Ai thắng ai?
Cuộc chạy đua giành chức Tổng thư ký LHQ thay ông Kofi Annan hết nhiệm kỳ vào năm 2006 đang vào giai đoạn nước rút khá quyết liệt.
Châu Á đã có 2 ứng viên chính thức là Phó Thủ tướng Thái Lan Surakiart Sathirathai, 47 tuổi và Jayantha Dhanapala, 66 tuổi, cố vấn của Tổng thống (TT) Sri Lanka, cựu Phó TTK LHQ chuyên trách vấn đề giải trừ quân bị. Ứng viên thứ 3 là Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Ban Ki-moon, 61 tuổi, có ý định nhưng chưa chính thức tuyên bố nhập cuộc đua tranh.
Châu Á có ưu thế trong cuộc đua vì tuy không có luật lệ chính thức về chế độ luân phiên, đại đa số thành viên LHQ đều ủng hộ chức TTK LHQ từ năm tới nên dành cho châu Á. Lý do thứ nhất vì ông Kofi Annan là người của châu Phi và phần lớn các nước ở châu lục này ủng hộ ứng viên châu Á. Thứ hai, châu Á có vai trò quan trọng trên chính trường quốc tế mới song chỉ có 1 vị TTK LHQ là ông U Thant của Myanmar từ năm 1961 đến 1971.
Trong 2 đối thủ châu Á, ông Surakiart của Thái Lan có nhiều ưu thế và triển vọng nhất. Ông vừa trẻ, vừa có kinh nghiệm hoạt động ngoại giao với cương vị ngoại trưởng cho đến năm 2004 mới làm phó thủ tướng. Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra cho biết ông Surakiart đã được sự ủng hộ của 109 nước thành viên LHQ. Trong khi đó ứng viên Dhanapala của Sri Lanka đã cao tuổi tuy cũng có ưu thế đã từng làm việc ở LHQ trong 10 năm. Trong thời gian qua, ông đã tích cực đi vận động ở các nước, tự nhận kinh nghiệm của ông ở LHQ có lợi cho mục tiêu cải cách LHQ trong những năm tới.
Lợi thế của châu Á là Trung Quốc và Nga, 2 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, đều ủng hộ ứng viên châu Á. Người ta đang nóng lòng chờ đợi Mỹ, Pháp, Anh, 3 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, đến nay chưa tỏ thái độ dứt khoát. Chỉ cần 9/15 ủy viên Hội đồng Bảo an tán thành và không có phiếu phủ quyết của ủy viên thường trực là châu Á thắng lợi.
Theo T. Tùng
Người lao động