1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Ấn Độ tăng cường hạm đội tàu ngầm để Trung Quốc phải "kiềng mặt"

(Dân trí) - Ấn Độ đang đẩy mạnh một chương trình hiện đại hóa hải quân và tăng cường quan hệ với các láng giềng để kiềm chế hành động của tàu ngầm Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, trong bối cảnh khu vực càng ngày lo ngại về sức mạnh gia tăng của Bắc Kinh trên biển.

Một tàu ngầm của Ấn Độ.
Một tàu ngầm của Ấn Độ.
 
Chỉ vài tháng sau cuộc đối đầu dọc khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya, các tàu ngầm Trung Quốc đã xuất hiện tại Sri Lanka, một quốc đảo nằm ngoài khơi bời biển phía nam Ấn Độ. Trung Quốc cũng tăng cường quan hệ với Maldives, quần đảo ở Ấn Độ Dương.

Các động thái của Trung Quốc cho thấy quyết tâm của nước này nhằm tường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương và diễn ra cùng thời điểm với việc căng thẳng leo thang tại Biển Đông, nơi sự vượt trội về hải quân của Bắc Kinh đã gây lo lắng cho các láng giềng.

“Chúng ta cần lo lắng về cách thức chúng ta điều hành hạm đội tàu ngầm. Nhưng với việc Trung Quốc đang lấn át chúng ta, cách thức họ hành động ở dãy Himalaya, Biển Đông và giờ đây là Ấn Độ Dương, chúng ta cần lo lắng nhiều hơn nữa”, ông Arun Prakash, cựu tư lệnh hải quân Ấn Độ, nói.

“Thật may là có những dấu hiệu cho thấy chính phủ đã nhận thức được cuộc khủng hoảng. Nhưng sẽ mất thời gian để xây dựng lại. Chúng ta hi vọng sẽ không phải đối đầu với Trung Quốc và hi vọng biện pháp ngoại giao và các liên minh của chúng ta sẽ giúp kiểm soát mọi thứ”, ông Prakash nói thêm.

Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã yêu cầu đẩy nhanh tiến trình đấu thầu nhằm mua 6 tàu ngầm diesel điện thông thường với giá 8 tỷ USD, bổ sung cho 6 tàu ngầm tương tự mà công ty Pháp DCNS đang đóng tại cảng Mumbai nhằm thay thế một hạm đội tàu ngầm đã gần 30 năm tuổi.

Tàu ngầm hạt nhân tự chế đầu tiên của Ấn Độ, được trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân và sẽ tiến hành các cuộc thử nghiệm trên biển trong tháng này, dự kiến gia nhập hạm đội vào cuối năm 2016. Trong khi đó, Ấn Độ cũng đang đàm phán với Nga để thuê một tàu ngầm hạt nhân thứ 2.

Chính phủ Ấn Độ cũng đã đề nghị tập đoàn công nghiệp Larsen & Toubro Ltd, vốn chế tạo phần thân cho tàu ngầm đầu tiên, chế tạo thêm 2 tàu ngầm hạt nhân nữa.

Hải quân Ấn Độ hiện có 12 tàu ngầm diesel điện đã cũ nhưng chỉ một nửa trong số đó có thể hoạt động cùng lúc do công tác nâng cấp. Hồi năm ngoái, một trong số các tàu ngầm đã chìm sau các vụ nổ và cháy khi đang neo đậu tại Mumbai.

Trong khi đó, Trung Quốc ước tính có 60 tàu ngầm thông thường và 10 tàu ngầm hạt nhân, trong đó có 3 tàu được trang bị vũ khí hạt nhân.

Ấn Độ đang tăng cường hải quân với khoảng 150 tàu, trong đó có 2 tàu sân bay, còn Trung Quốc có khoảng 800 tàu trong hạm đội hải quân.

David Brewster, một chuyên gia tại Đại học quốc gia Úc, cho hay Ấn Độ sẽ làm tất cả những gì có thể để phục hồi vị thế thống trị tại Ấn Độ Dương. New Delhi có thể tìm cách hợp tác hải quân với Nhật Bản và Úc, mở rộng một căn cứ trên quần đảo Andaman, nằm cách eo biển Malacca khoảng 140 km.

“Ấn Độ xem sự hiện diện của bất kỳ tàu hải quân Trung Quốc nào cũng là một sự xâm phạm. Trung Quốc đã tăng cường mạnh mẽ sự hiện diện của họ, rõ ràng là nhằm gửi một thông điệp tới Ấn Độ”, ông Brewster nói.

Ấn Độ đã tích cực thảo luận với Sri Lanka về sự hiện diện của tàu ngầm Trung Quốc, nhắc nhở nước này rằng New Delhi phải được thông báo về các chuyến thăm như vậy theo một thỏa thuận hàng hải mà họ đã ký kết trong năm nay cùng Maldives.

Ấn Độ cũng đã đầu tư vào một cảng nước sâu trị giá 8 tỷ USD mà Bangladesh muốn phát triển tại Sonadia ở Vịnh Bengal.

“Nếu Trung Quốc tiếp tục đường hướng hiện thời và tiếp tục sự hiện diện ở mức độ hiện nay tại Ấn Độ Dương, người Ấn Độ sẽ cảm thấy họ cần phải đáp trả”, ông Brewster nói.

An Bình