1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

150 người Nhật tới đảo tranh chấp với Trung Quốc

(Dân trí) – Ít nhất 10 nhà hoạt động Nhật trên con tàu chở khoảng 150 người hôm nay 19/8 đã bơi lên một đảo thuộc quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, bất chấp việc Trung Quốc đã trao công hàm phản đối một ngày trước đó.

Nhóm người Nhật mang cờ nước này đã đặt chân lên đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư vào sáng nay.


Nhóm người Nhật mang cờ nước này đã đặt chân lên đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư vào sáng nay.
 
Trung Quốc trao công hàm ngay sau khi nhận được tin, một đội tàu chở khoảng 150 người Nhật Bản, trong đó có một số nghị sỹ, đã rời đảo Ishigaki ở Tây Nam Nhật Bản để đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

“Trung Quốc đề nghị Nhật Bản ngay lập tức cho dừng hành động nói trên. Bất cứ hành động đơn phương nào của Nhật Bản trên đảo Điếu Ngư cũng đều bị coi là bất hợp pháp và không có giá trị", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói.

Ông Tần Cương cũng tái khẳng định chuỗi đảo không có người ở này là lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc.

Theo kế hoạch, tàu chở 150 người Nhật Bản đến đảo Senkaku vào sáng sớm nay. Sau đó, những người trên tàu sẽ tổ chức một số hoạt động trên đảo trước khi lên tàu trở về ngay trong ngày.

 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương.

Một thành viên trong nhóm người Nhật tới đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Động thái trên diễn ra ngay sau khi Nhật Bản vừa trục xuất 14 người Trung Quốc, trong đó có 2 nhà báo và 12 nhà hoạt động,. Những người này bị cảnh sát biển Nhật Bản bắt giữ hôm 15/8 vì tội xâm phạm trái phép lãnh hải Nhật Bản và đổ bộ lên một hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát

Trong số 14 người này có 5 người bị bắt khi đang có mặt trên đảo Senkaku/Điếu Ngư. 9 người còn lại bị  bắt trên tàu neo đậu gần đó.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trên biển Hoa Đông, trong một ngư trường đánh cá lớn và được cho là có trữ lượng khoáng sản có giá trị. Senkaku/Điếu Ngư nằm về phía Đông Trung Quốc và Tây Nam của tỉnh cực Nam Okinawa của Nhật Bản.

Từ tháng 4 trở lại đây, khu vực quần đảo này liên tục dậy sóng với những tuyên bố chủ quyền của hai phía và việc triệu tập đại sứ của nhau. Căng thẳng nảy sinh sau khi Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara và chính phủ Nhật Bản công khai ý định mua lại chuỗi đảo từ chủ sở hữu tư nhân là một gia đình người Nhật, khiến Trung Quốc liên tiếp điều tàu ngư chính ra vùng biển này.

Đức Vũ

Tổng hợp