1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ấn Độ thẳng thừng bác tin mời ông Trump làm trung gian hòa giải tranh chấp lãnh thổ

(Dân trí) - Chính phủ Ấn Độ hôm nay tuyên bố, Thủ tướng nước này Narendra Modi chưa từng đề nghị Tổng thống Mỹ Donald Trump làm trung gian để giải quyết tranh chấp lâu đời liên quan tới vùng lãnh thổ Kashmir với Pakistan, sau khi các bình luận của ông Trump gây ra một "cơn bão" chỉ trích tại Ấn Độ.

Ấn Độ thẳng thừng bác tin mời ông Trump làm trung gian hòa giải tranh chấp lãnh thổ - 1

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thượng đỉnh G20 năm 2018 (Ảnh: AFP)

Phát biểu trước các phóng viên ngày 23/7, ông Donald Trump cho biết, trong một cuộc gặp tại Nhật Bản hồi tháng trước, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã đề nghị ông liệu có thể là trung gian hòa giải về Kashmir, vùng lãnh thổ là tâm điểm của các mâu thuẫn kéo dài nhiều thập niên giữa 2 nước láng giềng Ấn Độ và Pakistan.

Ông Trump tiết lộ thông tin trên ngay trước khi ông có cuộc hội đàm tại Nhà Trắng với Thủ tướng Pakistan Imran Khan, người hoan nghênh nỗ lực của Mỹ nhằm can thiệp, nói rằng Trump có thể mang hi vọng của hơn 1 tỷ người trong khu vực.

“Tôi đã gặp Thủ tướng Modi 2 tuần trước và chúng tôi đã trao đổi về chủ đề này và ông ấy nói: ‘Ngài có sẵn lòng làm trung gian hòa giải, hay trọng tài hay không?’. Tôi đáp: ‘Ở đâu?’. Ông ấy trả lời: ‘Kashmir, vì vụ việc đã kéo dài trong nhiều, nhiều năm’. Nếu tôi có thể trợ giúp, tôi sẵn sàng làm trung gian hòa giải”, ông Trump kể lại.

Khi Thủ tướng Pakistan Imran Khan được hỏi rằng Mỹ có nên trợ giúp giải quyết tranh chấp kéo dài 70 năm tại Kashmir hay không, ông đáp: “Chỉ quốc gia quyền lực nhất thế giới do Tổng thống Trump đứng đầu mới có thể đưa hai nước xích lại gần nhau”.

Pakistan hoan nghênh bên thứ 3 làm trung gian hòa giải tại Kashmir, nhưng Ấn Độ tuyên bố tất cả các vấn đề liên quan tới vùng lãnh thổ này chỉ nên được thảo luận song phương.

Các bình luận của ông Trump đã gây ra một cơn bão chính trị tại Ấn Độ, vốn từ lâu đã bác bỏ bất kỳ ý tưởng nào về sự can thiệp nào của bên thứ 3 trong việc giải quyết tranh chấp Kashmir, một khu vự có đa số dân là người Hồi giáo mà Ấn Độ xem là một phần lãnh thổ không thể tách rời của nước này.

Cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Kashmir, nhưng mỗi bên kiểm soát các khu vực của vùng này. Hai quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân đã 2 lần chiến tranh vì Kashmir, và căng thẳng đã bùng phát trở lại tại vùng này hồi tháng 2 dẫn tới các cuộc không kích xuyên biên giới.

Ấn Độ thẳng thừng bác tin mời ông Trump làm trung gian hòa giải tranh chấp lãnh thổ - 2

Ấn Độ và Pakistan đã 2 chiến tranh vì khu vực tranh chấp Kashmir (Ảnh: arcgis)

Ấn Độ đã nhanh chóng phản đối các bình luận của ông Trump.

“Chúng tôi đã thấy các bình luận của ông Trump với báo chí. Không có một đề xuất nào như vậy được đưa ra”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar ngày 23/7 cho biết. “Lập trường nhất quán của Ấn Độ là tất cả các vấn đề lớn với Pakistan sẽ chỉ được thảo luận song phương”.

Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar đã nhắc lại bình luận tại quốc hội rằng các tuyên bố của ông Trump không đúng.

Tuy nhiên, các nghị sĩ đối lập đã yêu đích thân Thủ tướng Modi phải lên tiếng trước quốc hội về vấn đề trên. Ông Rahul Gandhi, người gần đây đã từ chức lãnh đạo đảng đối lập chính - đảng Quốc đại, đã viết trên Twitter rằng sự phủ nhận của Bộ Ngoại giao là chưa đủ.

Chính trị gia Ấn Độ Shashi Tharoor đã chỉ trích các bình luận của ông Trump, cho rằng ông này không “hiểu gì về những gì ông đang nói”.

Một cuộc đối đầu quân sự hồi tháng 2 một lần nữa đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai láng giềng về vùng lãnh thổ tranh chấp, khi Ấn Độ mở một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào mục tiêu mà họ gọi là trại huấn luyện khủng bố ở Pakistan.

Vụ việc diễn ra sau một cuộc tấn công khủng bố nhằm vào khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, trong đó một kẻ đánh bom liều chết đã cướp đi sinh mạng của 44 cảnh sát bán quân sự của Ấn Độ.

Kể từ năm 1989, Kashmir đã trở thành nơi chứng kiến các vụ bạo lực thường xuyên, khiến tổng cộng hơn 70.000 người thiệt mạng.

An Bình

Theo BBC