1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ai sẽ là tân thủ tướng Thái Lan?

(Dân trí) - Người phát ngôn của Hội đồng cải cách dân chủ, Tướng Palangkul Klaharn, đã xua tan những lời đồn đại về chức thủ tướng lâm thời mới khi ông cho biết thủ tướng sắp tới có thể sẽ khiến dư luận ngạc nhiên, bởi nhân vật này không nằm trong số những người mà báo chí nêu tên nhiều gần đây.

Phát biểu trước báo giới, Tướng Palangkul nói: "Tôi không thể tiết lộ vào thời điểm này mà chỉ có thể nói rằng đó là nhân vật không nằm trong số người được báo chí nêu ra và một vị thủ tướng lâm thời chưa thể được bổ nhiệm trong một vài ngày tới".

 

Một nguồn tin chính trị ngày 24/9 cho biết ông Meechai Ruchuphan, cựu luật sư đã nổi lên như một "chú ngựa ô" cho chức thủ tướng lâm thời. Trước đó, có 4 nhân vật được dư luận quan tâm nhất là Tổng thư ký Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) Supachai Panitchpakdi, Thống đốc Ngân hàng trung ương Thái Lan Pridiyathorn Devakula, Chánh án Tòa án Tối cao Charnchai Likhitchittha và Chánh án Toà án Hành chính tối cao Ackaratorn Chularat.

 

Vua Bhumibol Adulyadej sẽ được yêu cầu xác nhận một thủ tướng dân sự mới có nhiệm vụ đưa đất nước trở lại nền dân chủ vào ngày 27/9. Người phát ngôn của Hội đồng quân sự, Trung tướng Thaweep Netniyan, nói: "Việc lựa chọn một thủ tướng mới là khẩn cấp và quan trọng".            

 

Theo Thitinan Pongsudhirak, nhà khoa học chính trị thuộc trường Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, thủ tướng mới cần có một nền tảng pháp lý, khi Thái Lan soạn thảo hiến pháp thứ 17.

           

Trong khi đó, tướng Sonthi Boonyaratkalin, chỉ huy cuộc đảo chính và là tư lệnh lục quân, tuyên bố hội đồng quân sự muốn có một nhà lãnh đạo chuyển tiếp "trung lập và duy trì dân chủ".

           

Sau đây là danh sách những người được coi là ứng cử viên hàng đầu vào chức thủ tướng mới của Thái Lan:

           

- Supachai Panitchpakdi, cựu Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hiện là chủ tịch Hội nghị Thương mại và Phát triển LHQ (UNCTAD), là người nổi bật nhất trên trường quốc tế.

 

Là một nhà ngoại giao - kinh tế chuyên nghiệp và là cựu phó thủ tướng, Supachai, 60 tuổi, có thể giúp gây dựng lại lòng tin sau cuộc khủng hoảng của các bạn hàng và các nhà đầu tư nước ngoài. Supachai nổi lên với tư cách một nhà kỹ trị của Ngân hàng Thái Lan, trước khi trở thành thứ trưởng Bộ Tài chính và giám đốc Ngân hàng Quân sự Thái Lan hồi những năm 1980.

           

Năm 1992, ông trở thành phó thủ tướng trong một chính phủ của đảng Dân chủ có nhiệm vụ giám sát chính sách kinh tế vào thời điểm kinh tế phát triển nhanh chóng. Ông giữ chức Giám đốc WTO từ năm 2002 đến tháng 8/2005, sau đó đảm nhận chức Chủ tịch UNCTAD. Một số phương tiện thông tin Thái Lan đã nghi ngờ việc ông thôi làm việc cho LHQ để đảm nhận chức vụ mà hội đồng quân sự giao cho.

           

- Charnchai Likhitjittha, 60 tuổi, Chánh án Tòa án Tối cao, nổi lên như một ứng cử viên hàng đầu với chính quyền quân sự muốn ủng hộ một chuyên gia pháp lý vì họ đang chật vật đưa ra một bản hiến pháp mới và tiến hành các cuộc điều tra tham nhũng.

           

Báo "Dân tộc" số ra ngày 24/9 cho biết Charnchai là người dẫn đầu trong cuộc chạy đua vào chức thủ tướng lâm thời và dẫn một nguồn tin quân sự nói rằng "tinh thần thỏa hiệp của ông phù hợp với ban lãnh đạo cấp cao của đất nước này trong giai đoạn hiện nay". Ông Charnchai là mềm dẻo và có năng lực, là một trong ba thẩm phán cấp cao được Vua Bhumibol Adulyadej giao nhiệm vụ giải quyết bế tắc chính trị của Thái Lan sau cuộc bầu cử hồi tháng 4/2006.

           

- Pridiyathorn, 59 tuổi, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan, là một trong số những nhân vật đầu tiên có khả năng trở thành thủ tướng Thái Lan. Pridiyathorn nói ông không loại trừ khả năng  giữ chức vụ này. Ông nói thêm rằng sự thay đổi này "có thể chấp nhận được" và không ảnh hưởng đến đầu tư. Báo "Bưu điện Bangkok" số ra ngày 23/9 đã dự đoán người sẽ thay Pridiyathorn làm thống đốc Ngân hàng Trung ương là Chatumongol Sonakul, 62 tuổi.

           

- Akkharathorn Chularat, 66 tuổi, là Chánh án Tòa án Hành chính Tối cao, một cựu thượng nghị sĩ và thành viên của ủy ban dự thảo hiến pháp. Ông Akkharathorn có chuyên môn pháp lý mà hội đồng quân sự yêu cầu. Ông có bằng luật của trường đại học Thammasat và có bằng tiến sĩ ở Rome. Ông là một cựu thư ký Văn phòng Hội đồng Nhà nước, nơi chuyên tư vấn pháp lý cho chính phủ.

           

Akkharathorn là một trong các thẩm phán mà Vua Bhumibol đã chọn để tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị thông qua các biện pháp pháp lý trong những tháng trước khi xảy ra đảo chính.

                                                                                   

A.K

Theo AFP, AP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm