Người Việt ăn Tết trong bao nhiêu ngày?

Tô Sa

(Dân trí) - Theo truyền thống, người Việt mừng đón ba ngày Tết, đó là: trừ tịch, mùng một Tết, mùng hai Tết, mùng ba Tết.

Thực hành văn hóa tín ngưỡng Việt Nam của tác giả Nguyễn Hạnh, do Nhà xuất bản Trẻ phát hành, được nhận xét là tựa sách giàu giá trị, phù hợp cho dịp Tết cổ truyền.

Cuốn sách đào sâu vào các phong tục, tập tục thể hiện văn hóa tín ngưỡng của người Việt, giải thích cội nguồn, ý nghĩa và cách thực hiện những phong tục này, góp phần gìn giữ truyền thống không bị mai một.

Các phong tục dịp Tết được tác giả dành phần lớn cuốn sách để nghiên cứu và phân tích, giúp độc giả hiểu được cặn kẽ vai trò to lớn của dịp lễ cổ truyền đối với nếp sống dân tộc, biết trân trọng và gìn giữ một phần hồn cốt của quê hương.

Tại sao phong tục ngày Tết lại khởi đi từ "hiếu"?

Khởi đi từ chữ "hiếu" nghĩa là đạo lý hết lòng phụng dưỡng cha mẹ. Vào dịp cuối năm, con cháu gần xa đều quy tụ về gia đình, gia tộc để thăm hỏi ông bà, cha mẹ. 

Người ở dưới có dịp tỏ lòng kính trọng người bề trên. Con/em ở trong nhà thì hiếu thảo (hết lòng phụng dưỡng ông bà, cha mẹ), ra ngoài thì kính nhường (bậc huynh trưởng lão thành).

Khởi đi từ chữ "hiếu" nghĩa là đạo lý thờ kính ông bà tổ tiên, bởi vì đạo phụng thờ cha mẹ là gốc của đức. Cho nên khi sống thì cha mẹ được yên vui, khi qua đời, hương hồn nhận lấy (lễ vật cúng tế). Đạo lý cúng bái, tế tự để tỏ lòng kính trọng và biết ơn đấng thiêng liêng.

Người Việt ăn Tết trong bao nhiêu ngày? - 1

Bìa sách "Thực hành văn hóa tín ngưỡng Việt Nam" (Ảnh: NXB Trẻ).

Tại sao phong tục ngày Tết lại khởi đi từ "ân"?

Phong tục ngày Tết khởi đi từ chữ "ân" vì đó là "ơn" hay "ân" là lòng yêu thương mà giúp đỡ hay ban cho cái gì.

Đạo lý khắc cốt ghi tâm (tâm) việc nhờ (nhân) trời đã cho mình được có mặt trên cuộc đời này.

Tín hữu Công giáo cũng tạ ơn Thiên Chúa, vì "Đấng đã tạo thành tôi trong dạ mẹ" và bởi vì "Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân".

Đạo lý khắc cốt ghi tâm (tâm) việc nhờ (nhân) cha mẹ đã cho hình hài và nuôi dưỡng mình khôn lớn.

Đạo lý khắc cốt ghi tâm (tâm) việc nhờ (nhân) thầy cô đã truyền cho mình tri thức và đạo đức làm người.

Đạo lý khắc cốt ghi tâm (tâm) việc nhờ (nhân) người bạn đời đã yêu thương và gắn bó với mình để thành nghĩa vợ chồng.

Đạo lý khắc cốt ghi tâm (tâm) việc nhờ (nhân) những người trong xã hội đã đồng hành với mình trong cuộc sống.

Đạo lý khắc cốt ghi tâm (tâm) việc nhờ (nhân) môi trường sống đã cưu mang, nuôi dưỡng con người.

Người Việt ăn Tết trong bao nhiêu ngày? - 2

Người dân check-in tại đường hoa Nguyễn Huệ (TPHCM) sáng 29 Tết (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Tại sao phong tục ngày Tết lại khởi đi từ "lễ"?

Phong tục ngày Tết khởi đi từ chữ "lễ" vì đó là tế cúng cho thần thánh, cho tổ tiên và vật dâng biếu.

Tế cúng trời đất, thần thánh, hiền nhân, tổ tiên, ông bà cha mẹ để tỏ lòng tôn kính.

Tặng vật để cảm ơn vì việc người khác đã giúp đỡ mình: Lễ khinh tình ý trùng (Lễ mọn tình thâm).

Tại sao phong tục ngày Tết lại khởi đi từ "lạc"?

Phong tục ngày Tết khởi đi từ chữ "lạc/nhạc" vì đó là thú vui âm nhạc. Trong những ngày Tết, âm nhạc là thú vui không thể thiếu trong sinh hoạt thờ tự, gia đình và xã hội.

Trong những ngày Tết, người ta tạm gác qua những điều phiền muộn để vui mừng đón xuân với nhau.

Người Việt ăn Tết trong bao nhiêu ngày?

Theo truyền thống, người Việt mừng đón ba ngày Tết, đó là: trừ tịch, mùng một Tết, mùng hai Tết, mùng ba Tết.

Trong đó: "Trừ tịch" nghĩa là đêm cuối năm hay đêm giao thừa. Trong dân gian, cúng đêm trừ tịch là tiễn đưa năm cũ và chuẩn bị đón mừng năm mới. Người ta xả bỏ những oán hờn, tức giận để tâm hồn thanh thoát hầu chuẩn bị đón nhận năm mới trong vui mừng và hạnh phúc.

Chiều 30 Tết, theo tín ngưỡng dân gian, người ta cúng mời tổ tiên, ông bà về ăn Tết với con cháu. Nếu ông bà cha mẹ còn sống, 30 Tết là thời điểm cuối cùng để con cháu dâng quà mừng Tết:

Trong đêm giao thừa, mọi người quy tụ để cảm tạ trời đất vì những ơn lành được nhận trong năm qua. Mọi người xin trời đất không ngừng gìn giữ và nâng đỡ trong năm mới.

Tân niên nghĩa là năm mới - Mùng một Tết. Trong dân gian, ngày mùng một Tết, dành cho trời đất, ông bà tổ tiên và cha mẹ.

Trong ngày Tân niên (mùng một Tết), mọi người cảm tạ trời đất đã ban quê hương đất nước mùa xuân mới. Xin trời đất thương tuôn đổ phúc lành bình an trên cá nhân, gia đình và quê hương đất nước.

Mùng hai Tết. Trong gian dân, mùng hai Tết là lúc xuất hành đi xin chữ hay đi lễ đền, chùa, hay đi thăm họ hàng thân thích (nội ngoại).

Trong thánh lễ mùng hai Tết, các tín hữu quy tụ để cầu xin Thiên Chúa tuôn đổ hồng ân xuống trên tổ tiên và ông bà cha mẹ để con cháu cũng được thừa hưởng phúc ấm của các ngài mà nhận biết tôn thờ và phụng sự Thiên Chúa.

Mùng ba Tết. Trong gian dân, mùng ba Tết là lúc đi thăm thầy cô, bạn bè hay những người có mối tương quan trong công việc.

Trong thánh lễ mùng ba Tết, các tín hữu quy tụ để theo cách xưa là cầu mùa, nay gọi là xin Thiên Chúa thánh hóa công ăn việc làm.

Các tín hữu cầu xin, trong năm mới, được ơn nêu cao tinh thần tương thân tương ái và góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm