“Ai là kẻ gây bất ổn tại biển Đông?” - Vài lời với Đại sứ Trung Quốc
(Dân trí) - Đại sứ Trung Quốc tại Thái Lan Ninh Phú Khôi ngày 23/6 đã viết bài trên báo Matichon trình bày quan điểm của ông về vấn đề biển Nam Trung Hoa - vùng biển Việt Nam gọi là Biển Đông. Để rộng đường dư luận, tôi cũng xin bổ sung thêm một số thông tin để bạn đọc của bản báo có được sự đánh giá đầy đủ hơn về “ai là kẻ gây bất ổn tại biển Đông”.
Trước tiên, tôi thấy rằng thông tin mà Đại sứ Ninh nêu trong bài để cho rằng Việt Nam “quấy rối” hoạt động của Trung Quốc thực chất là chép lại từ tài liệu ngày 08/6/2014 công bố trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Nhưng tôi cũng nhận thấy rằng cả tài liệu này cũng như trong các cuộc họp báo khác nhau, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra được bằng chứng thuyết phục và khách quan để chứng minh luận điểm của mình. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, các bạn đọc Thái chắc không khó kiểm chứng được từ các nguồn thông tin công khai và khách quan để thấy được đúng sai trong các thông tin mà Đại sứ Ninh đã nêu.
Thực tế là hoạt động trái phép của giàn khoan Trung Quốc cũng như hành động hung hăng, vô nhân đạo của các tàu hộ tống giàn khoan của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam đã được thông tin đầy đủ bởi nhiều cơ quan truyền thông cả trong và ngoài khu vực, của các nước phát triển và đang phát triển. Các phóng viên nước ngoài, các nhà bình luận quốc tế hay các học giả và chính giới đều có chung nhận định rằng chính hành động đơn phương, khiêu khích không phù hợp với luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) của Trung Quốc là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình hình căng thẳng hiện nay.
Thứ hai, tôi không thể đồng ý với quan điểm của Đại sứ Ninh cho rằng chính phủ Trung Quốc đã thực hiện chủ quyền liên tục, hợp pháp và ổn định đối với quần đảo này từ giữa và cuối thế kỷ thứ 10 vì điều này mâu thuẫn với lịch sử và nhầm lẫn về pháp lý. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để chứng minh chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam là quốc gia đầu tiên đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền một cách liên tục và hòa bình đối với quần đảo Hoàng Sa, chí ít là kể từ thế kỷ 17, khi mà vùng lãnh thổ này còn vô chủ. Các chúa Nguyễn của Việt Nam đã thành lập những đội dân binh, gọi là đội Hoàng Sa, để cai quản và khai thác quần đảo Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa này có nhiệm vụ hàng năm tới quần đảo Hoàng Sa để khai thác sản vật, đo đạc, trồng cây, dựng bia, xây dựng chùa chiền, cứu hộ tàu thuyền… Tất cả những hoạt động này đều được ghi lại trong các tài liệu chính thức.
Tôi nói rằng có sự mâu thuẫn với lịch sử trong phát biểu của Đại sứ Ninh vì theo như tôi biết năm 1898, trước việc chủ tàu Bellona và Himeji Maru đòi nhà đương cục Trung Quốc bồi thường cho việc ngư dân Trung Quốc cướp tài sản hai chiếc tàu này khi chúng bị đắm tại Hoàng Sa, Phó vương Quảng Đông đã tuyên bố quần đảo Hoàng Sa là vùng đất vô chủ, không thuộc về Trung Quốc, không có liên quan gì về mặt hành chính đối với bất cứ quận nào của Hải Nam và không cơ quan nào có trách nhiệm kiểm soát khu vực này. Điều này thực ra cũng dễ hiểu thôi vì trong một thời gian dài của lịch sử, các triều đình nhà Minh và nhà Thanh đã áp dụng chính sách “Hải cấm” thể hiện một sự lo ngại đối với những mối hiểm họa từ biển hơn là một tư duy mong muốn vượt ra khỏi lãnh thổ lục địa để làm chủ biển.
