1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

4 thách thức chờ đợi Thổ Nhĩ Kỳ sau đảo chính

Vụ đảo chính bất thành hôm 15/7 tại Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù củng cố thêm quyền lực của Tổng thống Erdogan nhưng cũng đặt ra cho ông không ít thách thức nan giải cả về đối nội cũng như đối ngoại.

Tổng thống Erdogan sẽ phải đối mặt với không ít thách thức sau khi dập tắt thành công cuộc đảo chính.
Tổng thống Erdogan sẽ phải đối mặt với không ít thách thức sau khi dập tắt thành công cuộc đảo chính.

Tiếp tục chia rẽ sâu sắc

Việc nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có cả những người thường đả kích gay gắt chính phủ, phản đối cuộc đảo chính quân sự đã làm dấy lên hy vọng rằng ông Erdogan sẽ chớp lấy khoảnh khắc này để hàn gắn những rạn nứt chính trị và đoàn kết quốc gia. Tuy nhiên đây là kịch bản khó có thể xảy ra.

Nhiều khả năng ông Erdogan sẽ nhân vụ việc này cải tổ các thể chế ở Ankara sao cho có lợi cho mình, bởi trên thực tế, cứ mỗi khi ông Erdogan vượt qua được thách thức quyền lực, từ các cuộc biểu tình đường phố cách đây 3 năm đến cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào êkíp của ông, ông đều xử lý đối thủ mạnh tay. Trong vụ việc lần này, ngoài quân đội, chính phủ cũng cách chức hàng nghìn thẩm phán, dù những người này có vẻ không đóng vai trò gì trong vụ đảo chính.

Cách mà ông Erdogan và và đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền xử lý vụ đảo chính sẽ quyết định tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Tổng thống giảm bớt tham vọng và cho phép soạn thảo một hệ thống hiến pháp mới đảm bảo có những quy tắc dân chủ-tự do (đặc biệt là việc kiểm tra chéo), đồng thời củng cố tiến trình ra quyết sách được thể chế hóa, tình hình nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được cải thiện đáng kể trong tương lai gần.

Trái lại, nếu Tổng thống và AKP tổ chức bầu cử đột xuất để đảm bảo nắm giữ đa số tuyệt đối, soạn thảo một hiến pháp thậm chí còn chuyên quyền hơn văn bản hiện hành, tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ càng tồi tệ hơn. Kịch bản xấu nhất khi cuộc đảo chính bất thành là dọn đường đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào một thời kỳ bất ổn, xung đột kéo dài.

Quân đội suy yếu

Giới chuyên gia cảnh báo chiến dịch trấn áp của ông Erdogan sẽ làm suy yếu khả năng của quân đội, làm nhụt nhuệ khí và làm rời rạc sự phối hợp tác chiến. Việc bắt và tống giam các sĩ quan chỉ huy chiến đấu cũng như các sĩ quan phụ trách hậu cần có nguy cơ đẩy quân đội vào tình trạng vô tổ chức.

Các kế hoạch đào tạo sẽ bị đảo lộn vì các cuộc diễn tập định kỳ bị hoãn hoặc hủy bỏ. Tâm lý hoài nghi sẽ lan rộng. Việc lên kế hoạch cho các chiến dịch quân sự sẽ trở nên khó khăn hơn do chính phủ cải tổ các cơ cấu chỉ huy và kiểm soát.

Tất cả những thách thức mới này nảy sinh đúng vào lúc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang phải can dự mạnh mẽ vào cuộc chiến với Đảng Công dân người Kurd (PKK) và đang sa lầy tại Syria, Iraq. Một quân đội bị suy yếu sẽ khiến Ankara không còn nhiều công cụ để xử lý những cuộc chiến này.

Tiến trình gia nhập EU ngưng trệ

Phương Tây hiện thời phải đối mặt với một quyết định khó khăn trong bối cảnh Tổng thống Erdogan đẩy mạnh trấn áp hơn nữa những người bất đồng chính kiến. Các nhà lãnh đạo phương Tây hoặc phải chọn việc hậu thuẫn một lãnh đạo ngày càng mất dân chủ và độc đoán ở Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc sẽ phải thay đổi chiến lược quốc gia.

“Tổng thống Erdogan sẽ được đánh giá dựa trên cách phản ứng của ông ấy”, một quan chức EU tham gia vào thỏa thuận nhập cư với Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết. “Hành động bắt giữ các thẩm phán là một dấu hiệu sớm minh chứng cho sự quan ngại sâu sắc rằng điều này sẽ dẫn tới một sự chà đạp mới về quyền tự do ngôn luận và biểu tình”, vị quan chức nhận định.

Bất luận ông Erdogan có dàn dựng đảo chính hay không, việc ông nhanh chóng thúc đẩy cải cách hiến pháp để nắm quyền nhiều hơn nữa là chắc chắn, theo nhiều nhà phân tích. Có điều, càng như vậy, sự ủng hộ từ các nước châu Âu dành cho ông Erdogan càng hao hụt. Như Cao ủy Đối ngoại Liên minh châu Âu, bà Federica Mogherini, nhấn mạnh hôm 18/7: “Nếu Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng lại án tử hình, nước này sẽ không được gia nhập EU”.

Quan hệ với đồng minh Mỹ rạn nứt

Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ xấu đi liên quan tới trường hợp giáo sỹ Fethullah Guelen hiện sống lưu vong tại Mỹ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chỉ trích nhân vật này đứng sau cuộc đảo chính của một nhóm quân đội trong nước. Ankara cũng yêu cầu Mỹ sớm dẫn độ giáo sỹ Fethullah Guelen về nước. Trong khi đó, ông Guelen bác bỏ mọi sự cáo buộc liên quan đến vụ đảo chính.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim thậm chí còn tuyên bố bất kỳ quốc gia nào bảo vệ và hỗ trợ cho Guelen, quốc gia đó sẽ bị coi là tuyên bố chiến tranh với Ankara.

Trong khi đó, Mỹ cho biết chỉ thực hiện các biện pháp cần thiết với ông Guelen nếu Ankara đưa ra được các bằng chứng cho thấy sự liên quan của ông này vào cuộc đảo chính. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đồng thời cảnh báo rằng những cáo buộc hoặc những phát biểu ám chỉ Mỹ liên quan đến vụ đảo chính cua Thổ Nhĩ Kỳ là "hoàn toàn sai và sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ giữa hai nước".

Theo An Hy

Hà Nội mới