35 người Myanmar chết cháy tại trại tị nạn ở Thái Lan
(Dân trí) - Một trận hỏa hoạn dữ dội bùng lên vào giữa chiều ngày 22/3 tại trại tị nạn Mae Surin, thuộc tỉnh Mae Hong Son của Thái Lan, giáp biên giới với Myanmar, đã khiến 35 người thiệt mạng và khoảng một trăm người bị thương.
Hình ảnh trên truyền hình Thái Lan cho thấy nhiều quả đồi hoàn toàn bị cháy rụi. Gió và nhiệt độ cao khiến ngọn lửa lan đi nhanh chóng. Theo các giới chức địa phương, hỏa hoạn chỉ được khống chế hai giờ đồng hồ sau đó. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già. Trong số những người bị thương, có 13 người ở trong tình trạng nguy kịch.
Trả lời phỏng vấn AFP, người phát ngôn của chính quyền địa phương cho biết, khoảng 2.300 người trên tổng số 3.500 người của trại tị nạn này hiện nay không có nơi trú ẩn.
Thực phẩm và vật dụng thiết thân như mái lều nilon, chăn, đệm… đang dần dần được chuyển đến trại tị nạn. Các cơ quan cứu trợ gồm có HCR, Hội chữ thập đỏ quốc tế và Thailand Burma Border Consortium (TBBC), một mạng lưới các tổ chức phi chính phủ phụ trách các trại tị nạn.
Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan Jarupong Ruaengsuwan thông báo đang điều tra để xác định chính xác các nguyên nhân của thảm kịch này. Theo các giới chức địa phương, nguyên nhân của trận hỏa hoạn có thể là do bất cẩn trong nấu bếp.
Dọc biên giới Thái Lan-Myanmar, có khoảng một chục trại tị nạn cho những người từ bên kia biên giới. Đây là những người chạy trốn các xung đột vũ trang trong hàng chục năm qua, giữa quân đội Myanmar và các nhóm nổi dậy thuộc các sắc tộc thiểu số, mà chủ yếu là sắc tộc Karen. Được lập ra giữa những năm 1980 và về nguyên tắc chỉ tồn tại tạm thời, các trại này đã tiếp nhận đến 130.000 dân tị nạn, tính đến tháng 2/2013, trong đó có khoảng 80.000 người được hưởng quy chế tỵ nạn chính thức, theo tổ chức phi chính phủ TBBC.
Sau khi tập đoàn quân sự tự giải thể vào tháng 3/2011 và một chính quyền cải cách được thành lập tại Myanmar, Thái Lan tuyên bố sẽ đóng cửa các trại tỵ nạn một khi tình hình bên kia biên giới yên ổn. Chính quyền Myanmar đã ký nhiều thỏa thuận ngừng bắn với phần lớn các nhóm nổi dậy, trong đó có lực lượng vũ trang Karen. Tuy nhiên, vẫn chưa có một lịch trình nào để đưa người tị nạn trở về.
Vũ Quý
Theo AFP