Chính vì tư duy của người Trung Quốc đối với biển và về quần đảo Hoàng Sa như vậy, nhà bản đồ học hàng đầu người Pháp là Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville đã thể hiện lãnh thổ Trung Quốc thời Càn Long (1736 - 1795) chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam (không bao gồm các đảo ở biển Đông như quần đảo Hoàng Sa) trong tấm bản đồ xuất bản tại Đức thế kỷ 18. Tấm bản đồ này đã được Thủ tướng Đức Angela Merkel tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 3 vừa qua khi ông Tập Cận Bình tới thăm Đức.
Trong khi đó, chính tài liệu của Trung Quốc, như Hải ngoại Kỷ sự (Haiwai jishi) năm 1696 hay Hải Lục (Hailu) năm 1820 và tài liệu quốc tế như Journal of the Asiatic Society of Bengal (1837) và Journal of the Geographical Society of London (1849) đã công nhận và thể hiện quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam.
Về mặt pháp lý, tôi chỉ nói ngắn gọn là không có bất cứ tài liệu quốc tế chính thức liên quan nào ghi rằng Trung Quốc giành lại Hoàng Sa từ Nhật Bản năm 1946 như Đại sứ Ninh đã viết. Trái lại, tại Hội nghị San Francisco năm 1951, đề xuất yêu cầu Nhật Bản nhìn nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với quần đảo Hoàng Sa đã bị bác bỏ với 46 phiếu chống trong tổng số 51 nước tham dự. Cũng tại Hội nghị này, Trưởng đoàn Việt Nam, Thủ tướng Trần Văn Hữu đã tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa mà không gặp phải bất kỳ phản đối nào. Tiếp đó, Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về việc khôi phục hòa bình ở Đông Dương khẳng định các bên tham gia tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, có nghĩa là bao gồm quần đảo Hoàng Sa đang do các lực lượng của Pháp và Việt Nam Cộng hòa quản lý.
Chính vì chủ quyền đối với Hoàng Sa thuộc về Việt Nam và Trung Quốc với tư cách là quốc gia tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 biết rất rõ về điều này, hành động mà Đại sứ Ninh gọi là “đánh đuổi” quân đội miền Nam Việt Nam tại Hoàng Sa thực chất là hành động xâm lược bằng vũ lực và đã bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng như Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam lên án mạnh mẽ. Một hành động như vậy không thể là cơ sở để Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền như Bị vong lục ngày 12/5/1988 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nêu và đăng trên Nhân dân Nhật báo cùng ngày.
Thứ ba, Đại sứ Ninh nói rằng hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 lần này là sự tiếp nối của tiến trình thăm dò trong suốt 10 năm qua, hoàn toàn trong phạm vi chủ quyền và quyền quản lý của Trung Quốc và Việt Nam không có quyền phát biểu, không có quyền can thiệp hoặc ngăn cản. Nhưng phải nói rằng, hoạt động trái phép, như thăm dò, khảo sát, của Trung Quốc tại vùng biển của Việt Nam ở biển Đông trong 10 năm qua luôn gặp phải sự phản đối của Việt Nam dưới nhiều hình thức và ở các cấp khác nhau.
Thậm chí, trước thái độ thiếu thiện chí của Trung Quốc và việc xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi chính đáng của Việt Nam tại biển Đông, ngày 05/8/2010, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phải công khai lên tiếng phản đối. Việc Việt Nam kiên quyết phản đối hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 lần này là để bảo vệ khu vườn cùng các cây cối tại đó của mình đang bị một người hàng xóm vô cớ đòi sở hữu.
