An Giang:

Tết Nhâm Dần nghe chuyện ông Hổ trấn giữ Thiên Cấm Sơn

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Bao đời nay, người dân ở núi Cấm (An Giang) vẫn lưu truyền câu chuyện về "ông Hổ". Người dân địa phương cho biết hổ ở núi Cấm là hổ lành và rất linh thiêng nên đã lập bàn thờ.

Thiên nhiên đã ban tặng cho An Giang rất nhiều ngọn núi lớn nhỏ, một trong số đó phải kể đến núi Cấm hay còn gọi là Thiên Cấm Sơn (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), nơi được mệnh danh là "nóc nhà" của miền Tây. 

Tết Nhâm Dần nghe chuyện ông Hổ trấn giữ Thiên Cấm Sơn - 1

Toàn cảnh Thiên Cấm Sơn, nơi được mệnh danh là nóc nhà của miền Tây (Ảnh: Bảo Kỳ).

Tết Nhâm Dần nghe chuyện ông Hổ trấn giữ Thiên Cấm Sơn - 2

Trong số những huyền tích được lưu truyền hậu thế có hang Bạch Hổ (hang ông Hổ) tọa lạc ở Vồ Thiên Tuế còn ẩn chứa nhiều câu chuyện chưa có lời giải đáp (Ảnh: Bảo Kỳ).

Dân gian truyền lại, lúc xưa Thiên Cấm Sơn có tên là núi Gấm vì núi rất đẹp nhưng do núi hiểm trở, âm u chướng khí, nhiều thú dữ không ai dám đến nên có tên gọi là núi Cấm. 

Hang ông Hổ ở Thiên Cấm Sơn (Clip. Bảo Kỳ).

Theo lời kể của người dân địa phương, ở Vồ Thiên Tuế còn có đến 3 hang hổ, trong đó một hang nằm dưới bờ vực sâu là hang Bạch Hổ, một hang ở ngay nhà lão đạo sĩ Ba Lưới và hang còn lại ở điện Bát Tiên. Trong đó hang Bạch Hổ được nhiều người đến cúng viếng nhất.

Tết Nhâm Dần nghe chuyện ông Hổ trấn giữ Thiên Cấm Sơn - 3

Hang ông Hổ không sâu, những tảng đá lớn sắp chồng chéo lên nhau tạo thành một miệng hang ngang chừng 1 m, hang sâu khoảng 6 m đủ cho một người lớn chui vào (Ảnh: Bảo Kỳ).

Phía đông bắc vồ Thiên Tuế có rất nhiều phiến đá dựng cheo leo. Từ đỉnh vách đá này đến triền dốc nơi có hang ông Hổ cao đến hàng chục mét. Ngay trước miệng hang có tượng của Bạch Hổ bệ vệ ngồi trấn ải. Hang ông Hổ không sâu, những tảng đá lớn sắp chồng chéo lên nhau tạo thành một miệng hang ngang chừng 1m, hang sâu khoảng 6 m đủ cho một người lớn chui vào. Nhiều người kể rằng, đáy hang chính là nơi để Bạch Hổ ngủ nghỉ, về sau được người dân lập bàn thờ lo hương khói. 

Tết Nhâm Dần nghe chuyện ông Hổ trấn giữ Thiên Cấm Sơn - 4

Nghe kể rằng, đáy hang chính là nơi để bạch hổ ngủ nghỉ, về sau được người dân lập bàn thờ lo hương khói (Ảnh: Bảo Kỳ).

Ông Hồng Văn Minh (56 tuổi, ngụ ở Vồ Thiên Tuế) kể, xưa kia hổ trên núi nhiều vô số kể nhưng đều là hổ tu không làm hại mà còn bảo vệ con người. Trong đó có hai con hắc hổ (hổ đen) và một con bạch hổ (hổ trắng) là chúa sơn lâm trên núi Cấm. 

Cách núi Cấm không xa, một ngọn núi khác là núi Bà Đội có con hạm tinh ngoại hình giống như hổ, tác oai tác quái chuyên ăn thịt người, xác chết, thịt thối, được coi là chúa tể của núi này.

Một ngày nọ hạm tinh mò sang lãnh địa núi Cấm làm hại người dân thì gặp ngay song hổ, trận chiến diễn ra ác liệt chỉ chưa đầy nửa tiếng con hạm tinh đã bị giết chết và đẩy xuống chân núi. Từ đó, núi Cấm trở lại yên bình vốn có. 

"Núi Cấm vốn là lãnh địa của ông Hổ nhưng sau này người dân đến sinh sống nhiều, không còn yên tĩnh ông Hổ đi đâu cũng không ai biết. Từ vết tích của ông để lại người dân mới lập miếu thờ, tạc tượng để cảm ơn ông Hổ đã bảo vệ yên bình cho muôn dân bá tánh", ông Minh nói thêm. 

Tết Nhâm Dần nghe chuyện ông Hổ trấn giữ Thiên Cấm Sơn - 5

Bàn thờ Bạch Hổ (Ảnh: Bảo Kỳ).

Theo ông Minh, ngày trước con đường xuống hang ông Hổ khá khó đi, người dân phải len lỏi trên vách đá, bám thật chắc mới xuống đến nơi viếng ông.

Sau này, do có nhiều khách hành hương đến tham quan, cúng viếng hang Bạch Hổ nên đã được xây dựng các bậc thang dẫn từ đầu dốc cao xuống miệng hang. Xung quanh mỏm đá được làm hàng rào che chắn, ngoài ra người dân còn thờ thêm Quan âm bồ tát cho khách hành hương đến cúng viếng. 

"Trừ lúc dịch bệnh không có người lui tới, ngày thường có đến cả trăm khách từ các tỉnh đổ về thắp hương, cầu nguyện. Đặc biệt, từ dạo ra Giêng đến vía Bà khách đến còn dập dìu hơn nữa, người dân phải xếp hàng chờ tốp này cúng xong thì tốp khác mới vào được", ông Minh bộc bạch. 

Tết Nhâm Dần nghe chuyện ông Hổ trấn giữ Thiên Cấm Sơn - 6

Người dân quét dọn, làm vệ sinh giữ cho hang ông Hổ luôn khang trang (Ảnh: Bảo Kỳ).

Bên cạnh câu chuyện ông Hổ làm thần giữ cửa, tại đây người dân còn lưu truyền nhiều câu chuyện về loài hổ khiến hang Ông Hổ trở nên linh thiêng thu hút du khách thập phương đến tham quan, cúng viếng.