1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ai sẽ thay Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ?

(Dân trí) - Một tuần sau khi tái đắc cử, Tổng thống Obama vẫn chưa tiết lộ thành phần nội các mới, dù đang có không ít đồn đoán về những ứng cử viên thay thế cho hai vị trí đối ngoại và quốc phòng Mỹ.

Ai sẽ thay Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ?

Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice (trái) là gương mặt sáng giá nhất thay thế Ngoại trưởng Hillary Clinton sắp từ chức.

Tại Washington ngày càng có nhiều đồn đoán về việc ai sẽ nắm giữ chức Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng sau khi cả bà Hillary Clinton và ông Leon Panetta đều tuyên bố sẽ không lưu nhiệm. Trong số này nổi lên các gương mặt Thượng nghị sĩ kỳ cựu John Kerry, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Susan Rice và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Tom Donilon.

Trong buổi họp báo đầu tiên ngày hôm qua kể từ khi tái đắc cử nhiệm kỳ II, Tổng thống Obama đã bảo vệ nữ Đại sứ Mỹ trước làn sóng chỉ trích của các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và đề cập tới những vấn đề xoay quanh vụ từ chức "gây sốc" của Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus, khiến ông cũng đang phải đau đầu tìm người thay thế.

“Bà Rice đã làm việc rất mẫu mực tại LHQ, thể hiện sự khéo léo, tài năng, bền bỉ và  uyển chuyển trong công việc”, ông Obama nói.

Bà Rice bị chỉ trích sau khi phát biểu rằng vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi (Libya) ngày 11/9 bắt nguồn từ một vụ biểu tình tự phát chống bộ phim phỉ báng đạo Hồi.

Đại sứ Rice được cho là một trong số có nhiều khả năng nhất trở thành tân ngoại trưởng Mỹ, khi đương kim Ngoại trưởng Clinton thông báo sẽ từ chức. Để trở thành ngoại trưởng tiếp theo, ngoài việc nhận được sự đề cử của Tổng thống Obama, bà Rice còn cần giành được 60 phiếu ủng hộ ở Thượng viện.

Tuy nhiên, đây sẽ là cửa ải không dễ dàng đối với bà vì nhiều thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, trong đó có Thượng nghị sĩ John McCain, đã tuyên bố "sẽ làm mọi điều trong khả năng để ngăn cản bà Rice trở thành ngoại trưởng Mỹ".

Ngoài bà Rice, Thượng nghị sĩ John Kerry - người từng nắm giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ trong một thời gian dài – cũng nổi lên là một gương mặt sáng giá. Ông là người khá nổi tiếng trong cả chính giới Hoa Kỳ và quốc tế và từ lâu đã ấp ủ ước mơ được làm người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ.

Xét về khả năng, cả bà Rice và ông Kerry đều xứng đáng làm người kế nhiệm Ngoại trưởng Hillary. Tuy nhiên, nếu đặt lên bàn cân, dư luận Mỹ dường như có phần ngả về xu hướng chọn một nữ Ngoại trưởng tiếp theo cho nước Mỹ.

Theo các nhà phân tích, nếu chiến thắng thuộc về bà Rice, ông Kerry khi ấy nhiều khả năng sẽ được chỉ định làm người đứng đầu Lầu Năm Góc, thay Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta. Giới chức Nhà Trắng cho rằng ông Kerry hoàn toàn có đủ phẩm chất để đảm nhiệm cương vị này, vì ông đã có thời gian dài phục vụ trong hải quân, đồng thời có kiến thức rất sâu về ngân sách cũng như những kinh nghiệm về ngoại giao. Đây đề là những phẩm chất quan trọng mà một Bộ trưởng Quốc phòng cần có.

Hiện tại, ông Kerry chưa đưa ra bất kỳ phản hồi nào trước tin đồn có thể được chỉ định làm Bộ trưởng Quốc phòng.

Một gương mặt khác cũng được nhiều người nhắc tới là Tom Donilon, cố vấn an ninh quốc gia đáng tin cậy của ông Obama kể từ năm 2010, dù rằng đây đó vẫn có ý kiến cho rằng nhân vật này không có đủ uy tín chính trị như bà Rice hoặc ông Kerry.

Ngoài ra, dư luận Mỹ cũng đang hướng sự chú ý đến các ứng cử viên tiềm năng của đảng Cộng hòa, gồm cựu Ngoại trưởng Colin Powel, đặc phái viên Mỹ tại Bắc Kinh Jon Huntsman và và cựu Thượng nghị sĩ bang Nebraska Chuck Hagel.

Mặc dù có rất ít khả năng ông Obama sẽ “để mắt” tới các ứng cử viên của đảng Cộng hòa nhưng dư luận Mỹ cũng không ngoại trừ khả năng sẽ có bất ngờ như đã từng xảy ra cách đây 4 năm.

Khi ấy, vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ đã gây ngạc nhiên lớn cho chính giới Mỹ khi quyết định chỉ định bà Hillary - đối thủ của ông trong cuộc tranh cử tấm vé chính thức đảng Dân chủ - làm Ngoại trưởng Mỹ, đồng thời giữ lại bên mình Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gate của chính quyền tiền nhiệm George W.Bush.

“Đó là cách mà một Tổng thống thực dụng như Obama có thể làm”, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế Brent Scowcroft  nói.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch cơ quan nghiên cứu chính sách đối ngoại và quốc phòng thuộc Viện Cato, Christopher Preble, việc bổ nhiệm một người của đảng Cộng hòa trong bầu không khí căng thẳng giữa hai đảng hiện nay sẽ không mang lại lợi ích cho Tổng thống Obama. Ông Preble cho rằng không thành viên nào của đảng Cộng hòa sẵn sàng từ bỏ uy tín của mình trong đảng để tỏ ra sẵn sàng hợp tác với phe Dân chủ và nhất là với một Tổng thống của đảng Dân chủ trong thời điểm hiện nay.

Việt Giang