2021 sẽ là năm Australia 'xoay trục' sang Đông Nam Á?
Với các sáng kiến được đưa ra, 2021 được cho là năm Australia "xoay trục" sang Đông Nam Á, phân tích của nhà nghiên cứu Melissa Conley Tyler* đăng trên trang web của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI).
Theo tác giả bài viết, với các sáng kiến được đưa ra, 2021 được cho là năm Australia 'xoay trục' sang Đông Nam Á. Các sự kiện gần đây ở Myanmar sẽ khiến xu hướng này khó thực hiện, tuy nhiên Australia vẫn có nhiều lí do để đầu tư vào Đông Nam Á.
Từ đầu năm 2020, sau khi Australia tuyên bố tăng cường hiện diện ở Thái Bình Dương, việc nước này tham vấn về chính sách phát triển quốc tế mới đã làm dấy lên nhiều ý kiến lo ngại rằng Canberra đang rời xa Đông Nam Á.
Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2020, chính phủ Australia đã tuyên bố những gói tài trợ quan trọng cho một loạt các dự án ở khắp các quốc gia Đông Nam Á.
Khu vực "ưu tiên trực tiếp"
Tháng 5/2020, chính sách phát triển "Quan hệ đối tác vì sự phục hồi" đặt ưu tiên vào khu vực Thái Bình Dương và coi Đông Nam Á là vùng "ưu tiên trực tiếp", với lập luận rõ ràng: "Đây là những nơi mà chúng ta có quan hệ đối tác sâu rộng nhất và có thể tác động nhiều nhất".
Vào tháng 7/2020, bản cập nhật chiến lược quốc phòng đã công bố một sự tái tập trung mang tính quyết định vào khu vực "ưu tiên trực tiếp" của Australia, kéo dài từ Đông Bắc Ấn Độ Dương qua khu vực đường biển và đại lục ở Đông Nam Á, cho đến vùng Tây Nam Thái Bình Dương.
Đến tháng 10, trong ngân sách của Australia có khoản 23 triệu USD dành cho việc phân phối vaccine ở Đông Nam Á bên cạnh các khoản đầu tư khác trong khu vực Thái Bình Dương và ở Timor Leste. Ngoài ra, Canberra còn hỗ trợ Indonesia khoản vay ngân sách trị giá 1,5 tỷ USD.
Đặc biệt hơn cả, chính phủ Canberra gây sự chú ý lớn khi công bố "một gói các biện pháp kinh tế, phát triển và an ninh mới" sau Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Australia vào tháng 11/2020 để hỗ trợ phục hồi tại khu vực bao gồm: 500 triệu USD cho sáng kiến vaccine khu vực ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương; 104 triệu USD cho gói an ninh để mở rộng hợp tác quốc phòng bao gồm hợp tác quân y, củng cố an ninh mạng và việc bổ nhiệm tùy viên quốc phòng ở khắp các nước Đông Nam Á; 232 triệu USD để nâng cấp quan hệ đối tác mới Mekong-Australia; 24 triệu USD để chống lại bệnh truyền nhiễm ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương như một phần cam kết của Australia với Quỹ Toàn cầu chống AIDS, bệnh Lao và Sốt rét; 70 triệu USD củng cố cơ sở hạ tầng và quan hệ đối tác với Đông Nam Á; 65 triệu USD cho đào tạo, tư vấn kỹ thuật và hợp tác của các quốc gia hàng hải…
Tổng cộng các con số trên cho thấy cam kết hỗ trợ của Australia cho khu vực Đông Nam Á đã lên mức cao nhất kể từ thời xảy ra động đất sóng thần tại khu vực này năm 2004. Một số các sáng kiến nói trên sẽ đi vào hoạt động trong năm 2021.
Australia cũng nỗ lực tăng cường hiện diện ngoại giao tại Myanmar qua việc mở văn phòng đại diện ở thủ đô Naypyidaw, bên cạnh việc hỗ trợ Myanmar hội nhập và phát triển kinh tế. Dầu vậy, việc quân đội bất ngờ nắm chính quyền tại Myanmar khiến cho nỗ lực này khó tiến triển.
