Xuyên đêm làm miến dong, nông dân ở Thanh Hóa thu trăm triệu đồng dịp Tết

Bình Minh

(Dân trí) - Vào dịp cận Tết nguyên đán, nhiều gia đình lại thức xuyên đêm để tăng sản lượng lên gấp đôi, gấp 3 phục vụ thị trường Tết. Dù vất vả nhưng vụ Tết cho bà con thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Nghề làm miến dong truyền thống đã có từ xa xưa ở hai xã Cẩm Bình và Cẩm Liên (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) nhưng chỉ những năm gần đây mới được phát triển mạnh. Đây được xem là nơi sản xuất miến dong lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, mỗi năm xuất ra thị trường hàng trăm tấn.

Đặc biệt, 3 tháng trước Tết, gia đình nào cũng tăng sản lượng lên gấp đôi gấp ba ngày thường để phục vụ nhu cầu thị trường. Để kịp đơn hàng giao đi, vào dịp cao điểm cận Tết không chỉ thuê thêm lao động mà bà con còn phải thức xuyên đêm để làm việc. 

Xuyên đêm làm miến dong, nông dân ở Thanh Hóa thu trăm triệu đồng dịp Tết - 1

Miến dong được làm từ củ dong riềng trồng trên đất đỏ bazan.

Về Cẩm Bình những ngày này, thấy không khí Tết như đến rất gần, trong các cơ sở người lao động tất bật rửa dong, tráng bánh, thái, phơi rồi thu thành phẩm; phía ngoài đường, xe thương lái kéo nhau về lấy hàng.

Là một trong những hộ có truyền thống sản xuất miến dong lâu đời, theo ông Nguyễn Đức Phượng (thôn Hạc Sơn), dịp Tết nào gia đình ông cũng liên tục có 2 bếp hoạt động hết công suất, mỗi ngày làm khoảng gần 6 tạ bột cho ra 3 tạ miến thành phẩm để cung ứng cho thị trường. "Vào vụ Tết, ngoài việc thuê thêm lao động, tôi còn phải tăng thời gian sản xuất mới kịp hàng bán cho các thương lái", ông Phượng nói.

Xuyên đêm làm miến dong, nông dân ở Thanh Hóa thu trăm triệu đồng dịp Tết - 2

Tráng bánh đòi hỏi phải tỉ mỉ và khéo léo để cho ra loại bánh không quá mỏng và không quá dày.

Theo ông Phượng, nguyên liệu sản xuất miến là củ dong riềng. Loại cây này được trồng chủ yếu trên vùng đất đỏ bazan. Sau khi thu hoạch, người trồng dong sẽ cắt bỏ gốc rễ, rửa sạch rồi đem nghiền thành bột. Sau nhiều lần lắng lọc trong các bể chứa, bột đóng thành tảng, trắng tinh, mềm mịn thì có thể dùng làm miến.

Xuyên đêm làm miến dong, nông dân ở Thanh Hóa thu trăm triệu đồng dịp Tết - 3

Toàn xã Cẩm Bình hiện có gần 200 hộ làm nghề miến dong.

"Để làm ra những sợi miến, người thợ phải thực hiện từng công đoạn cầu kỳ, tỉ mỉ. Đặc biệt là khâu tráng bánh được làm hoàn toàn thủ công. Đây là công đoạn quan trọng đòi hỏi người ngồi tráng phải có kinh nghiệm và khéo léo từ việc lấy đủ lượng bột cho đến cách láng đều tay trên mặt nồi với thời gian từ 2-3 phút để sợi miến không quá mỏng cũng không quá dày và chín đều. Từng chiếc bánh vừa tráng sẽ được người thợ đem phơi trên những cây sào trong xưởng.

Xuyên đêm làm miến dong, nông dân ở Thanh Hóa thu trăm triệu đồng dịp Tết - 4
Xuyên đêm làm miến dong, nông dân ở Thanh Hóa thu trăm triệu đồng dịp Tết - 5

Vụ Tết, trung bình mỗi hộ làm được 15-20 tấn miến.

Tại gia đình chị Lô Thị Đan (làng Xăm) cũng đang tất bật với công việc tráng bánh, chị Đan cho biết, hơn 2 tháng nay, ngày nào chị cũng cùng mẹ dậy từ 3h sáng và làm đến tận hơn 23h đêm mới nghỉ. Năm nào cũng vậy cứ sát Tết, hai mẹ con còn thức xuyên đêm.

Người phụ nữ này cho biết, nghề làm miến phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Sợi miến sẽ giòn, dai, đẹp màu, khi nấu sẽ không bị bở nát nếu phơi được nắng.

Xuyên đêm làm miến dong, nông dân ở Thanh Hóa thu trăm triệu đồng dịp Tết - 6

Nghề làm miến dong mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

"Nghề làm miến những ngày này tuy mệt nhưng mà vui, bởi cứ làm xong là có thương lái đến thu mua. Tuy vất vả trong mấy tháng cuối năm nhưng thu nhập khá, hàng bán vào vụ Tết, trừ hết chi phí cũng lãi hơn 100 triệu đồng", chị Đan cho biết.

Gia đình anh Lê Văn Phi (làng Xăm) lại đến với nghề làm miến dong theo một cách khác. Nghề chính của mấy bố con anh là làm thợ mộc nhưng đến dịp cuối năm lại chuyển sang làm miến. Mỗi vụ Tết, gia đình anh xuất bán ra thị trường từ 15-20 tấn miến, trung bình thu nhập từ 100-150 triệu đồng.

Xuyên đêm làm miến dong, nông dân ở Thanh Hóa thu trăm triệu đồng dịp Tết - 7

Miến dong Cẩm Bình được thương lái đưa xe về tận nơi lấy đi.

Theo ông Lê Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình, nghề làm miến là thế mạnh kinh tế mang lại thu nhập cao cho gần 200 hộ dân, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong xã. Năm vừa qua, toàn xã cung ứng gần 500 tấn miến ra thị trường trong tỉnh và các tỉnh khác như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, một số tỉnh thành phía Nam.

"Địa phương đang quy hoạch mở rộng vùng nguyên liệu trong thời gian tới để tạo nguồn cho cơ sở, cung ứng cho hộ dân của địa phương để làm ra sản phẩm chất lượng", ông Đức cho biết thêm.