Thương lái Việt vượt hơn 400km săn đào đá độc lạ ở Lào bán Tết

Nguyễn Duy

(Dân trí) - Những ngày cuối năm Âm lịch, những tay săn đào đã vượt qua hơn 400km sang mảnh đất Mường Khăm, tỉnh Xiêng Khoảng, Lào để sở hữu cho mình một cành đón Tết và bán kiếm lời.

So với năm trước, năm nay đào rừng ở các huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) không còn nhiều mà nhường chỗ cho đào xuất xứ từ Lào.

Tại các phố huyện như thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn), Thạch Giám (Tương Dương), thị xã Cửa Lò… đều có các loại đào Lào xuất hiện.

Thương lái Việt vượt hơn 400km săn đào đá độc lạ ở Lào bán Tết - 1

Chợ đào Lào ở cửa khẩu Nậm Cắn, Kỳ Sơn, Nghệ An.

Anh Đặng Đại Dương (33 tuổi) ở thị xã Cửa Lò (Nghệ An) đi săn đào đẹp ở Lào đưa về Nghệ An bán cho biết, để săn được những cành đào đá đẹp, độc… rất cần sự trợ giúp hoặc đặt mua từ người dân bản địa.  

Thương lái Việt vượt hơn 400km săn đào đá độc lạ ở Lào bán Tết - 2

Ông Khăm Hùng (tên gọi Việt Nam) 74 tuổi hàng ngày cùng với chiếc xe 1,25 tấn chở đào về cửa khẩu Nậm Cắn để bán cho thương lái Nghệ An.

Thương lái Việt vượt hơn 400km săn đào đá độc lạ ở Lào bán Tết - 3

Những cây đào đá được chặt từ các cánh rừng, nhà dân ở Xiêng Khoảng, Lào.

"Cũng mất khá nhiều thời gian ăn sương nằm gió ở bên Noọng Hét (tỉnh Xiêng Khoảng, Lào) để đi tìm và đặt đào. Đào ở bên Lào nhiều vô kể, vì bên họ ăn Tết khác ta nên đào thường để ngoài rừng, trong vườn. Một số cây có tuổi đời từ 15-30 năm, việc đặt mua cũng không phải là khó, quan trọng là công tác vận chuyển, phải qua cửa khẩu nhiều thủ tục, nhưng những chuyến hàng cũng kịp về Việt Nam để cung cấp cho thị trường", anh Dương chia sẻ.

Mỗi cành đào Lào về đến thị trấn các huyện dọc tuyến đường 7 hoặc về thị xã Cửa Lò, TP Vinh có nhiều giá khác nhau tùy thuộc vào độ đẹp, cành đều, hoa nhiều, phong rêu trên các thân cây và đặc biệt là tuổi tác của cây đào. 

Thương lái Việt vượt hơn 400km săn đào đá độc lạ ở Lào bán Tết - 4

Những cây đào đá độc đáo có giá từ 3-5 triệu mua từ Lào.

Thương lái Việt vượt hơn 400km săn đào đá độc lạ ở Lào bán Tết - 5

Những chuyến xe chở đào đá về cửa khẩu Nậm Cắn.

"Cây có độ tuổi từ 10 năm trở lên, thân có đường kính từ 10-15cm sẽ có giá từ 5-10 triệu đồng; có những cây tôi bán được gần 20 triệu đồng", anh Dương chia sẻ thêm. 

Theo ghi nhận của PV Dân trí, bắt đầu từ 20/12 Âm lịch thì đào Lào đã đổ bộ về Nghệ An và chiếm lĩnh thị trường người mua tại một số huyện như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông…

Thương lái Việt vượt hơn 400km săn đào đá độc lạ ở Lào bán Tết - 6

Hằng ngày tại khu vực cửa khẩu Nậm Cắn và Lào có hàng chục chuyến xe chở đào về nước.

Anh Nguyễn Hữu Lực (34 tuổi, ở thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương, Nghệ An) - người chuyên đón mua đào từ Lào về bày dọc quốc lộ 7 cho biết, giá đào được từ 500 nghìn đến 10 triệu đồng/cây. 

"Tôi không sang đất bạn Lào để săn đào như nhiều tay buôn khác, trái lại chỉ đón những chuyến xe từ cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn mua về bán lại ở thị trấn nhỏ này. Mỗi ngày tôi bán được từ 10-20 triệu đồng, trừ các chi phí cũng vừa đủ trang trải phục vụ Tết", anh Lực cho biết.

Thương lái Việt vượt hơn 400km săn đào đá độc lạ ở Lào bán Tết - 7

Xe của một tay săn đào Lào đưa về Nghệ An bán.

Trong chuyến công tác cuối năm lên huyện miền núi Tương Dương, anh Nguyễn Hữu Bắc, trú ở phường Đông Vĩnh cũng kịp sở hữu cho mình một cành đào Lào để đón Tết cổ truyền.

Anh Bắc vui vẻ chia sẻ: "Những năm trước gia đình tôi thường mua đào Nhật Tân, quất, mai, bưởi … nhưng năm nay để thay đổi "khẩu vị" tôi đã chọn cho mình một cành đào Lào. Chơi đào Lào có cái hay của nó, thứ nhất là được đưa từ nước bạn về, giá cả hợp lý. Thứ hai, để được lâu, thoáng, chiếm dụng ít không gian, không rườm rà…".

Thương lái Việt vượt hơn 400km săn đào đá độc lạ ở Lào bán Tết - 8

Những chuyến xe chở đào Lào về xuôi.

Những ngày này, đào Lào vẫn liên tục được những tay săn đào tuôn về thành phố Vinh và các huyện với đủ loại giá cả.  

Qua cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) là khu chợ hữu nghị Việt - Lào. Để thuận tiện giao thương hàng hóa, hai địa phương tỉnh Nghệ An và Xiêng Khoảng đã thống nhất thành lập khu chợ này. Hiện nay, chợ được họp vào sáng chủ nhật hàng tuần. Từ khi khu chợ này hình thành đã tạo việc làm cho bao người dân hai nước tập trung về đây làm ăn, buôn bán.

Người dân ở Noọng Hét cho biết, Mường Khăm có nghĩa là Mường Vàng. Vùng đất này đúng như tên gọi địa danh của nó. Hai bên quốc lộ 7 của huyện Mường Khăm (thuộc tỉnh Xiêng Khoảng, Lào) trước đây xuất hiện khá nhiều vàng. Cũng từ đó, Mường Khăm có tên gọi khác là Mường Vàng.