Trung tâm ASEAN về các vấn đề Y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới cũng sẽ hoạt động với 21 triệu USD tiền đóng góp của Australia bên cạnh khoản tài trợ từ Nhật Bản.
Bên cạnh đó, một sáng kiến mới về cơ sở hạ tầng sẽ đem đến việc xây dựng một văn phòng đại diện của Australia tại Bangkok để tư vấn kỹ thuật tại chỗ về cơ sở hạ tầng như là lập kế hoạch dự án, các ưu tiên, mua sắm và quy trình giao dịch, cũng như các quy định chính sách từng ngành.
Ngoài ra, các lãnh đạo Australia-Malaysia cũng đã tổ chức cuộc họp thường niên vào tháng 1/2021 và đồng ý nâng cấp quan hệ song phương lên mức quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Hai nhân tố quan trọng
Những nhân tố lớn nhất thúc đẩy việc tái tập trung vào khu vực Đông Nam Á của Australia là dịch Covid-19 và Trung Quốc.
Với tình hình dịch bệnh đang hoành hành trong khu vực, rất khó để cho rằng Đông Nam Á không cần sự hỗ trợ từ Australia. Yêu cầu cấp bách chống lại suy thoái kinh tế và thương mại toàn cầu hoàn toàn phù hợp với câu chuyện trong nước của chính phủ Australia về sự cần thiết phải hỗ trợ phục hồi, để đảm bảo rằng việc khu vực phục hồi nhanh chóng sẽ "kích thích hoạt động kinh tế và khôi phục việc làm trong và ngoài nước".
Tình trạng khẩn cấp về y tế do Covid-19 gây ra đã chỉ ra rằng các quốc gia có mối liên hệ với nhau và có lợi ích trong việc hỗ trợ lẫn nhau vì an ninh y tế của chính họ.
Đồng thời, sự trỗi dậy và ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á ngày càng lớn cũng khiến chính phủ Canberra không thể đứng ngoài cuộc chơi khu vực, nhất là khi các siêu cường cạnh tranh với nhau ngày càng gay gắt.
Gói hỗ trợ Đông Nam Á bao gồm các sáng kiến về cơ sở hạ tầng mà Australia xem như việc xây dựng khả năng phục hồi của các quốc gia khi đối mặt với áp lực từ bên ngoài.
Australia đang coi hỗ trợ phát triển là một phần trong chiến lược của mình. Mặc dù khoản tài trợ bổ sung trong ngân sách của tháng 10/2020 không được tính là tài trợ phát triển - để không làm tăng chi tiêu phát triển vượt quá mức trần 4 tỷ USD - gói hợp tác vào tháng 11/2020 đã làm tăng ngân sách phát triển. Điều này cho thấy rằng bản thân chính phủ Australia cũng phải thừa nhận rằng mức đầu tư hiện tại là quá thấp so với các mục tiêu chiến lược của Australia.
Vì thế, muốn có các mối quan hệ sâu sắc tại Đông Nam Á, Australia phải tăng đầu tư vào đây. Canberra có thể hỗ trợ các chương trình thiết thực cho khu vực trong khả năng của mình. Như lời bà Bridi Rice thuộc Hội đồng Phát triển Quốc tế Australia, hợp tác phát triển sẽ mang lại hình ảnh tích cực cho Australia như một quốc gia "thực tế và có khả năng giải quyết các vấn đề".
Gói hỗ trợ Đông Nam Á đã được giới thiệu như một sáng kiến của toàn chính phủ, với Bộ Ngoại giao và Thương mại đóng vai trò điều phối. Sự quan tâm tới khu vực được thể hiện qua sự nhiệt tình của các cựu quan chức đối với Đối thoại Quốc phòng, Ngoại giao và Phát triển châu Á - Thái Bình Dương (AP4D).
Thật tích cực khi thấy Australia sử dụng đầy đủ các công cụ quốc phòng, ngoại giao và phát triển để thiết lập quan hệ đối tác sâu rộng với các nước Đông Nam Á - một khu vực vẫn có vai trò cực kỳ quan trọng đối với nền y tế, an ninh và kinh tế của đất nước chuột túi.