1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Xung quanh vụ tòa báo ở Pháp bị khủng bố:

Ai đã mua 5 triệu tờ báo Hebdo Charlie trong 10 phút?

Chỉ trong chưa đầy 10 phút, 3 triệu ấn bản số báo đầu tiên của tuần báo Charlie Hebdo kể từ sau vụ khủng bố, đã được bán sạch ngay từ 6 giờ sáng ngày 14/1. Điều này đã buộc nhà in phải phát hành thêm 2 triệu bản. Có ai đó đi gom tờ báo này về vứt bỏ?

Người dân xếp hàng chờ mua ấn bản mới nhất của tờ Charlie Hebdo ở Paris ngày 14/1
Người dân xếp hàng chờ mua ấn bản mới nhất của tờ Charlie Hebdo ở Paris ngày 14/1

Ngày 14/1, nhiều độc giả Pháp rất thất vọng vì không mua được số báo mà trên trang nhất có đăng bức biếm họa mới vẽ Nhà tiên tri Mohammed cầm biểu ngữ “Tôi là Charlie”, được thực hiện bởi những thành viên ban biên tập Charlie Hebdo sống sót sau vụ tấn công khủng bố ngày 7/1, khiến tổng cộng 12 người thiệt mạng.

Để đáp ứng nhu cầu của độc giả, nhà xuất bản đã quyết định nâng số phát hành từ 3 triệu lên 5 triệu. Mỗi ngày 500.000 bản sẽ được phân phối cho các sạp báo.

Trở thành biểu tượng của quyền tự do ngôn luận, số báo đề ngày 14/1 của Charlie Hebdo đã được dịch ra năm thứ tiếng: Tây Ban Nha, Anh, Arập cho ấn bản báo giấy, tiếng Ý và Thổ Nhĩ Kỳ cho ấn bản báo mạng, đồng thời được phát hành tại hơn 20 quốc gia (một kỷ lục đối với báo chí Pháp). Bình thường, Charlie Hebdo chỉ in trung bình 60.000 bản mỗi tuần và chỉ bán được khoảng một nửa.

Ở Pháp, nếu không xếp hàng vào khoảng 5 giờ sáng để mua một tờ Charlie Hebdo vừa ra hôm thứ Tư, thì có nhiều khả năng người mua sẽ nghe thấy câu này: “Hết sạch rồi. Lúc 6 giờ 14 phút buổi sáng chỉ trong 10 phút là không còn tờ nào. Chỉ trong vòng 10 phút”. Đó là lời ông Junu Ouddin người Bangladesh, chủ sạp báo ở đông bắc Paris. Cư dân ở đây có xuất xứ từ mọi nơi trên thế giới, nhưng họ đều biết về tờ Charlie Hebdo.

Câu trả lời đó cũng được nghe thấy ở sạp báo cuối đường, nơi ông Patricio Salcedo cho hay 255 tờ báo đã được bán sạch trong vài phút. Trong thực tế, tất cả 700.000 số của tuần báo này đã bán sạch trong vòng vài phút sau khi được bầy bán ở các quầy báo trên khắp nước Pháp.

Việc tờ báo này được bán hết một cách mau lẹ vào sáng sớm, khi mà nhiều người dân còn chưa ngủ dậy khiến các chuyên gia đặt ra nghi vấn rằng liệu có ai đó đi gom số báo này về vứt bỏ? Hãng Reuters dẫn lời một số chuyên gia trong ngành phát hành nói rằng rất nhiều độc giả người Hồi giáo trên khắp thế giới đã săn lùng số báo mới nhất của tạp chí Charlie Hebdo. Họ mua về làm gì? Chắc chẳng phải để đọc! Theo các chuyên gia trên, số độc giả bình thường mua được tờ báo Charlie Hebdo số mới nhất là rất ít.

Với nhiều người dân châu Âu, Charlie Hebdo là biểu tượng của cuộc đấu tranh chống khủng bố, nhưng ấn phẩm này cũng đang phải gánh chịu nhiều chỉ trích từ các tín đồ Hồi giáo. Việc Charlie Hebdo tiếp tục đăng tranh biếm họa Nhà tiên tri Mohammed trên bìa ấn phẩm sau vụ khủng bố đẫm máu nhằm vào tòa soạn này đã thổi bùng những giận dữ từ cộng đồng Hồi giáo khắp nơi trên thế giới.

Liên hiệp thế giới các giáo sĩ Hồi giáo, đặt trụ sở tại Qatar, cho rằng đăng các bức biếm họa hay chiếu các phim xúc phạm đấng tiên tri và đả kích Hồi giáo “không phải là một hành động khôn ngoan, hợp lý”.

Một trong những tổ chức Hồi giáo Sunni chủ chốt, Al-Azhar, trụ sở ở Ai Cập, tối 14/1 cũng đã cho rằng việc đăng tải những bức biếm họa “xúc phạm đấng tiên tri” sẽ “gây thêm hận thù”. Tại Pháp, các tổ chức Hồi giáo chính yếu đã kêu gọi tín đồ ở nước này giữ bình tĩnh và tôn trọng quyền tự do ngôn luận. M’hammed Henniche, Tổng thư ký UAM93, một hiệp hội Hồi giáo ở vùng Saint Denis bên ngoài Paris, nói các nhà lãnh đạo như chính ông đã nói với người Hồi giáo nên giữ bình tĩnh và tránh phản ứng. Ông mô tả các tranh biếm họa Nhà tiên tri Muhammed là một hành vi vô trách nhiệm của tờ Charlie Hebdo, trong bối cảnh bầu không khí căng thẳng trên toàn quốc. Ông nói giễu cợt cuộc diệt chủng Do Thái không được coi là tự do phát biểu ở Pháp, thì chế giễu tiên tri Hồi giáo cũng không nên coi là tự do ngôn luận.

Chánh chủ biên tờ Charlie Hebdo, Gerard Biard nói từ nhiều năm, tạp chí không những giễu cợt đạo Hồi mà tất cả các hình thức chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Ông Biard nói tờ báo tôn trọng các đức tin tôn giáo cá nhân, chứ không phải tôn giáo đã bị chính trị hóa.

Ngày 14/1, Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh chặn các trang web đăng hình trang bìa của tạp chí Pháp Charlie Hebdo số ra mới nhất. Trong khi đó, những người ủng hộ đạo Hồi ở Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ xuống đường để phản đối các báo địa phương đã cho in lại tranh biếm họa của Charlie Hebdo.

Cùng ngày, Viện Kiểm sát Brussels ở Bỉ đã tiến hành cuộc điều tra liên quan đến 4 hiệu sách nhận được thư đe dọa tấn công nếu bán số báo mới của Charlie Hebdo. Số mới nhất của tuần báo này được bán tại các nhà sách của Bỉ vào sáng 15/1 với 40.000 bản, nhiều hơn 10.000 bản so với dự kiến.

Theo Duy Hưng (tổng hợp)
PetroTimes