Nghi lễ nghỉ Tết của triều đình nhà Nguyễn thời xưa
(Dân trí) - Lễ dựng Nêu ở triều Nguyễn nhằm thông báo chấm dứt mọi việc của năm cũ, việc hành chính trên cả nước cũng dừng lại, người dân chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.
Sáng 2/2 (nhằm ngày 23 tháng Chạp), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức tái hiện nghi lễ Thướng Tiêu (hay còn gọi là dựng Nêu) tại Triệu Tổ Miếu và Thế Tổ Miếu.
Dựng Nêu là một nghi thức truyền thống của dân tộc và cũng là một nghi lễ quan trọng dưới triều Nguyễn và là một nét văn hóa tốt đẹp từ ngàn đời xưa.
Tục dựng Nêu thường được tổ chức vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, đúng vào ngày đưa ông Táo về trời, mang ý nghĩa chính là để xua đuổi ma quỷ và những điều bất hạnh của năm cũ, cầu mong một năm mới tốt lành.
Theo Ông Nguyễn Phước Hải Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Lễ dựng Nêu trong hoàng cung triều Nguyễn ngày xưa chính là thông báo mọi việc trong triều đình của năm cũ coi như chấm dứt, mọi công việc hành chính trên cả nước cũng dừng lại, người dân chuẩn bị đón Tết nguyên đán.
Lễ dựng nêu của triều Nguyễn ngày xưa gồm các nghi thức như lễ bái, nghinh thần, khánh hạ.
Lễ dựng Nêu được tái hiện tại Triệu Tổ Miếu. Sau đó là nghi lễ rước Nêu từ cửa Hiển Nhơn đến Ngọ Môn, qua Điện Thái Hoài rồi dừng lại tại Thế Tổ Miếu.
Đoàn rước Nêu được tái hiện bao gồm quân lính, kèn nhạc, cờ lọng… cùng rước một cây Nêu.
Hoạt động tái hiện nghi lễ dựng Nêu đã tạo được sự quan tâm và thích thú cho đông đảo du khách.
Cây Nêu sẽ được treo đến ngày mùng 7 tháng Giêng Âm lịch và triều đình sẽ làm lễ hạ Nêu, bắt đầu cho một năm làm việc mới.