1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

5 năm sau khi vào WTO và những thách thức của Trung Quốc

(Dân trí) - Khi Việt Nam vào WTO, Trung Quốc đã là thành viên của tổ chức này 5 năm. Thị trường rộng lớn, nhân công giá rẻ, tỉ giá thấp, Trung Quốc đã tận dụng những ưu thế này để duy trì một tốc độ tăng trưởng ngoài sức tưởng tượng. Tuy nhiên, phát triển quá nóng đang đặt ra những thách thức mới cho Trung Quốc.

Chưa mở cửa thị trường hoàn toàn…

Trong 5 năm qua, qui mô của nền kinh tế Trung Quốc đã lớn mạnh gần gấp đôi, với lượng hàng hoá vượt ngưỡng 2 nghìn tỉ USD trong năm 2005. Quốc gia đông dân nhất thế giới hiện đang trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 thế giới và là quốc gia xuất khẩu thứ 3 thế giới.

 

Nhưng, qui mô phát triển và tính chất phức tạp của nền kinh tế nội địa đã biến thế giới bên ngoài không còn đóng một vai trò quan trọng với sức sống kinh tế như đã từng có trong những năm đầu của thời kỳ bùng nổ xuất khẩu. Điều này càng làm rấy lên một câu hỏi quan trọng: Liệu Trung Quốc có tiếp tục chào đón đầu tư trực tiếp nước ngoài trong những năm tới?

 

Khi Trung Quốc bắt đầu đóng một vài trò năng động hơn trong nền kinh tế toàn cầu, chiến lược kinh tế của nước này đã chuyển hướng vào bên trong. Trung Quốc đang nhằm tới sự ủng hộ các công ty trong nước hơn là cung cấp môi trường hấp dẫn dành cho các tập đoàn đa quốc gia mong muốn thiết lập các nhà máy tại đây.

 

Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc cũng thống nhất rằng nước này không còn cần hỗ trợ của các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển. Sự chuyển dịch trong quan điểm này đã được xác định vào đầu năm nay khi các nhà hoạch định chính sách kinh tế của Trung Quốc kêu gọi việc cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài phải được chọn lọc hơn và họ sẽ được hưởng ít ưu đãi hơn, trong đó có việc giảm thuế và ưu tiên đất đai.

 

… nhưng vẫn mở cửa hơn Ấn Độ và Nhật Bản

 

Trong khi rất nhiều người phàn nàn về việc thực hiện các biện pháp kinh tế của Trung Quốc thì có thể nhận thấy rõ một điều rằng, nền kinh tế của Trung Quốc, nhìn dưới nhiều góc độ, còn mở cửa hơn cả Nhật Bản trong thời kỳ phát triển nhất vào những năm 1980 và Ấn Độ ngày nay.

 

Trước đây, Nhật Bản đã từng mang tiếng xấu là tỏ ra khó khăn với các công ty nước ngoài khi họ muốn thâm nhập vào mê cung của thuế và các điều luật. Thậm chí, giờ đây Nhật Bản còn mở cửa hơn nhưng giá trị nhập khẩu vẫn chỉ chiếm 11% GDP của cả nước. Con số tương đương của Trung Quốc vào năm ngoái là 29%.

 

So sánh với Ấn Độ, sự mở cửa khá mạnh mẽ nền kinh tế của Trung Quốc là điều có thể dễ dàng nhìn thấy. Các hệ thống siêu thị của Wal-Mart xuất hiện tại tất cả các thành phố lớn của Trung Quốc với 66 cửa hàng và hiện đang tiếp tục xây dựng nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, Wal-Mart hiện nay vẫn chưa có một cửa hàng nào tại Ấn Độ do qui định của chính phủ cấm hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ.

 

Không quay lưng lại với tư bản

 

Việc Trung Quốc chính thức được gia nhập WTO vào cuối năm 2001 là một tín hiệu gửi tới thế giới rằng Bắc Kinh sẽ không quay lưng lại với tư bản. Chính vì lý do này, một dòng đầu tư nước ngoài đã cuồn cuộn đổ vào Trung Quốc, tăng từ 40 tỉ USD hàng năm từ trước năm 2002 lên tới 70 tỉ USD vào năm ngoái.

 

Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc không được nhiều quốc gia còn lại của thế giới chào đón. Việc gia tăng thị trường lao động khổng lồ, giá rẻ đã đặt áp lực lớn về việc làm và lương bổng lên các quốc gia giầu có. Các công ty châu Âu và Mỹ thích thuê nhân công tại Trung Quốc hơn là sử dụng các dây chuyền sản xuất tại chính quốc.

 

Các vấn đề nảy sinh

 

Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, thay đổi đã tạo ra những rắc rối cho chính Trung Quốc. Vừa rút dần sự kiểm soát nhà nước trong nền kinh tế, Trung Quốc đã tháo gỡ nhiều hệ thống phúc lợi xã hội, chăm sóc y tế và sa thải hàng triệu nhân công trong các công ty nhà nước.

 

Sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty nước ngoài đôi khi cũng là lí do dẫn tới các vấn đề xã hội kèm theo. Mặc dù Trung Quốc đã cam kết khi gia nhập WTO nhưng một số nhà phê bình vẫn chỉ trích rằng nước này chưa hành động đủ mạnh để chống lại việc sao chép bản quyền trái phép hoặc để cho sức mạnh của nền kinh tế ảnh hưởng tới tỷ lệ trao đổi ngoại hối.

 

Nói như Susan Schwab, đại diện Thương mại Mỹ tại Hội nghị Mỹ-Trung hôm qua, 14/12, thì Trung Quốc còn nhiều việc phải làm để mở cửa hơn nữa thị trường như đã cam kết.

  

VTH

Theo Wall Street Journal, BBC