1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

5 sự thật quanh hiệp ước vũ khí chiến lược mới Mỹ -Nga

(Dân trí) - Ngoài sự thật là văn kiện phản ánh mức độ tin cậy mới giữa Mátxcơva và Washington, Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START II) vừa được các tổng thống Mỹ và Nga ký kết còn ẩn chứa 5 sự thật sau đây.

 
 
5 sự thật quanh hiệp ước vũ khí chiến lược mới Mỹ -Nga - 1


Tổng thống Nga, Mỹ ký hiệp ước mới - bước nhảy vọt trong quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân

1. “Trò ảo thuật”

Hiện nay, Mỹ có 2.200 đầu đạn hạt nhân, trong khi Nga khẳng định đang nắm trong tay đến 3.000 đầu đạn hạt nhân. Nhưng theo một số chuyên gia Mỹ, con số này được phóng đại và trên thực tế, hai nước có số đầu đạn hạt nhân gần như ngang nhau.

Về mặt số lượng, theo hiệp ước mới, Nga và Mỹ không có nghĩa vụ phải phá hủy số đầu đạn hạt nhân không triển khai trực chiến mà có thể tiếp tục lưu giữ trong kho. Theo tính toán của “Liên minh các nhà khoa học lo ngại” (UCS) của Mỹ, số đầu đạn như vậy của Mỹ là 1.762 và của Nga là 1.741. Số phương tiện chuyên chở đầu đạn hạt nhân của Mỹ là 798, của Nga là 566.

Theo hiệp ước mới, mỗi bên được phép sở hữu tối đa 1.550 đầu đạn. Như vậy, để thực hiện hiệp ước mới, Mỹ và Nga chỉ cần chuyển vào kho khoảng 200 đầu đạn hạt nhân. Về số phương tiện chuyên chở, Mỹ sẽ phải giảm 98, ngược lại Nga có thể tăng thêm 134 phương tiện. Mặc dù nói là “cắt giảm” nhưng thực chất có thể nói rằng “trò ảo thuật của những con số” ẩn chứa trong hiệp ước mới có thể làm tăng số đầu đạn hạt nhân và phương tiện chuyên chở.

Tuy nhiên, đó không phải là lý do để phủ nhận ý nghĩa của hiệp ước mới khi Mỹ và Nga sở hữu tới 95% số vũ khí hạt nhân trên thế giới. Thật ra, số lượng đầu đạn hạt nhân được cắt giảm theo hiệp ước START mới không nhiều, nhưng cái chính là Washington đã thuyết phục được Mátxcơva thiết lập một số biện pháp kiểm tra chưa từng có kể từ đầu tháng 12/2009, thời điểm mà hiệp ước START cũ hết hạn.

2. Ý nghĩa 3 bên

Ý nghĩa này có thể tóm lại trong ba câu: “thắng lợi của Obama”, “rất cần cho Nga” và “quyết tâm cho cả thế giới”.

Với cá nhân ông Obama, nếu tính từ khi ông tuyên thệ nhậm chức đến giờ thì đây là thành quả ngoại giao đi kèm với chính trị đầu tiên ông đạt được. Cũng phải nói thêm là chỉ một ngày sau khi Washington và Mátxcơva đạt được thỏa thuận, Tổng thống Nga Medvedev đưa ra phát biểu nói là ông không hề muốn ủng hộ các đề nghị cấm vận gắt gao hơn với Iran. Đó là một thành công khác của Tổng thống Obama, chứng tỏ quan hệ giữa Mátxcơva và Washington bắt đầu nồng ấm trở lại. Càng hợp tác chặt chẽ hơn với Nga, Mỹ càng dễ thuyết phục Mátxcơva tham gia giải quyết các vấn đề tối quan trọng đối với Washington.

