Xuân yêu thương bằng những thảnh thơi

Hoàng Anh Tú

(Dân trí) - Tết thảnh thơi cho Xuân phơi phới, là buông bỏ thay vì dọn dẹp nhà cửa. Bỏ bớt đi những thứ cũ kỹ lâu rồi không dùng. Đừng ôm hết vào người. Cả nhà cùng chung tay thì dọn bay mấy chốc.

Tôi trở thành đại sứ đồng hành cho chiến dịch Thanh Niên Chuẩn 2022 của TW Đoàn. Chúng tôi cùng nhau xóa bỏ định kiến giới ngay trong dịp Tết Nhâm Dần này bằng thông điệp "Việc Nhà Không Của Riêng Ai".

Nhưng khi bắt tay vào chiến dịch, điều mà tôi cứ nghĩ mãi không phải là 20% đàn ông Việt không đụng tay việc nhà, không phải là cán cân lệch trong việc phụ nữ dùng đến 20,2 giờ mỗi tuần (trong khi đàn ông chỉ dùng 10,7 giờ) để dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, nấu ăn và đi chợ, chăm sóc gia đình và con cái. Mà là một điều khác: Phụ nữ đang tự làm khổ mình và làm khổ nhau vì Tết.

Không chỉ là dịp Tết đâu, mà là nguyên cả 365 ngày trong năm. Nhưng Tết nhất lại trở thành sự bức bối, bức xúc và làm khổ phụ nữ nhất. Bởi không chỉ những định kiến giới xuất phát từ đàn ông như "Phụ nữ phải làm việc nhà", "Tết nhất nhà sạch hay không là từ phụ nữ". "Bếp là nơi của phụ nữ". Mà định kiến giới lại xuất hiện ngay trong phụ nữ với nhau.

Từ những đánh giá, nhận xét của chính phụ nữ. Từ mẹ chồng, chị chồng, chị dâu, bà cô, hàng xóm… Tết thành nơi để đo đếm sự đảm đang của phụ nữ. Tết thành lúc để những phán xét được đưa ra về chuẩn phụ nữ. Và đau đớn thay, tôi nhận ra, từ chính những người phụ nữ đã tự đặt ra chuẩn cho chính mình. Là những tâm sự gửi vào inbox của tôi mỗi ngày về việc "Tại sao chồng em vẫn ngoại tình khi mà em nỗ lực để trở thành một người vợ tốt? Em đã không quản mưa nắng, chẳng ngại khổ, chưa từng bỏ bê nấu nướng, chăm chút nhà cửa, dạy con, kiếm tiền hỗ trợ kinh tế cùng chồng. Đến cả chuyện giường chiếu em cũng không ngại xấu hổ mà đi học thêm để có thể giúp chồng thăng hoa. Vậy mà sao chồng em vẫn có bồ?".

Hay những tâm sự ngày cuối năm của việc Tết này mệt quá. Như tối qua đây thôi, người vợ của tôi, vợ của đại sứ đồng hành về xóa bỏ định kiến giới mà còn than thở: "Tết này nhà mình ăn gì nhỉ? Em nghĩ mãi chưa ra". Buồn chưa?

Xuân yêu thương bằng những thảnh thơi - 1
Tết thảnh thơi cho Xuân phơi phới. Là buông bỏ thay vì dọn dẹp nhà cửa. Bỏ bớt đi những thứ cũ kỹ lâu rồi không dùng (Ảnh minh họa).

Tôi bảo vợ mình, là nói vui nhưng rất thật lòng: "Tết này nhà mình ăn nhau. Chúng mình sẽ ăn hạnh phúc khi ở bên nhau". Là tôi thiết tha mong vợ mình cũng như những người phụ nữ buông gánh nặng Tết xuống để ăn Tết, chơi Tết, thưởng Tết bằng sự thảnh thơi. Là đừng tự tạo ra áp lực cho mình nữa. Tết sẽ phải vui, đừng nhăn trán nghĩ. Tết sẽ phải thảnh thơi, đừng túi bụi tân toan nữa. Đừng phụ nữ nào cố trở thành siêu nhân nữa. Tết đừng thành lê lết. Tết đừng thành chết mệt. Tết đừng thành chết tiệt. 

Tết thảnh thơi cho Xuân phơi phới. Là buông bỏ thay vì dọn dẹp nhà cửa. Bỏ bớt đi những thứ cũ kỹ lâu rồi không dùng. Là hai vợ chồng cùng nhau huýt sáo cùng buông. Là con cái mình cũng là một phần của ngôi nhà, hãy lôi kéo chúng vào. Đừng ôm hết vào người. Cả nhà cùng chung tay thì dọn bay mấy chốc. Là đừng nhìn nhà hàng xóm rồi dậm chân đập tay. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi Tết cơ mà, phỏng ạ? Là cùng nhau vậy!

Tết thảnh thơi cho Xuân phơi phới. Là gỡ bỏ những định kiến trong đầu mình ra đi. Thảnh thơi bắt đầu từ đầu óc. Mặc kệ đi những phán xét dèm pha. Họ đâu đi đôi giày của ta đâu, phỏng ạ? Tết ít tiền cũng đừng phải vay mượn. Ít thì Tết vẫn là Tết. Là lòng ta phải thật Tết. Bằng tất thảy yêu thương trong trái tim giàu có của ta. Áo mới có thể chẳng cần chỉ cần áo sạch, áo thơm. Cỗ bàn là chi nếu bánh chưng ăn cùng âu lo, dưa hành mặn vị nước mắt, bánh kẹo ngọt mà cay xè sống mũi?...

Tết là phải thảnh thơi thì Xuân về mới có thể phơi phới được. Nghe tôi một lần được không? Hãy cho phép mình được hạnh phúc, hỡi những ai đang tân toan những ngày này. Xuân yêu thương, Xuân là của yêu thương, để yêu thương. Xuân đã về trong mắt bạn chưa?