1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

4 "tuyến phòng thủ" bảo vệ thế giới khỏi Covid-19

Thành Đạt

(Dân trí) - Chuyên gia về dịch bệnh truyền nhiễm đã đề xuất 4 "hàng phòng ngự" để ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.

4 tuyến phòng thủ bảo vệ thế giới khỏi Covid-19 - 1

Người dân tiêm vắc xin ở Michigan, Mỹ (Ảnh: Getty).

Theo William A Haseltine, một nhà khoa học, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ sinh học, sau 18 tháng đối phó với đại dịch Covid-19, thế giới đã có đủ nhận thức và công cụ cần thiết để loại bỏ Covid-19. Vấn đề bây giờ là làm thế nào để áp dụng chúng trong thực tiễn.

Mỹ, nước dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong, hiện đã bước vào làn sóng Covid-19 thứ 5. Haseltine nhận định, trong mỗi đợt bùng phát dịch, Mỹ đều phải "trả giá đắt" vì chưa làm hết sức có thể để ngăn chặn dịch lây lan.

Trong làn sóng Covid-19 thứ nhất, lệnh phong tỏa và các biện pháp phòng chống dịch được triển khai chưa hiệu quả. Sau đó, các phương pháp điều trị chưa được thử nghiệm và chưa được kiểm chứng xuất hiện.

Khi vắc xin được triển khai, số ca nhiễm mới đã giảm đáng kể. Tuy nhiên hiện tại, biến chủng Delta bắt đầu làm bùng phát các ổ dịch mới tại các cộng đồng dân cư chưa được tiêm chủng.

Chuyên gia Haseltine cho rằng ở mỗi giai đoạn, virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 đều bị đánh giá thấp.

Theo chuyên gia Haseltine, từ những gì mà thế giới đã biết về khả năng thích ứng và phát triển của virus thông qua các đột biến ngẫu nhiên, chỉ có một lựa chọn khả thi để kiểm soát dịch bệnh về lâu dài: Đó là chiến lược kết hợp vắc xin và thuốc kháng ngừa virus kết hợp cùng các biện pháp y tế công cộng mạnh mẽ và sự hợp tác toàn cầu chặt chẽ hơn.

Vắc xin Covid-19

Vắc xin tạo thành tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại Covid-19. Thế hệ vắc xin đầu tiên ở Mỹ có hiệu quả cao, và các thế hệ vắc xin thứ 2, thứ 3 và các thế hệ tiếp theo được cho là sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Tuy nhiên, ngay cả khi có các mũi tiêm tăng cường và vắc xin thế hệ tiếp theo được điều chỉnh cho hiệu quả trước các biến chủng mới, chuyên gia Haseltine cho rằng chỉ riêng việc tiêm vắc xin là chưa đủ để chấm dứt đại dịch.

Vắc xin không hiệu quả với tất cả mọi người. Trong trường hợp lý tưởng nhất là chỉ đối phó với chủng virus ban đầu, vắc xin vẫn có tỷ lệ 5% thất bại. Trong khi đó, biến chủng Delta đã chứng minh khả năng vượt qua hàng rào bảo vệ của vắc xin mạnh hơn so với các chủng trước đó.

Trong trường hợp của Mỹ, ngay cả khi toàn bộ dân số nước này được tiêm chủng, 17,5 triệu người Mỹ vẫn có nguy cơ bị nhiễm bệnh nếu tiếp xúc với virus.

Ngoài ra, còn một bộ phận đáng kể gồm những người mắc các bệnh nền làm giảm hiệu quả của vắc xin, như những người được ghép tạng, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh nhân ung thư và một phần nhóm người cao tuổi.

Tương tự mức độ bảo vệ của vắc xin cúm hàng năm, những dữ liệu ban đầu cho thấy khả năng miễn dịch Covid-19 nhờ vắc xin có thể sẽ giảm dần theo thời gian.

Thuốc kháng virus

Thuốc kháng virus sẽ giúp lấp đầy những lỗ hổng do vắc xin để lại và tạo ra tuyến phòng thủ thứ 2 trước Covid-19. Chính phủ Mỹ gần đây đã cam kết đầu tư 3,2 tỷ USD để phát triển các liệu pháp kháng virus đối phó Covid-19.