Còn các chính trị gia của Nga cho rằng hiệp ước này cần cho Nga: Thứ nhất, nó giúp Nga lấy lại hình ảnh một chiến sĩ vì hòa bình và đầy thiện chí trong thế giới phương Tây. Thứ hai, Nga cũng cần cắt giảm chi phí cho việc gìn giữ một kho vũ khí lớn như vậy. Thứ ba, Nga đã đạt được những điều họ mong muốn là ràng buộc giữa vũ khí tấn công chiến lược và vũ khí phòng thủ, nên không có lý do gì để trì hoãn phê chuẩn bản hiệp ước này. Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga Nikolai Makarov nói tại Mátxcơva hôm 26/3 rằng hiệp ước mới đã xua tan nỗi lo ngại của mỗi bên và phù hợp 100% với lợi ích an ninh của Liên bang Nga.
 
5 sự thật quanh hiệp ước vũ khí chiến lược mới Mỹ -Nga - 2

Tên lửa Topol-M ICBM của Nga, có trong danh mục các vũ khí cắt giảm

Nhiều nhà lãnh đạo các nước đã hoan nghênh động thái trên của Mỹ và Nga. Không nước nào vội nghĩ đến chuyện hủy bỏ tất cả số phi đạn đang có, nhưng mọi quốc gia đều biết là dân chúng mong chờ những dấu hiệu ổn định hơn, thanh bình hơn và việc làm của Nga và Mỹ phần nào đã đáp ứng được điều đó. Ngoại trưởng Anh David Milliband kêu gọi thế giới nên bắt nắm lấy cơ hội này để đồng loạt cắt giảm số lượng đầu đạn hạt nhân đang có và đừng tính đến chuyện chế tạo bom hạt nhân nữa. Tại Séc, ngay trước lễ ký hiệp ước hạt nhân lịch sử với người đồng cấp Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố cả thế giới trông cậy vào Hiệp ước này.

3. Hai hội nghị về hạt nhân

Steven Pifer, chuyên gia về giải trừ vũ khí làm việc tại Viện Brookings, cho rằng hiệp ước mới sẽ đặt hai nước vào vị thế tốt hơn tại Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân sẽ diễn ra ở Washington ngày 12-13/4 tới và tại hội nghị xem xét lại Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) ở Niu Yoóc vào tháng 5 năm nay.

Hiệp ước START mới củng cố thêm vị thế của Mỹ. Nhìn rộng hơn, hiệp ước START mới là nhằm ''dẫn đường cho cuộc chiến chống phổ biến hạt nhân'' như tuyên bố của Tổng thống Obama với các phóng viên tại Nhà Trắng ngày 26/3. Điều này có nghĩa hiệp ước mới về giải trừ vũ khí nguyên tử giữa Mỹ và Nga sẽ tạo thêm áp lực lên những quốc gia đang có tham vọng trở thành cường quốc hạt nhân như Iran và Triều Tiên. Kể từ nay, những nước này sẽ càng khó cưỡng lại những đòi hỏi của quốc tế về việc kiểm tra các chương trình hạt nhân của họ.

Trong khi đó, liên hệ với START với chiến lược hạt nhân vừa được Obama thông báo, báo chí Pháp cho rằng những động thái mới nằm trong “hợp đồng” của giải Nobel Hoà Bình của Obama, và người ta đang chờ đợi ông trên chính sách nguyên tử. Đây mới là một bước nhỏ, và không chắc nó làm hài lòng những người mơ ước một thế giới phi hạt nhân hoá.

