Ấn Độ phân chia vùng đất thiêng
(Dân trí) - Một toà án tại Ấn Độ đã ra phán quyết rằng một vùng đất thiêng tranh cãi tại thành phố Ayodhya sẽ được chia đều giữa các tôn giáo Hindu và đạo Hồi. Tuy nhiên, cả hai bên đang lên kế hoạch khiếu nại phán quyết này.
Năm 1992, những người cực đoan theo đạo Hindu đã phá huỷ một nhà thờ Hồi giáo tại Babri Masjid, gây ra cuộc bạo động lan rộng, làm khoảng 2.000 người chết. Đây là vụ bạo lực tôn giáo lớn nhất kể từ khi Ấn Độ giành độc lập năm 1947.
Các quan chức đã hối thúc 2 bên bình tĩnh và tôn trọng phán quyết của toà án tối cao Allahabab của bang Uttar Pradesh.
Xung đột tôn giáo về quyền kiểm soát thánh địa Babri Masjid đã kéo dài 60 năm nay. Người Hindu khẳng định vùng đất thiêng Babri Masjid là sinh quán của vị thần Ram của họ và muốn xây dựng một ngôi đền tại đó. Người theo Hồi giáo cũng xem nơi đây là thánh địa vì Mir Babur, vị hoàng đế đầu tiên của triều đại Mughal, đã cho xây Thánh đường Babri ở đây vào thế kỷ 16.
Toà án tuyên bố thánh địa Babri Masjid sẽ được chia đều: cộng đồng Hồi giáo kiểm soát 1/3, người Hindu kiểm soát 1/3 và lần còn lại thuộc về một giáo phái Hindu thiểu số.
Cũng theo phán quyết, tình trạng hiện thời của thánh địa sẽ được duy trì trong 3 tháng nữa, chờ cho vùng đất này được đo đạc và chia cắt một cách hoà bình.
Nhưng các luật sư của cả đạo Hindu và đạo Hồi đều cho biết họ sẽ khiếu nại phán quyết trên lên Toà án Tối cao Ấn Độ. Rất có thể Toà án Tối cao sẽ hoãn đưa ra phán quyết cuối cùng.
Hơn 200.000 cảnh sát đã được triển khai trên khắp phía bắc Ấn Độ để phòng tình trạng bất ổn có thể bùng phát sau phán quyết của toà án. Tuy nhiên, không có vụ bạo lực lớn nào xảy ra.
An Bình
Theo BBC