Sân khấu kịch TPHCM "vượt khó"
(Dân trí) - Nhiều người cho rằng, dù ngày càng xuất hiện nhiều loại hình giải trí hiện đại, hấp dẫn nhưng sân khấu kịch vẫn luôn giữ vị trí quan trọng trong trái tim khán giả.
Sân khấu "nở rộ", vở diễn gây tiếng vang
Trong lịch sử kịch nói Việt Nam, kịch nói tại TPHCM có quá trình hình thành và phát triển nhiều thăng trầm. Thế nhưng trải qua hàng thế kỷ, "đi xem kịch" vẫn được xem là một trong những nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây.
Nếu những năm trước, sân khấu kịch TPHCM đứng trước bờ vực do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tình hình kinh tế biến động, nhiều sân khấu đóng cửa hoặc buộc phải thay đổi mô hình hoạt động thì năm 2023 lại mang đến nhiều điểm sáng bất ngờ.
Không chỉ nhiều sân khấu mới ra đời trên địa bàn TPHCM, mà các vở diễn cũng gây tiếng vang, để lại ấn tượng trong lòng khán giả.
Trò chuyện với phóng viên Dân trí, nghệ sĩ Minh Nhí không khỏi xúc động khi hơn một năm qua, sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh do anh dẫn dắt hoạt động trơn tru.
Nghệ sĩ tâm sự, mở sân khấu ở thời điểm kịch nói chỉ ở mức hoạt động "cầm chừng" là quyết định khá mạo hiểm. Song, thời gian qua, các vở diễn Mẹ hát rong, Lụa máu tại sân khấu của anh liên tục "cháy" vé, nhận về những tín hiệu đáng mừng.
Trong năm 2023, NSND Hồng Vân kết hợp cùng trường Đại học Kinh tế TPHCM, "tái sinh" sân khấu kịch Hồng Vân sau thời gian ngừng hoạt động. Đồng hành cùng cô còn có những gương mặt quen thuộc đã gắn bó suốt nhiều năm qua như: Hữu Nghĩa, Ốc Thanh Vân, Hiếu Hiền...
"Sau nhiều trở ngại, tôi và các đồng nghiệp lại được tiếp tục cống hiến cho nghề, "thánh đường" của chúng tôi được tiếp tục sáng đèn để đem đến cho khán giả yêu kịch những giá trị nhân văn", Hồng Vân bộc bạch.
"Chào sân" thuận lợi với Bông cánh cò - vở diễn được chuyển thể từ nhạc truyện của cố nhạc sĩ Bắc Sơn, với sự góp mặt của nghệ sĩ Thanh Thủy, ca sĩ Cẩm Ly, sân khấu kịch Hồng Vân tiếp tục dựng mới lẫn tái dựng hàng loạt vở như Thương thì thương thế thôi, Hoa dại, Người vợ ma…
Nửa cuối năm 2023, câu chuyện NSƯT Thành Lộc rời Sân khấu kịch Idecaf, "ra riêng" với sân khấu kịch Thiên Đăng cũng thu hút sự quan tâm lớn từ khán giả yêu kịch nói.
Sân khấu mới, điểm diễn mới, nhưng Thiên Đăng sớm ghi điểm nhờ hội tụ những gương mặt cũ - những nghệ sĩ gạo cội như NSƯT Hữu Châu, Kim Xuân, Phi Phụng…
Chỉ mới hơn 3 tháng kể từ khi ra mắt, sân khấu kịch do nghệ sĩ Thành Lộc dẫn dắt đã trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa được yêu thích với các vở diễn Giáng Hương, Duyên thệ, Ngôi nhà trong mây, Ngũ quý tương phùng…
Về phần sân khấu kịch Idecaf, vở Ngày xửa ngày xưa 34: Nàng công chúa với chiếc áo tầm gai tiếp tục "cháy vé", khiến khán giả phải vất vả săn lùng để có thể thưởng thức được vở kịch mang tính thương hiệu của sân khấu này.
Trước sự trở lại sôi động của các vở diễn, sự xuất hiện các tụ điểm mới, những người làm "bầu" sân khấu ở TPHCM không khỏi vui mừng. Họ cho rằng, thêm một vở diễn là thêm một món ăn, thêm một sân khấu là thêm một "nhà hàng" thu hút khán giả chứ không hề lo lắng đến tính cạnh tranh.
Kịch Tết rộn ràng, kỳ vọng "sóng sau xô sóng trước"
Bước sang năm 2024, làng kịch nói TPHCM mang theo nhiệt huyết lẫn kỳ vọng vào một ngày không xa, sân khấu kịch sẽ trở lại thời hoàng kim.
Tết này, Sân khấu Thế Giới Trẻ cho ra mắt 3 vở mới và dựng lại một vở cũ. Giám đốc sân khấu kịch Thế Giới Trẻ cho biết Tết nào bà cũng cố gắng dựng vở để sân khấu nhộn nhịp từ Mùng 1 đến hết 15 tháng Giêng hoặc hơn như thế nữa.
Nổi bật trên đường đua kịch Tết năm nay còn có 2 vở Lẹ lẹ trễ phà, Giải cứu ông nội cùng 2 vở cũ là Lụa máu và Án mạng đêm không trăng của sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh. Sân khấu kịch Thiên Đăng cũng sôi nổi với các vở: Ngũ quý tương phùng, Ngôi nhà trong mây và Nội tình của ngoại tình.
Sân khấu kịch Hồng Vân "chơi lớn" khi dựng vở Tình sử Thăng Long - nhạc kịch lịch sử phóng tác dựa trên tác phẩm kinh điển của cố nhà văn Lưu Quang Vũ. Vở diễn có sự góp mặt của NSND Hồng Vân, NSƯT Kim Tử Long, nghệ sĩ Hoàng Sơn và nhiều diễn viên trẻ khác.
Nghệ sĩ Hồng Vân thừa nhận Tình sử Thăng Long được đầu tư chỉn chu, quy mô từ bối cảnh đến phục trang nên khá tốn kém. Cô cho biết vở diễn đậm màu lịch sử này được dựng nên phần lớn vì đam mê, không màng lời lỗ.
Sự trở lại nhộn nhịp của sân khấu kịch tại TPHCM nói riêng và kịch nói nói chung cho thấy vẫn còn đó những khán giả yêu kịch, những "ông bầu", "bà bầu" tâm huyết với sân khấu, những nghệ sĩ sẵn sàng gác lại gánh nặng "cơm áo gạo tiền" để được thăng hoa cùng nhân vật khi tấm rèm nhung hé mở.
Dù rằng cho đến hiện tại, khi nhắc đến bài toán kinh doanh, đa phần những người làm "bầu" sân khấu vẫn rất… đau đầu nhưng với những bước đi "chậm mà chắc" như hiện nay, sân khấu kịch tại TPHCM được nhiều kỳ vọng.
NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội sân khấu TPHCM - cho biết trong bối cảnh hiện tại, phía Hội sân khấu TPHCM luôn mang nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ tinh thần cho các sân khấu, phần nào tác động, tạo điều kiện cho các sân khấu hoạt động.
Ông Giàu cũng nhìn nhận, ngành sân khấu vẫn có nguồn nhân lực dồi dào, lực lượng biểu diễn trẻ trung và đa năng. Ông tin rằng dù đời sống nghệ sĩ có những khó khăn nhất định, nhưng chắc chắn họ sẽ tiếp tục cống hiến và mang lại kết quả đáng mong đợi cho sân khấu kịch.