1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ả-rập Xê-út "đi đêm" với Pakistan về vũ khí hạt nhân

(Dân trí) - Ả-rập Xê-út đã bí mật tài trợ cho các chương trình vũ khí hạt nhân của Pakistan để đổi lấy việc sở hữu bom nguyên tử, BBC dẫn các nguồn tin cho biết. Động thái này có thể gây ra một cuộc đua vũ khí hạt nhân trong một khu vực vốn bất ổn.

Ả-rập Xê-út đi đêm với Pakistan về vũ khí hạt nhân

Tên lửa Ghauri do Pakistan chế tạo có tầm xa 1.500 km và có thể mang đầu đạn hạt nhân nặng 700 kg.

Theo BBC, Ả-rập Xê-út muốn sở hữu vũ khí nguyên tử để chống lại các tham vọng hạt nhân từ đối thủ Iran.

Ả-rập Xê-út, một đồng minh lâu đời của Mỹ trong khu vực, ngày càng trở nên lo lắng về mối quan hệ đang ấm lên giữa Mỹ và Iran trong vài tháng qua, bất chấp những đảm bảo từ Washington rằng Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích của các đồng minh Trung Đông. Mặc dù Mỹ chưa dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran, nhưng các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Cộng hòa Hồi giáo đang tiến triển, với vòng đàm phán thứ 2 bắt đầu tại Geneva (Thụy Sĩ) hôm 7/11.

Ả-rập Xê-út đã đầu tư vào chương trình hạt nhân của Pakistan và các vũ khí nguyên tử dành cho Riyadh giờ đây đã sẵn sàng để bàn giao, hãng tin BBC ngày 7/11 đưa tin, dẫn lời một quan chức cấp cao NATO được tiếp cận các báo cáo tình báo.

Việc bàn giao vũ khí hạt nhân từ Pakistan - một đồng minh khác của Mỹ - cho Ả-rập Xê-út được đồn đoán là có khả năng xảy ra ngay lúc này. Trước đó, cựu giám đốc tình báo quân đội Israel Amos Yadlin phát biểu tại một cuộc họp báo ở Thụy Điển hồi tháng 10 rằng nếu Iran sở hữu bom nguyên tử, "Ả-rập Xê-út sẽ không phải đợi đến một tháng. Họ đã trả tiền cho những quả bom, họ sẽ tới Pakistan và lấy thứ họ cần lấy", BBC đưa tin.

Gary Samore, người từng làm cố vấn chống phổ biến vũ khí hạt nhân của Tổng thống Mỹ Barack Obama cho đến tháng 3/2013, cho hay Ả-rập Xê-út tin rằng họ có "thỏa thuận nào đó" với Pakistan và rằng họ có kế hoạch nhận vũ khí hạt nhân từ quốc gia Nam Á.

Tham vọng vũ khí hạt nhân của Ả-rập Xê-út có từ những năm 1980, khi nước này bí mật mua hàng chục tên lửa đạn đạo CSS-2 của Trung Quốc, mà theo các chuyên gia là không được sử dụng làm vũ khí thông thường.

Hoàng tử Sultan bin Abdulaziz al Saud, khi đó là Bộ trưởng quốc phòng của Ả-rập Xê-út, đã tới thăm cơ sở hạt nhân của Pakistan vào năm 1999 và 2002, cho thấy mối quan hệ quốc phòng thân thiết giữa hai nước.

An Bình
Theo BBC