1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ai sẽ kế nhiệm Kofi Annan?

Đương kim Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan sẽ kết thúc nhiệm kỳ hai vào cuối năm nay và cuộc tìm kiếm người thay ông cũng đã bắt đầu. Nhưnng cách thức tuyển lựa người vào chức vụ quan trọng này vẫn là điều đầy bí ẩn.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc là chức vụ ngoại giao cao cấp nhất trên thế giới, có vai trò không nhỏ trong các vấn đề toàn cầu.

 

Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về việc chọn ai nắm giữ chiếc ghế này thường diễn ra sau cánh cửa đóng kín. Các thành viên Liên Hợp Quốc sau đó đơn giản chỉ có việc đóng dấu thông qua mà thôi.

 

Quyền lực thực sự trong việc quyết định người trở thành Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nằm trong tay 5 quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an là Anh, Pháp, Nga, Mỹ và Trung Quốc, những nước có khả năng phủ quyết.

 

Edward Mortimer, giám đốc truyền thông của ông Kofi Annan cho biết: "Vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào việc Mỹ và Trung Quốc có đi đến một thoả thuận sớm hay không, nếu có thì mọi chuyện có thể được định đoạt khá nhanh. Nhưng nếu họ bất đồng sâu sắc thì bạn sẽ thấy câu chuyện khó có hồi kết".

 

Tiếng nói cuối cùng

 

Nhưng có rất nhiều ý kiến bất mãn của các nước đang phát triển xuất hiện bên hành lang của Liên Hợp Quốc, những quốc gia cảm thấy rằng sẽ là một sự bất công nếu người kế nhiệm Tổng thư ký Kofi Annan được chọn lựa theo cách thức như trên.

 

Trong khi đó, những thách thức đang chờ tân tổng thư ký Liên Hợp Quốc là rất lớn, từ việc cải cách bộ máy tổ chức, giải quyết hậu quả của vụ bê bối đổi dầu lấy lương thực cho đến việc định rõ vai trò của Liên Hợp Quốc trong một thế giới đầy biến động hiện nay.

 

Phó đại diện thường trực của Hàn Quốc tại Liên Hợp Quốc là Oh Joon cho rằng: "Có những lời kêu gọi từ đông đảo các nước thành viên về việc cần phải minh bạch hơn và Đại hội đồng có sự tham gia nhiều hơn trong việc tuyển chọn tổng thư ký, tôi nghĩ rằng đó là một lời kêu gọi hợp lý".

 

Tuy nhiên, trên thực tế những tiếng nói của các nhà ngoại giao bên hành lang sẽ không thể dẫn đến một sự thay đổi mạnh mẽ nào trong cách thức chọn lựa vị tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ít nhất là trong đợt bầu chọn lần này.

 

Theo các nhà phân tích, 191 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc có thể sẽ được tham khảo thêm ý kiến nhưng Hội đồng Bảo an sẽ vẫn là cơ quan có tiếng nói cuối cùng trong vấn đề trên.

 

Trong bối cảnh đó, cho đến nay vẫn chưa có một sự thống nhất về việc người kế nhiệm ông Kofi Annan cần có những phẩm chất gì. Người đó phải đại diện cho những quyền lợi cao cả nhất của nhân loại hay đơn giản chỉ là làm theo những gì được yêu cầu.

 

Những ứng viên khu vực

 

Khái niệm coi tổng thư ký Liên Hợp Quốc là một "giáo hoàng thế tục" xuất hiện từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, thời ông Dag Hammarskjold đang nắm giữ chức vụ này. Khi đó ông tự nhìn nhận mình là người bênh vực cho công dân trên toàn thế giới.

 

Nhưng James Traub, tác giả cuốn sách về Kofi Annan và Liên Hợp Quốc, tin rằng Hội đồng Bảo an muốn chọn một ai đó thận trọng và kín đáo, nghĩa là mang tính "thư ký" nhiều hơn là "tổng". Ông giải thích thêm: "Nếu có một Tổng thư ký quyền uy thì người đó sẽ choán giữ mất một số không gian của Hội đồng Bảo an".

 

"Họ không muốn người đó có khả năng tác động đến dư luận, hạn chế tính biến hoá của bản thân họ. Do đó, có một điều mà 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an sẽ thống nhất được với nhau đó là việc tất cả đều muốn nhìn thấy vị tổng thư ký nhún nhường", James Traub bình luận.

 

Vấn đề trở lên phức tạp hơn khi các nước châu Á tin rằng, đã đến lúc họ được đề cử vị tổng thư ký Liên Hợp Quốc, theo một thoả thuận không chính thức về việc chức vụ này được luân phiên giữa các khu vực trên khắp thế giới.

 

Đương kim Tổng thư ký Kofi Annan đang ở thăm châu Á cũng đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Hàn Quốc Ban Ki Moon, một ứng cử viên nhiều tiềm năng có thể kế nhiệm ông.

 

Ngoài ra còn có hai ứng viên khác của châu Á được công bố chính thức là Phó thủ tướng Thái Lan Surakiart Sathirathai và ông Jay Dhanapala, cựu chuyên gia kiểm soát vũ khí của Liên Hợp Quốc, người đang theo dõi các cuộc hoà đàm ở Sri Lanka.

 

Tác giả James Traub mô tả những cái tên nói trên là “chẳng có gì khác nhau”. Theo ông tất cả họ đều là những nhà ngoại giao khéo ứng xử.

 

Quan điểm trên cũng khuyến khích Đông Âu tham gia chạy đua vì họ cho rằng chưa có ai từ khu vực họ làm tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Mỹ từng có ý định hậu thuẫn cựu tổng thống Ba Lan Aleksander Kwasnieski vào chức vụ này và Tổng thống Latvia Vaira Vike-Freiberg cũng muốn trở thành nữ tổng thư ký đầu tiên.

 

Trong khi đó còn có thêm một ứng viên ít người biết đến là Hoàng thân Zaid Hussein, đại sứ của Jordan tại Liên Hợp Quốc. Những người ủng hộ ông lý luận rằng, khu vực Trung Đông của họ cũng cần có một ứng cử viên.

 

Sớm nhất là tới tháng sau Hội đồng Bảo an sẽ bắt đầu thảo luận về vị tổng thư ký mới. Đang có sức ép về việc họ phải ra quyết định về vấn đề này vào tháng 9, khi các nhà lãnh đạo thế giới họp để chuẩn bị cho Đại hội đồng tiếp theo. Nhưng cũng có thể tới tận tháng 12 người ta mới biết được ai sẽ thay thế ông Kofi Annan.

 

Theo Đình Chính

Vnexpress/BBC, AP