1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

9 năm, còn đó nỗi ám ảnh 11/9

(Dân trí) - 9 năm đã trôi qua kể từ ngày cả thế giới kinh hoàng trước những thông tin dồn dập tới mức không thể tin nổi, về vụ khủng bố đẫm máu ngày 11/9 vào trái tim nước Mỹ. Những chiếc vòi bạch tuộc khủng bố kể từ đó vẫn không ngừng đe dọa vươn xa.

 
9 năm, còn đó nỗi ám ảnh 11/9 - 1

Tòa Tháp Đôi tại New York bị tấn công ngày 11/9/2001.
 
Đó cũng là lần đầu tiên tôi đặt chân tới nước Mỹ. Vừa trở về từ New York, mang theo những tấm hình không ngờ là cuối cùng chụp được vẫn có sự hiện diện của tòa Tháp Đôi - Trung tâm Thương mại thế giới nổi tiếng sừng sững vươn lên trên nền trời phía sau.

 

Chỉ vài ngày sau đó, tôi cùng các đồng nghiệp đã chết sững trước thông tin nước Mỹ bị tấn công khủng bố. Tôi còn nhớ như in khoảnh khắc đứng tim, khi một phát thanh viên truyền hình Mỹ rú lên thảng thốt trong lúc đang tường thuật trực tiếp. Anh phải chứng kiến cảnh một chiếc máy bay bị không tặc lao thẳng vào một trong hai tòa Tháp Đôi, rồi tiếp đó là cảnh khỏi lửa ngút trời...

 

Với gần 3.000 người thiệt mạng và rất nhiều người khác bị thương, vụ tấn công (thường được gọi tắt là 11/9) cùng sự nổi lên của mạng khủng bố Al - Qeada đã gây chấn động lớn trên toàn  nước Mỹ và thế giới. Kể từ đó tôi không thể nào nguôi được nỗi ám ảnh trước những thông tin liên quan tới 11/9 hoặc “jihad” (thánh chiến Hồi giáo).

 

Tới tận ngày hôm nay, theo kết quả điều tra vừa được CNN công bố trước thềm kỷ niệm 9 năm vụ 11/9, vẫn có gần 2/3 người dân Mỹ  lo sợ sẽ trở thành nạn nhân của khủng bố và họ luôn trong tư thế sẵn sàng đối phó với nguy cơ lặp lại thảm họa đó.
 
Và trong khi Chính phủ Mỹ vẫn ráo riết truy lùng trùm khủng bố Bin Laden, thì 67% dân Mỹ vẫn tin rằng con cá sộp nhất đó khó có thể sa lưới. Báo động khủng bố cũng ở mức cao tại nhiều điểm nóng khác ở cả ở Trung Đông, Nam Á, châu Phi và một số nước châu Âu.
 
“Chiến tranh không phải trò đùa!”. Chiến tranh ở Việt Nam đã qua từ lâu, nhưng là một đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong thời đạn bom, tôi cũng phần nào hiểu được sự khốc liệt của chiến tranh. Để từ đó càng biết quý trọng và nâng niu hơn những giá trị của hòa bình. 
 
Tôi cũng biết rằng ngay cả trong thời bình vẫn có những cuộc chiến đa phần không tiếng súng, nhưng cái giá  phải trả nhiều khi vẫn rất đắt, thậm chí cả bằng máu của những con người dũng cảm, xuất sắc, những con người đáng được sống lâu và hưởng hạnh phúc nhất.

 

Không gì đau đớn và xót xa hơn khi phải chứng kiến cảnh những chiếc lá còn xanh đã phải lìa cành - những người trẻ ngã xuống trong các cuộc đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ an ninh, bảo vệ người dân… Mà chúng ta, cả tôi và các bạn, đều có thể chung tay ngăn chặn bằng những đóng góp nhỏ bé hàng ngày của mình. Mục tiêu rất đơn giản, đó là làm sao để chúng ta đều là những công dân tốt, cùng phấn đấu cho mục tiêu vì một nước Việt Nam hòa bình, ổn định và phát triển.

 

Thanh Nguyễn