Âm mưu đẩy Nga sa lầy ở Syria
The National Interest, Mỹ đã phân tích về một số nguy cơ Nga sa lầy ở Syria, song với giới chuyên gia, đáng nói là nhân tố đẩy Nga vào tình cảnh đó.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 12/10 quyết định tăng lực lượng không kích phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. Cụ thể, Nga tăng cường máy bay Su-30 đảm nhận nhiệm vụ không kích ở Syria.
Đây là diễn biến mới nhất sau khi Nga công bố kết quả 1 tuần không kích phiến quân tại Syria và cho rằng hiệu quả không kích là bước đầu chặn được đà phát triển, bành trướng của phiến quân tại Syria.
Máy bay Nga tại căn cứ Hmeimim, Syria. (Ảnh: Sputnik)
Điều này được các quan chức của chính phủ Tổng thống Bashar Al Assad thừa nhận. Ông Riad Haddad, đại sứ Syria tại Nga nói rằng có khoảng 40% cơ sở hạ tầng của IS đã bị phá hủy kể từ khi Nga khởi động chiến dịch không kích những vị trí của phiến quân IS.
Hiện tại các phương tiện tình báo không quân và vũ trụ của Nga vẫn đang suốt ngày đêm tiếp tục xác định các mục tiêu khủng bố mới của IS phục vụ cho các cuộc oanh kích của máy bay Nga.
Cho đến nay, ngoài việc đẩy mạnh không kích, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn nói rằng chưa đưa bộ binh tới quốc gia Trung Đông, song việc Nga đang ngày càng gia tăng hiện diện quân sự tại Syria, đồng thời Moscow cũng chưa đưa ra được thời hạn chót cho việc chấm dứt sứ mệnh tại Damascus đang được giới phân tích cảnh báo rất dễ dẫn đến nguy cơ “sa lầy” như Mỹ đã từng gặp phải ở Afhghanistan hay Iraq.
Nguy cơ mắc kẹt
Sputnik đăng phân tích của chuyên gia Andrey Sushentsov, Viện Quan hệ quốc tế Quốc gia Moscow, Nga về mục đích Nga tham chiến tại Syria, cũng như cái được và mất của chiến dịch đầy tham vọng này.
Cụ thể, nói về cái được, Nga đang tận dụng cuộc chiến với phiến quân tại Syria để kiểm soát số lượng phiến quân Hồi giáo vốn đang di chuyển từ miền bắc Caucasus tới Trung Đông và ngược lại. Đây là nguy cơ gây bất ổn với Nga. Tiếp đó, Nga có thể tăng cường hợp tác quân sự và năng lượng với Syria, khẳng định vị thế của mình trong khu vực Trung Đông đồng thời thể nghiệm những loại vũ khí và hệ thống thông tin liên lạc hiện đại nhất.
Phi công Nga lái Su-30 tại căn cứ Hmeimim, Syria. (Ảnh: Sputnik)
Tuy nhiên, thách thức với Moscow khi triển khai chiến dịch tại Syria cũng không hề ít. Đáng chú ý là nguy cơ mắc kẹt. Lịch sử có thể lặp lại như Liên Xô những năm 1980 bị sa lầy tại Afghanistan. Song đây chỉ là giả thiết bởi chính quyền của ông Putin có thể rút kinh nghiệm từ quá khứ. Nếu chỉ dừng lại ở việc không kích và có kế hoạch rút lui rõ ràng thì việc sa lầy sẽ khó có thể xảy ra hơn.
Không “mắc kẹt” ở Syria thì Nga có thể “mất bạn” Thổ Nhĩ Kỳ. Thực tế có vẻ đang diễn ra đúng như vậy. Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay vốn không ưa chính quyền của Tổng thống Syria và việc Nga nói rằng hỗ trợ ông Assad chống lại sự bành trướng của phiến quân IS dường như khiến quan hệ Moscow – Ankara đang diễn biến xấu đi.
Cụ thể nhất là việc 2 bên cuối tháng 7 bất ngờ hoãn khởi công xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, lẽ ra sẽ hoàn tất vào 2017. Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh cáo sẽ bắn hạ nếu các máy bay Nga tiếp tục xâm phạm không phận nước này.
Rủi ro lớn nhất của việc tham chiến ở Syria theo ông Sushentsov, đó là việc Nga có thể bị kéo vào một cuộc chiến tranh tôn giáo Sunni-Shi’ite tại Syria. Rất có thể Nga sẽ khiến những người Sunni hiểu lầm là họ đang nghiêng về phía dòng Shi’ite khi đánh IS. Như vậy càng khiến khoét sâu hơn sự thù hằn giáo phái cũng như kích động thêm các lực lượng chống Nga.
Ngày 13/10, Đại sứ quán Nga ở thủ đô Damascus bị trúng 2 quả rocket. Dù không ai bị thương song đây là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 1 tháng, cơ quan ngoại giao của Nga tại Syria bị nã pháo cho thấy mức độ nguy hiểm đang hiển hiện ngày càng lớn với người Nga khi Moscow tiến hành chiến dịch không kích phiến quân tại Syria.
Nhiều thế lực không muốn Nga thành công ở Syria
Ngoài nhận định của chuyên gia Andrey Sushentsov, nhiều nhà phân tích khác còn đề cập đến các thế lực không muốn Nga thành công trong chiến dịch không kích phiến quân tại Syria. Điều này hết sức đáng chú ý bởi đây cũng có thể là yếu tố gây khó dễ cho Nga trong việc rút lui khỏi bãi lầy xung đột giáo phái.
Sputnik dẫn lời nhà phân tích chính trị người Mỹ gốc Đức Phil Butler rằng thắng lợi của Nga sẽ là thắng lợi của Syria và khu vực. Điều này là một “thách thức” lớn đối với vị thế của Mỹ và NATO tại Trung Đông.
Chuyên gia này cho rằng, Mỹ và NATO sẽ khó có thể để yên, khoanh tay đứng nhìn chiến dịch không kích của Nga tại Syria.
Thực tế chính quyền Tổng thống Obama hay đại diện NATO không ngừng chỉ trích việc Nga không kích phiến quân IS tại Syria. Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 8/10 cho biết, liên quân do Mỹ dẫn đầu đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng và tình trạng mất an ninh, ổn định theo nhiều chiều hướng khác nhau, trong đó có việc Nga tăng cường hoạt động quân sự ở Syria.
Ngay cả Liên minh châu Âu (EU) cũng đang “nóng” lên vì tình hình chiến sự tại Syria và nhất là việc Nga tham chiến. Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao EU ngày 12/10 tại Luxembourg đang xem xét các hoạt động quân sự của Nga tại quốc gia này và để ngỏ thêm khả năng thảo luận về biện pháp tiếp tục trừng phạt Nga.
Điều này đúng như chuyên gia Butler nhận định: “Nhiều thế lực sẽ dùng quyền lực của mình, làm mọi thứ để biến Syria thành bãi lầy như ông Obama cảnh báo ông Putin”./.
Theo Ngân Giang/VOV.VN