Thực vậy, khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ 60 - 80 hải lý. Việc làm của Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của Việt Nam, đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được quy định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Đại sứ Ninh nói rằng khu vực giàn khoan Hải Dương-981 là thuộc vùng biển của “Tây Sa” (Hoàng Sa của Việt Nam) do cách đường cơ sở của quần đảo này 17 hải lý trong khi cách đường cơ sở Việt Nam từ 120-140 hải lý. Việc Trung Quốc vẽ đường cơ sở quanh quần đảo “Tây Sa” là vô giá trị, không phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Điều tôi muốn nói thêm ở đây là chính Trung Quốc đã “không giữ lời” khi muốn xóa bỏ lời nói của lãnh đạo Đặng Tiểu Bình tháng 9/1975 rằng Việt Nam và Trung Quốc sẽ đàm phán giải quyết vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa như được ghi nhận trong Bị vong lục ngày 12/5/1988 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Để hỗ trợ cho hoạt động trái phép của giàn khoan Hải Dương-981, Trung Quốc huy động một lực lượng hùng hậu tàu bè và máy bay các loại, có lúc lên tới gần 140 chiếc, trong đó có cả những tàu quân sự hiện đại, trang bị vũ khí đầy đủ để cản phá hoạt động của các tàu dân sự của Cảnh sát Biển và Kiểm ngư Việt Nam đang thực thi pháp luật trên vùng biển của Việt Nam.
Các tàu Trung Quốc đã đâm va, phun vòi rồng vào các tàu của Việt Nam trong phạm vi bán kính cách giàn khoan trên 10 hải lý, gây thương tích cho hàng chục cán bộ kiểm ngư và ngư dân, gây hư hại nhiều tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Vô nhân đạo hơn cả là việc tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam đang đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các tàu của Trung Quốc ngăn cản hoạt động tàu Việt Nam cứu trợ đối với 10 thuyền viên của tàu bị chìm.
Các hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, trái với tinh thần và lời văn của DOC cũng như các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước. Hành động của Trung Quốc đã không còn là một vấn đề song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc mà đã và đang đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và gây bất ổn trong khu vực. Chính vì vậy, không chỉ Việt Nam phản đối mà nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ quan ngại và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động khiêu khích của mình.
Cuối cùng, trong bài viết của mình, Đại sứ Ninh nói rằng “Trung Quốc là một nước lớn có trách nhiệm, chúng tôi “không gây chuyện” và không muốn thấy khu vực xung quanh chúng tôi xảy ra những rắc rối”. Nhưng tôi thấy thực sự lo ngại là các hành động của Trung Quốc trong vụ giàn khoan Hải Dương-981mà tôi vừa thông tin cho bạn đọc của bản báo đã thể hiện khoảng cách rất lớn giữa lời nói và việc làm của Trung Quốc.
Dù vậy, tôi hoan nghênh tuyên bố của Đại sứ Ninh rằng “Nếu bất cứ việc gì có thể làm dịu tình hình, chúng tôi đều sẽ quyết tâm tiến hành thúc đẩy”. Tôi nghĩ rằng điều thiết thực nhất hiện nay là Trung Quốc ngay lập tức rút giàn khoan Hải Dương-981 cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam và cùng Việt Nam giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan.
Về điểm cuối cùng này, cá nhân tôi thấy rằng Đại sứ Ninh và tôi nên tận dụng những hiểu biết của mình về tranh chấp hiện nay xung quanh hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 ở Biển Đông để đưa ra những đề xuất phù hợp với cơ quan chức năng trong nước, kể cả việc kiến nghị chính phủ hai nước trình bày những bằng chứng lịch sử và lập luận pháp lý của hai bên trước một cơ quan tài phán quốc tế để phân xử chứ không chỉ dừng ở việc trình bày quan điểm trên phương tiện thông tin đại chúng.
Việc Trung Quốc đồng ý sử dụng biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp này và quan trọng hơn đó là tuân thủ phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế chính là điều thiết thực để giúp các nước nhỏ như Việt Nam và Thái Lan có lòng tin rằng Trung Quốc thực sự thực hiện “trách nhiệm” của “một nước lớn”.
Nguyễn Tất Thành
Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan