Xuyên đêm "hít khói", nướng cá đặc sản thu cả tỷ đồng cận Tết

Bình Minh

(Dân trí) - Dù đã tăng công suất gấp đôi từ đầu tháng Chạp thế nhưng vào những ngày cận Tết năm nào, làng cá nướng ở cửa biển Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) cũng không đủ hàng phục vụ khách.

Tăng công suất gấp đôi ngày thường

Những ngày này, cơ sở nướng cá biển của gia đình bà Trần Thị Hóa (SN 1960, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) luôn nhộn nhịp không khí lao động. Người vận chuyển cá từ kho, người mang rã đông, người trực lò nướng… Thời điểm này, ngoài 4 lao động chính, gia đình bà Hóa phải thuê thêm 3 lao động để kịp làm hàng phục vụ Tết.

Theo bà Hóa, những tháng bình thường, gia đình tiêu thụ khoảng 15 tấn cá các loại, thì tháng giáp Tết, sản lượng tiêu thụ tăng hơn gấp đôi, khoảng 40 tấn cá các loại, riêng cá thu lên đến 20 tấn. Để có được số lượng hàng lớn, mỗi ngày lao động làm việc tại gia đình bà Hóa từ 3h sáng đến 22h đêm.

Xuyên đêm

Cá được đưa ra khỏi kho lạnh để mang đi rã đông.

Với kinh nghiệm hàng chục năm làm nghề, từ tháng 11 đến khoảng tháng 2 âm lịch là thời điểm con cá béo, nhiều thịt nhất, đây là cũng là thời điểm chuẩn bị cho vụ xuất hàng lớn nhất trong năm. 

Để nướng những mẻ cá chín đều, thịt bên trong thơm ngọt, người nướng cá phải có sự tỉ mỉ, khéo léo trong từng công đoạn, mỗi thợ lò sẽ có một công thức nướng cá riêng, tạo nên thương hiệu của làng nghề.

Xuyên đêm

Cá được cắt lát để chuẩn bị nướng.

Cũng theo bà Hóa, không riêng gì gia đình bà, cả làng hàng chục hộ làm nghề nướng cá và tăng công suất gấp đôi nhưng cận Tết thường "cháy" hàng.
Cũng như gia đình bà Hóa, chị Nguyễn Thị Thủy (thôn Thắng Lộc, xã Ngư Lộc) cũng đang tất bật với công việc nướng cá. 

Theo chị Thủy, những tháng bình thường, thị trường tiêu thụ chính của gia đình chị Thủy là một số thương lái ở thành phố Thanh Hóa và các huyện lân cận; các nhà hàng, khách sạn lớn… nên sản lượng tiêu thụ duy trì ổn định.

Xuyên đêm

Người lao động sẽ phải làm từ 3h sáng đến 22h đêm mới kịp đơn hàng phục vụ dịp Tết.

Tuy nhiên, vào dịp Tết, nhu cầu mua cá nướng làm quà biếu tăng cao, nên sản lượng tiêu thụ cũng tăng gấp 2 đến 3 lần. Gia đình phải thêm lao động, thêm lò nướng để kịp đơn hàng.

"Dù đã tăng công suất nhưng năm nào ngày cận Tết chúng tôi cũng không nhận đơn nữa vì không có người làm", chị Thủy cho biết. 

"Tết ấm" nhờ nghề nướng cá

Nghề này tuy vất vả, ngày nào cũng lấm lem than khói, làm từ tinh mơ đến tối mịt nhưng mang lại thu nhập ổn định cho các gia đình. Những lao động làm thuê cũng có mức thu nhập khá. Đặc biệt, nhiều lao động ở độ tuổi 50-60, các công ty không nhận nữa nhưng họ vẫn được làm ở các cơ sở nướng cá.

Xuyên đêm

Gia đình nào cũng tăng người lao động để phục vụ nhu cầu hàng cho Tết.

Doanh thu cơ sở cá nướng của gia đình bà Hóa ngày thường rơi vào khoảng 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, tháng cuối cùng của năm, doanh thu lên đến gần 3 tỷ đồng; lương trả cho người lao động cũng tăng từ 5 triệu đồng/tháng lên 8-9 triệu đồng/tháng.

"Gia đình tôi 3 đời làm nghề nướng cá, nghề này giúp cho gia đình có thu nhập ổn định, nuôi con cái học hành và đặc biệt là Tết đủ đầy hơn", bà Hóa nói.

Xuyên đêm

Nghề nướng cá mang lại thu nhập ổn định và giúp các gia đình có một cái Tết ấm hơn.

Chị Nguyễn Thị Hương, một người làm thuê cho một cơ sở nướng cá ở đây chia sẻ: "Ngày Tết đơn hàng tăng nên thời gian làm việc của mình cũng nhiều hơn, thù lao trả cũng cao hơn, gần như gấp đôi tháng bình thường. Vất vả một chút nhưng cả cái Tết trông chờ cả vào nghề này nên cũng phải cố gắng".

Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: "Trên địa bàn xã Ngư Lộc có hàng chục hộ gia đình nghề nướng cá biển. Nghề này không chỉ là nghề mang lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động địa phương, đặc biệt là dịp Tết. Chúng tôi mong thị trường Tết năm nay sẽ khởi sắc, bà con tiêu thụ lượng hàng lớn để bù lại những thiệt hại trong năm do dịch bệnh gây ra".