1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ấn Độ phóng thành công tên lửa đẩy lớn nhất từ trước đến nay

(Dân trí) - Ấn Độ ngày 18/12 đã phóng thành công tên lửa đẩy lớn nhất từ trước tới nay và một tàu không người lái có thể giúp đưa các phi hành gia vào vũ trụ. Tên lửa mới sẽ có khả năng mang những vệ tinh có khối lượng lớn hơn bay vào không gian.

GSLV MK III là tên lửa lớn nhất từ trước đến nay mà Ấn Độ từng phóng thành công.

GSLV MK III là tên lửa lớn nhất từ trước đến nay mà Ấn Độ từng phóng thành công.

Vào 9h sáng nay 18/12, Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) cho biết tên lửa đẩy GSLV MK III nặng 630 tấn đã được phóng thành công từ trung tâm vũ trụ Satish Dhawan tại Sriharikota, ngoài khơi vịnh Bengal.

Gần đây, Ấn Độ đã phóng thành công một số vệ tinh vào không gian nhưng lại đang gặp vấn đề với các vệ tinh có khối lượng lớn.

Báo Ấn Độ cho biết, tên lửa mới phóng ngày hôm nay có khả năng chở theo các vệ tinh truyền thông với khối lượng lên tới 4.000 kg, đồng nghĩa nước này sẽ không còn phải dựa vào các bệ phóng nhập ngoại nữa.

Sau vụ phóng, Thủ tướng Narendra Modi viết trên Twitter: "Phóng thành công tên lửa đẩy GSLV MK III là một thành quả nữa đến từ sự xuất sắc và chăm chỉ của đội ngũ các nhà khoa học Ấn. Chúc mừng các nhà nghiên cứu vì những nỗ lực của họ đã được đền đáp”.

Chủ tịch Tổ chức ISRO Radhakrishnan đã phát biểu rằng vụ phóng thử này đánh dấu “một ngày vô cùng quan trọng trong lịch sử nghiên cứu không gian của Ấn Độ”.

Ngoài ra, tên lửa được phóng vào sáng 18/12 đã mang theo một tàu không người lái do Ấn Độ tự sản xuất có khả năng đưa 2 đến 3 phi hành gia vào không gian.

Tổ chức ISRO cho biết  thử nghiệm này đã thành công khi con tàu hạ xuống an toàn tại vùng vịnh Bengal gần quần đảo Anadaman và Nicobar.

ISRO đang xin kinh phí từ chính phủ để có thể đưa các phi hành gia vào vũ trụ, vụ phóng thử thành công là một bước tiến mới giúp họ đến gần mục tiêu hơn.

Hiện nay, Ấn Độ đang vươn lên thành một nhà cung cấp lớn trên thị trường thiết bị không gian trị giá nhiều tỷ USD và cũng đã nhận được một số đơn hàng.

Trước đó, vào tháng 9, Ấn Độ đã phóng thành công một vệ tinh lên quỹ đạo sao Hỏa và trở thành nước thứ 4 trên thế giới làm được điều này.

Thoa Phạm
Theo BBC