3 nỗi sợ “siêu cường số 1” của Trung Quốc
(Dân trí) - Theo một trợ lý giáo sư khoa học chính trị tại trường đại học ở Mỹ, Trung Quốc không muốn vượt Mỹ để trở thành siêu cường số 1 của thế giới bởi vị trí này đặt Bắc Kinh vào 3 bất lợi lớn.
Tàu Trung Quốc đâm va vào tàu Việt Nam trong vùng biển quanh giàn khoan Hải Dương-981 nước này hạ đặt trái phép trong vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông.
Trong bài viết có tiêu đề: “Câu chuyện về 3 nỗi sợ: Vì sao Trung Quốc không muốn trở thành số 1” trên RSIS Commentaries ngày 2/6, trợ lý giáo sư khoa học chính trị Kai He tại trường Đại học Bang Utah của Mỹ cho rằng, Trung Quốc dự kiến trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào cuối năm nay, nhưng nước này lại sợ vị trí đó vì 3 lý do.
Nỗi sợ đầu tiên là GDP có thể gây lạm phát sức mạnh của Trung Quốc. Theo ông He, lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng dù GDP hay GDP trong thuật ngữ sức mua tương đương (PPP) có lớn thế nào thì 1,3 tỷ dân Trung Quốc cũng sẽ làm “loãng” đi sức mạnh thực sự của đất nước này. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP bình quân đầu người của Trung Quốc năm 2012 xếp thứ 91 thế giới, đứng sau Iraq. Về PPP, Trung Quốc xếp thứ 87, đứng sau cả Cộng hòa Dominica.
Nỗi sợ thứ hai liên quan đến ảnh hưởng chính trị sau cái gọi là ảo giác “Trung Quốc số 1”. Ông He cho rằng, Bắc Kinh không muốn bị rơi vào “bẫy hoa mỹ” mà Mỹ giăng ra để đi kèm theo đó là những trách nhiệm. Ông dẫn bình luận vào năm 2005 của Robert Zoellick, khi còn là thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, làm ví dụ. Ông Zoellick từng đề xuất Trung Quốc đóng vai trò “trách nhiệm” hơn trong việc định hình chương trình nghị sự quốc tế. Lãnh đạo Trung Quốc đã không màng đến gợi ý này và xem đây như là “cái bẫy hoa mỹ” nhằm kiểm soát và kiềm chế chính sách ngoại giao của Trung Quốc.
Và nỗi sợ thứ ba cũng là nỗi sợ lớn nhất của Trung Quốc là chủ nghĩa dân tộc, bắt nguồn từ vị thế số 1 trong nền kinh tế thế giới, theo đó mà tăng mạnh. Lãnh đạo Trung Quốc đã không ngại ngùng dùng những từ ngữ có thiên hướng chủ nghĩa dân tộc trong những năm qua, ví như khẩu hiệu “Giấc mơ Trung Hoa” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, theo ông He, Trung Quốc cũng hiểu được rằng chủ nghĩa dân tộc là con dao hai lưỡi.
Học giả này cho rằng chủ nghĩa dân tộc hung hăng là mối nguy hiểm đối với Bắc Kinh, nhất là khi nhìn vào những tranh chấp lãnh thổ gần đây của Trung Quốc với Việt Nam và Philippines ở Biển Đông. Ông cho rằng nhiều người Trung Quốc đã lên mạng công khai chỉ trích sự yếu kém của Trung Quốc trong việc bảo vệ quyền lợi quốc gia của nước này ở Biển Đông.
Theo ông He, có thể còn quá sớm để Trung Quốc nghĩ đến việc lãnh đạo thế giới, nhưng cũng không quá sớm để các lãnh đạo Trung Quốc học hỏi “lãnh đạo” thực sự là gì.
Nhiệm vụ chính yếu của một lãnh đạo là điều hành tốt đất nước của chính mình. Do dân số khổng lồ, đóng góp lớn nhất của Trung Quốc cho thế giới hiện nay là nuôi được người dân và duy trì xã hội ổn định trong chính nước này.
Ông He cũng gợi ý thêm, Trung Quốc nên ký một bộ quy tắc ứng xử với các nước láng giềng nhằm giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Vũ Quý
Theo Want China Times