Tại sao phải tiêu vài chục triệu đồng cho một cái Tết?
Tôi rất ngạc nhiên khi các chị em đi chợ Tết mua giò cả cái, mua thịt mấy cân, gà thì 2-3 con.
Kể cả từ khi chưa có dịch bệnh, vợ chồng tôi đã quan điểm chỉ mua đủ ăn, đủ dùng. Năm nay, dịch bệnh cũng không ảnh hưởng gì đến thu nhập của 2 vợ chồng tôi, và như quan điểm cũ, chúng tôi vẫn ăn Tết như mọi năm.
Hai vợ chồng tôi làm việc ở Hà Nội, có 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Mấy năm gần đây, chúng tôi đều ăn Tết ở Hà Nội là chính, đến chiều mồng 3 mới về quê. Nhà nội, nhà ngoại cách nhau chỉ 15km nên qua lại dễ dàng. Đến mồng 5, mồng 6 thì cả nhà rồng rắn trở về Thủ đô đi làm.
Về thực phẩm, đến 30 Tết tôi đi một vòng chợ là xong xuôi. Thậm chí, tôi thấy sắm Tết còn nhàn hơn đi chợ ngày thường. Bởi vì ngày thường tôi hay đi chợ vào cuối tuần để mua đồ ăn cho cả tuần, còn 30 Tết, tôi chỉ mua đủ đồ ăn đến mồng 3 Tết là đã về quê.
Các món ăn Tết tôi ưu tiên các món truyền thống để bọn trẻ hiểu về văn hóa quê hương. Nhưng cũng chính vì không thể ăn mãi những món đó trong vài ngày nên gần như tôi chỉ mua đủ ăn trong khoảng 2-3 bữa. Sang đến ngày mồng 2 là tôi đã đổi bữa cho cả nhà. Có chăng thì còn chút bánh chưng, thịt đông để mọi người ăn thêm.
Ngày xưa, thời các cụ đói khổ, người ta mới háo hức ăn uống, cả tuần vẫn cùng một mâm cỗ ấy mà ăn vẫn thấy ngon. Chứ bây giờ, các món ấy ngày thường có thiếu gì đâu. Thế nên vợ chồng tôi quan niệm chỉ ăn 1 ngày cho con cái biết được ngày Tết thì ăn món gì, chứ không ép bọn trẻ phải ăn đủ thứ thịt thà trong mấy ngày ấy. Đấy là chưa kể mấy ngày về quê, chúng tôi phải ăn theo mọi người, gần như phải ăn món Tết cả ngày rồi.
Chính thế nên tôi rất ngạc nhiên khi các chị em đi chợ Tết mua giò cả cái, mua thịt mấy cân, gà thì 2-3 con. Đúng 3 bữa ăn Tết, kéo dài từ bữa tất niên sang hết ngày mồng 1, tôi chỉ tiêu mất khoảng 1 triệu đồng.
Sang ngày mồng 2, mồng 3, cả nhà đổi sang hải sản, tôm cá ăn như ngày thường. Các món được chế biến cầu kỳ hơn ngày thường một chút vì chúng tôi có thời gian. Vị chi tiền thực phẩm cho mấy ngày Tết của gia đình tôi, tính cả đồ uống, là 3 triệu đồng. Tôi thấy như vậy cũng đã là sang, vì với số tiền đó tôi chọn được toàn đồ ngon, chứ không phải hàng rẻ tiền. Đó cũng là khoản tiền tôi phải chi nhiều nhất cho dịp Tết.
Như tôi nói từ đầu, quan hệ của vợ chồng tôi không nhiều, chỉ có bạn bè cơ quan là chính. Vì thế rất ít khi nhà tôi có khách đến ăn cơm ngày Tết. Mọi người hầu như về quê, hoặc có ghé qua chơi cũng chỉ ngồi uống trà, ăn bánh.
Về trà bánh, tôi dành một buổi tối đi siêu thị là có đủ. Tôi nhớ ngày xưa khi còn nhỏ, quà bánh ít khi có mà ăn nên đến dịp Tết là bọn trẻ con chúng tôi thích mê vì đi đến nhà ai cũng có bánh kẹo. Mẹ tôi ngày ấy mua bánh kẹo mời khách ngày Tết phải mua năm bảy cân, cộng thêm vài cân các loại hạt.
Nhưng bây giờ, khách thì ít, bánh kẹo thì thừa mứa ra, nhà nào cũng có cả. Tôi chỉ mua 2-3 hộp bánh ngon để mời khách, giá không quá 500 nghìn, như thế vừa ngon lại vừa đủ dùng.
Hoa chơi Tết nhà tôi cũng không thiếu thứ gì. Tôi thường đi chợ hoa vào chiều 29 để chọn được hoa tươi, đẹp. Chợ hoa năm nào cũng đầy ắp hàng, rất dễ mua, đắt rẻ có cả. Tôi chi ngân sách cho tiền hoa là 1 triệu đồng, trong đó mua đào hoặc quất chỉ 500-700 nghìn, còn lại là mua một bó hoa đẹp cắm phòng khách và một bó cúc cắm bàn thờ.
Như vậy, tất cả các khoản sắm Tết của gia đình tôi mới có 4,5 triệu đồng. Cộng thêm 2 triệu tiền mừng tuổi, biếu ông bà nội ngoại mỗi bên 3 triệu, tính cả chi phí phát sinh là tổng cộng tôi chi hết 13 triệu đồng cho một cái Tết đầy đủ.
Tôi thấy trên mạng xã hội có người dự trù các khoản như biếu bố mẹ, lì xì tới 10-20 triệu đồng. Theo tôi, cái này tùy hoàn cảnh gia đình và điều kiện kinh tế mỗi người, không có sai đúng ở đây.
Bố mẹ tôi ở quê chi tiêu không nhiều, vợ chồng tôi thu nhập cũng không cao, nhà tôi có 3 anh chị em. Nên tôi thấy mỗi anh em biếu ông bà vài ba triệu là đủ để ông bà đi chợ mua sắm. Còn lại, ngoài Tết, chúng tôi vẫn có trách nhiệm với bố mẹ, chứ không phải đến ngày Tết mới làm việc đó. Tôi nghĩ khoản tiền đó chủ yếu là để bố mẹ tôi vui khi biết công việc của con cái vẫn ổn.
Tóm lại, theo tôi, ngày Tết vẫn là ngày sum họp gia đình và nghỉ ngơi là chính. Gia đình nào có điều kiện thì chi nhiều, gia đình nào khó khăn hơn thì cũng vẫn có nhiều lựa chọn. Đừng tự gây áp lực cho mình bằng cách đua đòi theo nhà người ta.
Theo Vĩnh Hà
Vietnamnet