Ấn Độ, Israel phối hợp thử tên lửa tầm xa
(Dân trí) - Ấn Độ và Israel đang phối hợp tiến hành các vụ phóng thử tên lửa tầm xa Barak 8 trong tháng này. Đây sẽ là loại tên lửa hiện đại nhất được trang bị cho Hải quân Ấn Độ để ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng trong khu vực.
Ấn Độ sẽ sớm tiến hành vụ phóng từ tàu chiến (Ảnh: Idwr)
Theo thông tin từ Ấn Độ mà hãng tin Trung Quốc có được, nhiều khả năng Ấn Độ sẽ tiến hành thử tên lửa tầm xa đất đối không Barak-8 từ một tàu chiến.
“Tên lửa sẽ được phía Israel tiến hành phóng thử trước trong tháng này. Nếu vụ phóng thành công, Ấn Độ sẽ phóng thử tên lửa từ một tàu chiến”, nguồn tin cho biết.
Cũng theo nguồn tin trên, việc thực hiện thành công cả hai vụ phóng sẽ tạo cơ sở để Ấn Độ chính thức triển khai các tên lửa này cho hạm đội tàu chiến hải quân.
Đây là nỗ lực tiếp theo của Ấn Độ trong việc tăng cường năng lực tác chiến trên biển và trên không trước những mối đe dọa tiềm tàng có thể xảy ra.
Tên lửa Barak-8 do Ấn Độ và Israel phối hợp chế tạo. Mặc dù chỉ có tầm bắn 70km, nhưng nhờ được trang bị công nghệ săn tìm mục tiêu tương tự hệ thống radar MF-STAR của Israel, nên Barak-8 có thể phát hiện nhanh các mục tiêu từ máy bay, các thiết bị bay không người lái, đến tên lửa của đối phương…
“Barak-8 bắn chặn được cả tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa do được lắp đặt công nghệ kết nối với nhau từ các tàu chiến. Điều này cho phép các tên lửa có thể tạo ra nhiều lớp bảo vệ, tương tự như một hệ thống của hệ thống phòng thủ tên lửa”, cơ quan chế tạo loại tên lửa này cho biết.
Ngoài ra, Barak-8 còn được trang bị công nghệ quét mục tiêu 360 độ, có thể hoạt động cả ban ngày lẫn ban đêm, trong mọi địa hình thời tiết và có tốc độ phóng rất nhanh.
Vì thế, Barak-8 được xem là loại vũ khí chính của Hải quân Ấn Độ trong việc phá hủy bất kỳ tên lửa nào của Trung Quốc và Pakistan.
Vũ Anh
Tổng hợp