Mặc dù thuốc kháng virus chủ yếu được xem như một phương pháp điều trị, nhưng tiềm năng thực sự của chúng nằm ở việc kiểm soát đại dịch, bởi chúng có thể ngăn những người đã tiếp xúc với virus không bị bệnh hoặc lây nhiễm cho người khác.

Hiện những loại thuốc này chưa được sử dụng rộng rãi, do chi phí sản xuất cao và cần được truyền qua tĩnh mạch tại cơ sở y tế.

Tuy nhiên, thế hệ thuốc kháng virus tiếp theo sẽ được bào chế ở dạng viên uống. Điều này cho phép thuốc có tiềm năng rất lớn để sử dụng ở những nơi có rủi ro cao như những khu vực có nhiều người bị ức chế miễn dịch và không thể dựa vào vắc xin để đối phó với Covid-19. Ngoài ra, thuốc cũng có thể được sử dụng trong các trường học, cơ sở kinh doanh, các đội thể thao chuyên nghiệp, thậm chí trên các con tàu ở ngoài khơi.

Nếu một người bị mắc Covid-19, những người xung quanh có thể uống thuốc để ngăn nguy cơ lây nhiễm.

Các biện pháp y tế công cộng

Tuyến phòng thủ tiếp theo là các biện pháp y tế công cộng để kiểm soát sự lây lan của virus.

Các quốc gia như Australia, Trung Quốc, New Zealand và Singapore đã sử dụng hiệu quả các biện pháp xét nghiệm rộng rãi, truy vết tiếp xúc toàn diện, cách ly bắt buộc, kiểm soát chặt chẽ biên giới và cách ly đối với những người mới nhập cảnh.

Những chiến lược này là lá chắn bảo vệ quan trọng trước gần như mọi bệnh truyền nhiễm trong lịch sử hiện đại. Nhưng ở Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới, việc xét nghiệm và truy vết tiếp xúc đã bị đình trệ hoặc không được thực hiện ngay từ đầu.

Các loại thuốc kháng virus có thể giúp bù đắp các thiếu sót trên. Thay vì "xét nghiệm, truy vết và cách ly", quy trình mới sẽ là "xét nghiệm, truy vết và uống thuốc" - một phương pháp thay thế dễ chịu hơn nhiều. Những loại thuốc này cũng giúp mở ra cơ hội mới đối với ngành du lịch, khi giúp loại bỏ yêu cầu cách ly trong thời gian dài.

Sự phối hợp của cộng đồng quốc tế

4 tuyến phòng thủ bảo vệ thế giới khỏi Covid-19 - 2

Bangladesh nhận vắc xin Covid-19 được hỗ trợ thông qua cơ chế chia sẻ vắc xin của COVAX (Ảnh: UNICEF).

Ba tuyến phòng thủ đầu tiên sẽ tạo thành lớp bảo vệ tuyệt vời trước Covid-19. Nhưng chúng sẽ không hiệu quả trừ khi được thực hiện trên toàn thế giới.

Để tạo ra tuyến phòng thủ cuối cùng, cộng đồng quốc tế phải hợp tác cùng nhau để cải thiện việc giám sát dịch bệnh, đồng thời tăng khả năng tiếp cận của các khu vực đối với việc xét nghiệm, phương pháp điều trị và vắc xin.

Trong bối cảnh này, chương trình Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19 (ACT-A) cùng sáng kiến chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX là bước khởi đầu rất quan trọng. Tuy nhiên, các nền tảng hợp tác quốc tế này dường như bị suy yếu bởi những lợi ích cá nhân và chủ nghĩa dân tộc vắc xin.  

Tuy nhiên, vẫn có hy vọng cho tương lai khi nhiều quốc gia có thu nhập cao được cho là sẽ dư thừa vắc xin. Ngoài ra, nhiều nỗ lực đang được triển khai để tăng cường sản xuất vắc xin tại các địa phương.

Bên cạnh những nỗ lực trên, cộng đồng quốc tế cần đầu tư vào việc giám sát dịch bệnh toàn cầu để xác định các điểm bùng phát dịch mới, đặc biệt là các điểm bùng phát dịch do các biến chủng dễ lây nhiễm gây ra.

Cộng đồng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và hãng dược trên toàn cầu sẽ phải xác định cách thức để phát triển các loại vắc xin và phương pháp điều trị chống lại từng biến chủng mới, đồng thời nghiên cứu phương án để giảm thiểu sự lây nhiễm và hạn chế khả năng xuất hiện của các biến chủng mới.