tác quốc phòng của Ấn Độ với Đông Nam Á không phải là điều hoàn toàn mới, khi mối quan hệ với một số quốc gia đã phát triển hơn so với các nước khác.

Chẳng hạn, Ấn Độ đã có mối quan hệ quốc phòng lâu dài với Singapore, với sự hợp tác bao gồm các cuộc tập trận quân sự và huấn luyện binh sĩ tại Ấn Độ.

Vào tháng 10/2024, tại Hội nghị Diễn đàn Quốc phòng Ấn Độ - Singapore lần thứ 6, hai quốc gia đã gia hạn thỏa thuận song phương về huấn luyện quân sự chung trong vòng 5 năm tới.

Thông cáo từ Bộ Quốc phòng Singapore về cuộc đối thoại cho biết hai bên cũng đã nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng trong các lĩnh vực như chia sẻ thông tin, công nghệ mới nổi và hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng.

Ví dụ, vào năm 2023, hải quân Ấn Độ và Singapore đã tổ chức các cuộc tập trận chung tại Biển Đông. Hai bên cũng lần đầu triển khai mỗi bên một tàu ngầm.

Năm 2022, ngành công nghiệp quốc phòng non trẻ của Ấn Độ đã được thúc đẩy nhờ việc bán tên lửa BrahMos cho Philippines trong một thỏa thuận trị giá 375 triệu USD. Đây cũng là thỏa thuận quốc phòng lớn đầu tiên của Ấn Độ, với việc chuyển giao tên lửa bắt đầu từ năm 2024.

Song song đó, dù không đi quá giới hạn, Ấn Độ ngày càng thể hiện quan điểm mạnh mẽ hơn về tầm quan trọng của tự do hàng hải ở Biển Đông.

Năm 2023, lần đầu tiên Ấn Độ kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết năm 2016 về Biển Đông của Tòa Trọng tài ở La Hay, Hà Lan. 

Các cuộc họp liên quan đến quốc phòng giữa Ấn Độ và nhiều quốc gia Đông Nam Á trong 2 tháng qua đã củng cố xu hướng hợp tác này, theo ông Viraj Solanki, nhà nghiên cứu về quốc phòng, chiến lược và ngoại giao Nam Á - Trung Á tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, Anh.

"Điều này cho thấy rõ hơn rằng, sau cuộc đụng độ biên giới Ấn Độ - Trung Quốc vào tháng 6/2020, New Delhi đang tích cực tăng cường hợp tác với các nước láng giềng của Trung Quốc trong các vấn đề quốc phòng và an ninh khu vực nhằm đối phó với tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh - điều mà trước đây Ấn Độ còn do dự vì lo ngại làm mất lòng Trung Quốc", ông Solanki nói.

Ấn Độ và Trung Quốc đang nỗ lực hàn gắn quan hệ sau những cuộc đụng độ biên giới chết người vào năm 2020, nhưng sự ngờ vực giữa hai bên vẫn chưa thể xóa bỏ.

Có nhiều đồn đoán rằng Indonesia đang trì hoãn thỏa thuận mua tên lửa BrahMos nhằm duy trì cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc.

Tốc độ mở rộng hợp tác quốc phòng của Ấn Độ với các quốc gia Đông Nam Á cũng phụ thuộc vào cách các nước này cân bằng quan hệ với Trung Quốc.

Giáo sư Pant nhận định, những thách thức vẫn rất lớn vì ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc tại Đông Nam Á là rất lớn, điều mà Ấn Độ chưa thể bắt kịp. Cách Trung Quốc sử dụng đòn bẩy trong khu vực sẽ tiếp tục cản trở phần nào tham vọng của Ấn Độ.

Tuy vậy, ông cũng lưu ý rằng "Ấn Độ kiên quyết sẽ tiếp tục theo đuổi hợp tác quốc phòng" tại Đông Nam Á. Điều này được thể hiện qua hoạt động xuất khẩu quốc phòng, các cuộc tập trận chung và khả năng chia sẻ công nghệ hoặc nghiên cứu và phát triển.

Theo Straits Times