1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Hezbollah
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

5 câu hỏi cho nỗ lực của Mỹ ở Triều Tiên

(Dân trí) - Đặc phái viên hạt nhân của Mỹ hôm qua đã đến Triều Tiên trong nỗ lực cứu vãn thoả thuận đổi giải giáp lấy viện trợ. Dư luận tò mò về ý định của Mỹ, mong muốn của Triều Tiên và đặc biệt là khả năng đạt được một thoả thuận trong chuyến đi này.

Mỹ muốn gì?

 

Đặc phái viên hạt nhân của Mỹ Hill muốn Triều Tiên trở lại bàn đàm phán giải giáp và từ bỏ kế hoạch tái khởi động cơ sở hạt nhân vốn đã bị vô hiệu hoá theo thoả thuận mà sáu bên (gồm Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên) đã đạt được. 

 

Chính quyền Tổng thống Mỹ George W.Bush đang khao khát một thành công ngoại giao trước khi mãn nhiệm, nên hi vọng "lái" Bình Nhưỡng đi đúng lộ trình tiến tới chấm dứt tham vọng hạt nhân đúng thời điểm ông Bush phải bàn giao quyền lực cho tổng thống mới.

 

Triều Tiên muốn gì?

 

CHDCND Triều Tiên muốn Mỹ bỏ qua những kế hoạch áp đặt cơ chế mà Bình Nhưỡng cho là cứng nhắc nhằm kiểm chứng chương trình hạt nhân của họ. Nếu Mỹ gạt sang một bên kế hoạch này, Triều Tiên có thể đưa các thanh sát viên ra khỏi những nơi mà họ không muốn những người này hiện diện.

 

Triều Tiên cũng muốn Mỹ loại mình ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố. Một khi điều này được thực hiện, Triều Tiên có thể được dỡ bỏ những trừng phạt thương mại cũng như có khả năng nhận được hỗ trợ tài chính tốt hơn từ cộng đồng quốc tế.

 

Triều Tiên tuyên bố sẽ tái khởi động lò phản ứng hạt nhân ở tổ hợp Yongbyon để sản xuất pluton cấp độ vũ khí vì tức giận trước quyết định Mỹ không loại nước này khỏi danh sách trên.

 

Tổng thống Bush cũng trong cuộc chơi?

 

Các nhà phân tích cho rằng CHDCND Triều Tiên có khả năng khôi phục lò phản ứng Yongbyon vào thời điểm này vì họ cảm thấy có thể gây sức ép với chính quyền Bush sắp mãn nhiệm, buộc chính quyền đang thèm muốn một thành tích ngoại giao này phải chấp nhận những thoả hiệp sống còn.  

 

Liệu hai bên có cơ hội?

 

Ông Hill và các quan chức CHDCND Triều Tiên có thể tìm ra một thoả hiệp trong vấn đề kiểm chứng, theo đó vẫn phải thực hiện những hoạt động thanh sát mà Washington cho là cực kỳ quan trọng.

 

Hôm qua, tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Mỹ đang xúc tiến một thoả thuận thoả hiệp để phá vỡ bế tắc hiện nay bằng cách để Bình Nhưỡng đề nghị kiểm chứng nỗ lực giải giáp của nước này với Trung Quốc hơn là chia sẻ với cả sáu bên liên quan.

 

Triều Tiên luôn phản đối việc cho phép các thanh sát viên quốc tế vào cơ sở hạt nhân của nước này. Trong khi đó, Washington vẫn tuyên bố sẽ không loại Triều Tiên khỏi danh sách tài trợ khủng bố nếu Bình Nhưỡng không đạt được một cơ chế kiểm chứng.

 

Nếu không có thoả thuận nào ...?

 

... thì đàm phán hạt nhân sẽ đổ vỡ và Triều Tiên sẽ đảo ngược các bước giải giáp. Triều Tiên sẽ mất 500.000 tấn dầu nhiên liệu nặng, hoặc viện trợ có giá trị tương tự mà các nước đã cam kết sau khi họ hoàn thành một số bước trong thoả thuận hạt nhân. 

 

Triều Tiên cũng rất có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực bằng hành động thử tên lửa đạn đạo hoặc một vụ thử tên lửa hạt nhân khác. Vụ thử đầu tiên và là duy nhất mà Triều Tiên tiến hành là cách đây hai năm. 

 

Trà Giang

Theo Reuters, AFP