4. Praha – một điểm đến, 3 mục đích

Việc lựa chọn thủ đô của Cộng hòa Séc làm nơi tiến hành lễ ký kết trước tiên là có tầm quan trọng mang tính biểu tượng. Ngày 5/4/2009, tại đây, Tổng thống Obama đã đọc bài diễn văn quan trọng về một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Việc ký kết hiệp ước được tổ chức vào một ngày gần với dịp kỷ niệm một năm bài diễn văn lịch sử đó. Suốt một năm qua, Tổng thống Mỹ xem ra luôn trấn an thế giới rằng ông đang thực hiện tốt lời hứa phấn đấu vì mục tiêu - một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Bên cạnh đó, sự lựa chọn Praha là nơi tiến hành lễ ký kết cũng là một dấu hiệu quan trọng thể hiện quan điểm của Mỹ trong quan hệ với Cộng hòa Séc. Cộng hòa Séc, một thành viên NATO và là một thành viên mới của EU, coi Washington như một đối tác và đồng minh đáng tin cậy. Chính quyền Bush từng có kế hoạch để triển khai một hệ thống rađa tại Cộng hòa Séc như một phần của lá chắn tên lửa của Mỹ tại châu Âu nhằm bảo vệ các đồng minh trước những mối đe dọa tên lửa từ cái gọi là "các quốc gia hiếu chiến". Mặc dù Tổng thống Obama đã từ bỏ chương trình này vào tháng 9 năm ngoái, song ông có kế hoạch khởi xướng "cách tiếp cận từng giai đoạn, có khả năng thích ứng" đối với dự án phòng thủ tên lửa ở Đông Âu.
 
5 sự thật quanh hiệp ước vũ khí chiến lược mới Mỹ -Nga - 3


Tổng thống Mỹ vẫn có kế hoạch khởi xướng "cách tiếp cận từng giai đoạn” với dự án phòng thủ tên lửa ở Đông Âu

Một phát ngôn viên Nhà Trắng ngày 2/4 cho biết chuyến đi của Tổng thống Obama tới Praha cũng sẽ là cơ hội để ông gặp gỡ với 11 nhà lãnh đạo đến từ Đông và Trung Âu, trong đó có cả những nguyên thủ đến từ Ba Lan, Rumani và Cộng hòa Séc, để giảm bớt những lo ngại của họ về việc "cài đặt lại" quan hệ Mỹ-Nga. Kể từ khi chính quyền Obama hủy bỏ dự án phòng thủ tên lửa từ thời Tổng thống Bush tại Ba Lan và Cộng hòa Séc, các nước sân sau của Liên Xô trước đây lo ngại rằng sự phát triển trong quan hệ Mỹ-Nga sẽ làm tổn hại đến các lợi ích của họ.

5. “Cái khó nằm trong khâu thực thi”

Ý nghĩa của hành động mới giữa Mỹ và Nga rất lớn, nhưng xét đến các kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của hai nước và những bất đồng sâu sắc về hệ thống phòng thủ tên lửa, người ta vẫn chưa rõ liệu hiệp ước mới có thể được thực thi một cách có hiệu quả hay không.

Những gì khiến người ta lo lắng là hai bên vẫn còn bất đồng quan điểm về hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu, làm rắc rối thêm việc thực hiện hiệp ước này trong tương lai. Ngay trước giờ “G” ở Praha, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Nga có quyền trì hoãn việc cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược, nếu Mỹ tiếp tục triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu.

Mátxcơva mong muốn cả Quốc hội Nga và Quốc hội Mỹ đều ký START mới vào cùng một thời điểm. Không có nhiều khó khăn được dự báo từ phía Đuma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga về việc phê chuẩn START mới, một văn kiện được đích thân Tổng thống Medvedev rất quan tâm và trực tiếp can thiệp. Nhưng tại Mỹ, các chuyên gia cho rằng ngay từ đầu, các Thượng nghị sĩ Mỹ có tư tưởng bảo thủ đã luôn phản đối hiệp ước này. Ngoài ra, phe Cộng hòa tỏ ra bất mãn trước thắng lợi lập pháp có tính lịch sử của Tổng thống Obama về luật cải cách y tế. Vì thế, câu hỏi liệu hiệp ước START mới có nhận được đủ sự ủng hộ tại Quốc hội Mỹ hay không vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời.

Nguyễn Viết
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm