1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

3 lý do Ukraine kích hoạt cuộc chiến ở miền Đông, chuyển lửa ra ngoài

Tổng thống Poroshenko lấy lý do Nga sắp xâm lược Ukraine để tiếp tục cuộc chiến miền Đông, song “mồi lửa” thổi bùng sức nóng Donbass lại nằm ở vấn đề trong nước.

Hôm 5/6 Tổng thống Ukraine nhắc nhở quân đội nước này chuẩn bị đối phó với khả năng xảy ra một cuộc “xâm lược” toàn diện từ phía Nga dọc theo biên giới giữa 2 nước.

Tổng thống Ukraine cảnh báo nguy cơ nước này bị xâm lược (ảnh:

Tổng thống Ukraine cảnh báo nguy cơ nước này bị "xâm lược" (ảnh: RT)

Lần đầu tiên trong diễn văn tại Quốc hội Ukraine, ông Petro Poroshenko sử dụng từ “xâm lược” để ám chỉ tới cách ứng xử của Nga kể từ khi nổ ra cuộc nổi dậy ở miền Đông Ukraine trong đó Liên Hợp Quốc cho biết đã có hơn 6.400 người thiệt mạng.

Tuy nhiên, lý do đất nước “lâm nguy” của ông Poroshenko lại không đủ thuyết phục bằng hàng loạt những vấn đề nổi cộm trong nước, khiến dư luận lên tiếng rằng “Ukraine đang làm động tác giả để chuyển lửa ra ngoài”.

Maidan 3 - Nguy cơ tái diễn đảo chính

Quảng trường Maidan Nezalezhnosti ở thủ đô Kiev ngày 6/6 nóng chẳng kém chiến trường miền Đông khi hàng nghìn người biểu tình lại tụ tập đông đảo ra yêu sách đòi Tổng thống Petro Poroshenko và nội các báo cáo về những cải cách mà chính phủ hứa hẹn một năm trước đây.

Theo TASS, cuối ngày 7/6, hàng trăm người biểu tình quyết không giải tán, bất chấp trời tối, đã dựng lều trại ngay tại địa điểm nổ ra cuộc nổi dậy lật đổ cựu Tổng thống Viktor Yanukovych.

Ông Rustam Tashbaev, một trong những người tổ chức biểu tình nói: “Ông Poroshenko và nội các cần phải “nói chuyện với người dân”, không được che giấu thực tế tình hình đất nước”.
“Chúng tôi phát động chiến dịch này và gọi đó là biểu tình Maidan 3, mục đích không phải là lật đổ chính phủ, mà kêu gọi họ thực thi những gì đã hứa”.

Người biểu tình Kiev đòi Tổng thống phải nói chuyện với người dân hôm 6/6
Người biểu tình Kiev đòi Tổng thống phải nói chuyện với người dân hôm 6/6

Biểu tình Maidan bắt đầu từ tháng 11/2013 như một chiến dịch hòa bình phản đối việc cựu tổng thống Viktor Yanukovych từ chối ký thỏa thuận với EU. Tuy nhiên, chỉ sau đó 4 tháng, cuộc biểu tình biến thành đảo chính, lật đổ ông Yanukovych tháng 2/2014; chính thức đẩy Ukraine vào một cuộc khủng hoảng chưa biết bao giờ mới thấy lối ra cho dù quốc gia Đông Âu có chính phủ mới.

Sau khi đắc cử, chính quyền của ông Petro Poroshenko đã cam kết thực hiện cải cách chính trị - xã hội để phù hợp với những thông lệ dân chủ và kinh tế của EU, để Ukraine có thể gia nhập liên minh này. Tuy nhiên, chính phủ dường như thất bại trong việc thực thi cải cách, thể hiện ở sự sa sút, khủng hoảng kinh tế và phụ thuộc nặng nề vào các chủ nợ thế giới.

Thu hút sự chú ý trở lại của thế giới

Quân đội Ukraine và lực lượng miền Đông ngày 3/6 lại lao vào một cuộc giao tranh ác liệt chưa từng có kể từ khi Thỏa thuận ngừng bắn Minsk được ký hồi tháng 2. Giao tranh ác liệt nổ ra ở xung quanh thị trấn Maryinka do quân chính phủ kiểm soát và vị trí đóng quân của CH Nhân dân Donetsk tự xưng.

Quân đội Kiev tố cáo lực lượng miền Đông triển khai 10 xe tăng và gần 1.000 quân tấn công vào Maryinka, nơi các vị trí của quân đội Ukraine. Các hệ thống pháo tự hành 2S1 Carnation đã được sử dụng để yểm trợ cuộc tấn công này.

Đây là lý do quân đội Kiev phải sử dụng pháo hạng nặng, như xe tăng, xe bọc thép chiến đấu bộ binh và pháo 152mm, những loại vũ khí bị cấm theo thỏa thuận hòa bình Minsk “đáp trả” để đẩy lùi cuộc tấn công và tránh thương vong cho binh lính.

Phản bác lại tuyên bố của phía Ukraine, lực lượng đối lập miền Đông tuyên bố quân đội Kiev gây chiến bằng các vụ pháo kích liên tục vào khu vực ranh giới của lực lượng này, khiến hàng trăm người bao gồm cả binh lính thương vong.
Các nhân viên Sứ mệnh giám sát đặc biệt (SMM) của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ở Ukraine ngày 5/6 đã ghi nhận chiến sự ác liệt trở lại ở khu vực sân bay Donetsk. Theo các quan sát viên, hai bên đều đưa vũ khí hạng nặng của họ trở lại tiền tuyến - bất chấp các điều khoản ngừng bắn của Thỏa thuận Minsk 2.

Quân đội Ukraine ở khu vực miền Đông
Quân đội Ukraine ở khu vực miền Đông

Theo tờ Kommersant (Nga): “Mồi lửa chiến tranh đến từ cả 2 phía Kiev và lực lượng miền Đông chứ không phải từ bên ngoài. Cả hai bên đều phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của bên ngoài. Cả hai cảm thấy các nhà tài trợ đang thúc đẩy họ đi theo con đường mà họ chẳng muốn đi. Một con bài mà hai bên có thể chơi là tăng cường giao tranh để thu hút trở lại sự chú ý của thế giới và tiếp tục gây chia rẽ mối quan hệ giữa Nga và phương Tây”.

Mấy tháng sau thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2, vấn đề Ukraine bị “đóng băng” trong khi cả Kiev và lực lượng nổi dậy đều tỏ ra sốt ruột khi vấn đề của họ không được giải quyết đến đầu đến đũa.

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cũng chính là cái cớ để quân đội Kiev và lực lượng miền Đông đấu pháo trở lại.

Theo Kommersant, thay vì để một cuộc xung đột bị dang dở và lãng quên, nội chiến tái diễn sẽ lại đưa Ukraine về vị trí tâm điểm thế giới và là cơ hội để Kiev và lực lượng nổi dậy “đòi hỏi” và “tận thu” trên bàn đàm phán.

Ông Poroshenko muốn giữ ghế

Nền kinh tế Ukraine đang ở trong tình trạng hỗn độn và nối lại xung đột sẽ là cách dễ nhất cho các quan chức chính phủ bảo vệ ghế ngồi của họ.

Forbes nhận định: “Những lời lẽ của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, người trong những tuần gần đây đã liên tục cảnh báo về mối đe dọa từ Nga trong bối cảnh xung động tăng cường ở miền Đông, là nhằm củng cố vị trí của mình”.

Các cuộc thăm dò dư luận tháng 3 cho thấy, tín nhiệm của hai nhà lãnh đạo Ukraine là Tổng thống và Thủ tướng đã giảm mạnh. Hơn 60% người dân Ukraine không hài lòng với chương trình cải cách của ông Poroshenko, Yatseniuk.

Sự thất vọng được thể hiện thông qua các dữ liệu của Viện Xã hội học Quốc tế Kiev, trong đó cho thấy cuộc khủng hoảng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát đều gia tăng.

Chuyên gia Vladimir Signorelli, người sáng lập công ty nghiên cứu thị trường độc lập Bretton Woods, Mỹ nói với Forbes : “Cách dễ nhất đến với phương Tây mà chính phủ Kiev đang có là duy trì xung đột ở miền Đông. Các cuộc bầu cử tại Ukraine dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 10 tới. Nó sẽ là một dịp quan trọng để người dân Ukraine “thưởng” các chính trị gia ủng hộ gia nhập châu Âu”./.
 
Theo Ngân Giang/VOV.VN