1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

100 ngày dự báo tương lai Tổng thống Trump

Tác động của tiến trình luận tội hiện tại và tỉ lệ ủng hộ tổng thống khó có thể áp dụng để dự đoán kết quả kỳ bầu cử năm 2020 đối với một ứng viên phi truyền thống như ông Donald Trump.

Vẫn còn khá sớm để dự đoán cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 sẽ diễn ra như thế nào nhưng báo chí phương Tây gần đây đã đưa ra nhiều phân tích và số liệu phần nào vẽ ra viễn cảnh có thể xảy ra. Dù tỉ lệ ủng hộ có liên hệ với kết quả bầu cử cuối cùng hay không, những ngày sắp tới sẽ rất quan trọng đối với chiếc ghế tổng thống của ông Donald Trump.

Công thức của chiến thắng bầu cử

Theo hãng tin CNN, tỉ lệ ủng hộ của các vị tổng thống được ghi nhận vào giữa tháng thứ ba của năm bầu cử có mối liên hệ với kết quả bầu cử năm đó: Tỉ lệ thấp sẽ thất bại, tỉ lệ trung bình có thể thắng với chênh lệch khá nhỏ.

Sau hơn 1.000 ngày tại chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang giữ mức ủng hộ thấp nhất so với những người tiền nhiệm trong các đợt tái tranh cử, hãng tin Bloomberg cho hay. Theo trang khảo sát FiveThirtyEight, tỉ lệ ủng hộ hiện nay của ông Trump là 41,6%. Trước đó mức thấp nhất là 44% vào cuối nhiệm kỳ của cựu tổng thống Barack Obama.

Bên cạnh đó, tỉ lệ không tán thành dành cho ông Trump hiện ở mức 53,5% khiến ông trở thành vị tổng thống duy nhất trong lịch sử Mỹ vượt ngưỡng 50% trong 1.048 ngày tại chức. Ông Obama đã từng ghi nhận mức không tán thành 49,7% nhưng không có tổng thống nào trước đó vượt 42%.

FiveThirtyEight cũng chỉ ra rằng kết quả tái tranh cử có thể dự đoán khi kết hợp giữa tỉ lệ ủng hộ và mức tăng trưởng kinh tế. Theo công thức này, nhà phân tích Harry Enten kết luận nếu ông Trump vẫn giữ tỉ lệ ủng hộ như hiện tại và tốc độ tăng trưởng kinh tế không thay đổi trong 100 ngày tới, nhiều khả năng ông Trump sẽ thua trong đợt tái tranh cử năm 2020.

100 ngày dự báo tương lai Tổng thống Trump - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump lắng nghe bài phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Hội nghị thượng đỉnh khối NATO ở London (Anh) hôm 3-12. Ảnh: AP

Tác động ngược của luận tội

Dù vậy, tờ The New Yorker cho rằng việc tập trung quá nhiều vào những dữ liệu trên là việc khá “nguy hiểm”. Cây bút John Cassidy cho rằng bầu cử tổng thống không phải là sự kiện diễn ra độc lập mà là kết quả của một chuỗi các diễn biến kéo dài trên phạm vi cả nước. Những dự đoán như trên chỉ dựa vào các số liệu khảo sát được mà bỏ qua sự tham gia thực tế của công dân Mỹ, khi từng lá phiếu của cử tri cũng tác động vô cùng lớn.

Nếu Tổng thống Trump thật sự đã lôi kéo một quốc gia khác để giúp ông giành chiến thắng trong kỳ bầu cử tổng thống thì đó sẽ là một mối đe dọa đến các cuộc bầu cử tự do và công bằng cũng như xâm hại an ninh quốc gia Mỹ.

 

DANIEL S. GOLDMAN, cố vấn pháp lý Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ

Một lưu ý khác là tiến trình luận tội hiện tại có thể sẽ là cơ hội để Tổng thống Donald Trump bất ngờ bứt phá thay vì gây cho ông bất kỳ tổn hại nào về mặt hình ảnh hay pháp lý, nhà báo Jake Novak của hãng tin CNBC cho biết. Sự khác biệt quan trọng nhất giữa tiến trình luận tội ông Trump và của những vị tổng thống trước là tiến trình năm 2019 diễn ra ngay lúc ông Trump đang chạy chiến dịch tái tranh cử. Những chỉ trích liên tục từ các đối thủ chính trị và truyền thông đã tạo hiệu ứng ngược, giúp ông Trump tạo thêm tiếng vang.

Ông Novak cho rằng các cộng sự của ông Trump hiện chỉ cần sử dụng tiến trình luận tội như một thông điệp mạnh mẽ và công cụ gây quỹ cho chiến dịch tái tranh cử. Bên cạnh đó việc luận tội cũng nổ ra cùng thời điểm nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận những con số tích cực như ông Trump vẫn thường hay tuyên bố, tức sẽ thêm một điểm cộng cho ông Trump trong mắt cử tri và khiến nỗ lực của phe Dân chủ Hạ viện giống một động thái mang tính triệt hạ đối thủ hơn.

Câu hỏi quan trọng bây giờ là liệu các điều khoản luận tội sẽ ảnh hưởng đến các chính sách và khả năng lãnh đạo của Tổng thống Trump không nếu ông tái đắc cử. Trước đó tiến trình luận tội đã buộc hai cựu tổng thống Bill Clinton và Richard Nixon phải từ bỏ các chương trình nghị sự trong nước và tập trung vào các chính sách đối ngoại.

Tuy nhiên, kể từ khi đảng Dân chủ giành đa số Hạ viện Mỹ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018, việc ông Trump muốn thực hiện chương trình nghị sự của mình cũng đã gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, các mối bận tâm của ông Trump trong thời gian gần đây chỉ tập trung vào nhiều vấn đề đối ngoại như thương chiến Mỹ-Trung, vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hay các thách thức từ Nga.

Những lời cáo buộc gây tranh cãi của ông Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần cáo buộc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bí mật theo dõi chiến dịch tranh cử tổng thống của ông năm 2016. Hiện không có bằng chứng nào xác nhận lời cáo buộc của ông Trump. Tổng Thanh tra Bộ Tư pháp Michael Horowitz đã đánh bật các cáo buộc chống lại cuộc điều tra của FBI, nhấn mạnh rằng các cuộc điều tra đã được tiến hành một cách hợp lý và không tìm thấy bất kỳ sai sót nào trong hành động của FBI.

Tại cuộc họp ngày 23-5 ở Nhà Trắng, ông Trump đã nói với ông Kurt Volker, khi đó là đặc phái viên tại Ukraine, rằng có nhiều người ở Mỹ muốn hạ bệ ông. Khi điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenski, ông còn nói rằng Ukraine có liên quan tới việc can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Theo tờ USA Today, không có nỗ lực phối hợp nào của chính phủ Ukraine để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ David Hale đã làm chứng rằng Nga chứ không phải Ukraine đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Trong lời khai trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông Hale nói rằng những lời buộc tội của ông Trump đã vô tình phục vụ lợi ích của Moscow trong quan hệ giữa Nga và Ukraine.

Theo Hà Minh Thu

Pháp luật TP.HCM