Quảng Nam:
Nghề dọn "nhà" cho người đã khuất tất bật ngày cuối năm
(Dân trí) - Hàng năm, cứ tháng Chạp âm lịch, những người làm nghề tảo mộ thuê lại bắt đầu vào mùa. Công việc thời vụ đã giúp họ có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống trong những ngày Tết.
Mùi nhang đặc quánh nghi ngút từ hàng nghìn ngôi mộ trong khu nghĩa trang thuộc phường Điện Nam Đông (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) những ngày cuối năm Tân Sửu.
Cùng với thân nhân người đã khuất, những người tảo mộ thuê, dọn dẹp, sơn sửa làm mới "nhà" cho người quá cố mỗi dịp Tết nguyên đán tất bật những ngày nhiều việc nhất năm.
Người tảo mộ thuê ở đây chủ yếu là người dân địa phương, một số ở các xã lân cận tìm đến đây để kiếm thêm thu nhập lo Tết sắp đến. Do nhà gần nên cũng không tốn tiền thuê trọ, làm từ 7h sáng đến 17h chiều thì về, bữa trưa, ăn ngay tại nơi làm việc.
Đa phần người tảo mộ thuê là thợ xây mộ hoặc làm các công việc dịch vụ ở khu nghĩa trang, cũng có người làm nông, cận Tết tìm thêm công việc có nhu cầu nhân công cao này để có thêm thu nhập.
Nhóm tảo mộ thuê của ông Nguyễn Văn Thành (66 tuổi, Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn) gồm 8 người, mỗi người một nhiệm vụ khác nhau người quét vôi, người cọ rêu, chùi rửa, người nhổ cỏ... mỗi người một việc.
Sau khi nhận việc, ông sẽ phân công lao động cho từng người cụ thể, tùy theo khả năng và sức khỏe. Theo ông Thành, các nhóm lớn như ông thường sẽ nhận theo khu (mỗi khu thường có từ 30-50 mộ phần), hoặc theo gia tộc. Đa phần là mối quen, làm năm này thì năm sau họ sẽ gọi tiếp, không ai tranh giành với ai cả.
Ông Thành cho hay, mọi người làm ở đây đều phải giữ chữ tín, không được làm ẩu, quét cẩn trọng, dọn dẹp sạch sẽ, chu đáo. Ai cũng tâm niệm mình sống là nhờ phúc của người âm, nên ai cũng phải cố gắng làm cẩn thận, tỉ mỉ. "Mình đã nhận của họ mà làm ẩu thì tội lắm, vừa có lỗi với người sống mà quan trọng là cả với người đã khuất", ông Thành tâm sự.
Những người làm nghề tảo mộ thuê chia sẻ, chăm mộ không chỉ là nghề giúp họ kiếm tiền trang trải cuộc sống mà còn là một công việc mang nhiều ý nghĩa tâm linh.
Nghĩa trang Điện Nam có tới cả vạn ngôi mộ, nhìn từ xa, nghĩa trang như một ma trận, người nào không có trí nhớ tốt sẽ khó mà tìm ra mộ phần nhà mình. Ấy vậy mà chỉ cần nói ra tên gia tộc, địa chỉ quê quán..., những người ở đây sẽ biết ngay vị trí mộ phần nằm ở đâu.
"Chúng tôi nắm bản đồ nghĩa trang trong lòng bàn tay, dù ở đây như ma trận vậy, có khi con cháu người quá cố về thăm còn chẳng tìm ra. Chúng tôi làm việc này rất quan trọng việc tâm linh, đặc biệt phải tôn kính người đã khuất mới có thể làm ăn lâu dài được", ông Tâm nói thêm.
Những người tảo mộ ở đây không chia theo khu vực như những nơi khác, ai đến trước nhận trước, ai đến sau thì sang khu vực khác tìm việc. Chủ thuê đa phần là những người làm ăn xa quê không về kịp tảo mộ tổ tiên, ông bà trước Tết.
Công tảo mộ thuê được trả từ 400.000 - 600.000 đồng; công quét vôi một mộ lớn là 100.000 đồng/mộ, nếu nhiều mộ trong cùng một khu vực thì tiền công khoảng 60.000 - 70.000 đồng/mộ, mộ nhỏ giá từ 30.000 - 40.000 đồng/mộ.
Tiền kẻ bia, khắc lại tên thì tính giá khác, tùy theo kích thước từng bia mà có giá từ 50.000 - 100.000 đồng/mộ; nếu chỉ vẽ lại chữ thì có giá từ 50.000 đồng/mộ. Đổ cát thì tùy theo độ nông sâu của mộ mà có giá từ vài trăm nghìn đồng, có khi tiền triệu.
Anh Lê Văn Núi (41 tuổi) ngày thường nhận xây mộ phần, đến dịp cận Tết thì anh đứng ra nhận thêm các mối quét dọn mộ phần rồi phân việc cho khoảng 10 người trong nhóm.
"Ảnh hưởng Covid-19, nhiều người mất việc, dịp Tết lại đổ về đây để tảo mộ thuê. Tiền công một ngày tầm 400.000 đồng/người, cũng đủ trang trải sắm tết. Làm nghề này cũng lắm nhiêu khê, có khi làm xong còn bị quỵt tiền là chuyện thường, chẳng biết tìm ai đòi, vì toàn liên hệ thương lượng qua điện thoại, người này lại đổ người kia", anh Núi cho hay.
Thu nhập từ công việc thời vụ này cũng kiếm được ít tiền tiêu Tết nên nhiều người tâm niệm, công việc của họ cũng là nhờ vào những người đã khuất, nên họ luôn sẵn sàng quét dọn lại những khu mộ không người thăm viếng, như một cách làm việc thiện với cái nghề mình sẵn có.
Bà Nguyễn Thị Sáu (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) đang lau dọn sạch sẽ những phần mộ vừa được quét vôi mới xong chia sẻ: "Tôi làm công việc này cũng lâu rồi, từ hồi nghĩa trang còn ít mộ, giờ thì nhiều quá rồi. Nhiều mộ phần có người chăm lo, nhưng nhiều mộ để hoang nhiều năm, cỏ mọc um tùm, thấy tội nên sau khi xong việc chúng tôi cố gắng dành ít thời gian chăm sóc những mộ phần này".