Thanh Hóa:

Làng đúc đồng đỏ lửa xuyên đêm phục vụ Tết

Bình Minh

(Dân trí) - Năm nào cũng vậy cứ vào dịp cận Tết, làng đúc đồng Trà Đông lại nhộn nhịp hẳn lên. Để cung ứng ra thị trường số lượng lớn đồ lưu niệm, đồ thờ, nhiều lò đúc phải xuyên đêm đỏ lửa.

Làng nghề trăm năm tuổi

Cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 12km về phía Tây có làng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa là một vùng đất giàu truyền thống với nghề đúc đồng nổi tiếng. Dân làng không rõ nghề đúc đồng có từ thời điểm nào cụ thể.

Theo truyền thống, vào cuối thời Tiền Lê, đầu thời Lý, vị Thái sư Không Lộ, tự Minh Không sau khi từ Trung Quốc về, ngài cùng hai đồ đệ họ Vũ đi khắp nơi tìm đất làm khuôn đúc đồng.

Làng đúc đồng đỏ lửa xuyên đêm phục vụ Tết - 1

Để có một sản phẩm ra đời, người làm nghề phải thực hiện nhiều công đoạn.

Khi đến Trà Sơn Trang (Trà Đông) ngài mới tìm được đất tốt, đem về vùng Lâm Trúc Sơn (Hà Nội) để đúc bộ tứ khí gồm: Tháp Bảo Thiên, vạc Minh Đỉnh, tượng Quỳnh Lâm, chuông Phả Lại. Sau đó ngài cho 2 đồ đệ về Trà Sơn Trang mở lò truyền nghề đúc cho dân. Do đó, dân làng có câu ca: "Đất họ Lê - nghề họ Vũ", có ý nói rằng vùng đất do họ Lê khai phá, nghề do họ Vũ truyền lại.

Trải qua bao thăng trầm, hiện làng nghề đúc đồng truyền thống Trà Đông đang duy trì 25 lò đúc lớn, ngoài mang lại phần lớn nguồn thu cho ngân sách của xã còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động thường xuyên.

Làng có 4 nghệ nhân được Chủ tịch nước công nhận là nghệ nhân ưu tú gồm: Nghệ nhân Lê Văn Bảy, Nguyễn Bá Châu, Lê Văn Dương và Đặng Ích Hoàn. Các nghệ nhân này đã góp công phục dựng, làm sống lại và phát triển làng nghề đúc đồng cổ truyền.

Làng đúc đồng đỏ lửa xuyên đêm phục vụ Tết - 2

Dịp cận Tết, các lò đúc làm việc xuyên ngày đêm.

Những sản phẩm đúc đồng nổi bật do những nghệ nhân làng Trà Đông tạo ra như: Trống đồng với phiên bản và hoa văn Ngọc Lũ năm 2000; trống đồng có kích thước lớn nhất Việt Nam với đường kính mặt trống 1,51m, cao 1,21m năm 2007; đến chiếc trống đồng phiên bản Ngọc Lũ được xem là lớn nhất thế giới nặng khoảng 8 tấn, cao 2m, đường kính mặt trống 2,7m năm 2013...

Theo nghệ nhân ưu tú Lê Văn Bảy, nghề đúc đồng đã có từ rất lâu và hiện nay các nghệ nhân của làng đang cố gắng để duy trì được như các cụ ngày xưa. Mọi sản phẩm được làm thủ công, phải giữ được cái hồn như xưa, từ chất liệu cho đến kiểu dáng. Đúc đồng có rất nhiều công đoạn nhưng mà cái quan trọng nhất là họa tiết hoa văn và khuôn đất.

Xuyên đêm phục vụ Tết

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu là người đầu tiên trong cả nước đúc thành công chiếc trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống. Gần 40 năm làm nghề ông được xem như người giữ hồn trống đồng của làng.

Làng đúc đồng đỏ lửa xuyên đêm phục vụ Tết - 3

Để làm sản phẩm cho dịp Tết, các lò phải chuẩn bị nguyên liệu từ tháng 10 Âm lịch.

Những ngày giáp Tết, làng đúc đồng Trà Đông bận rộn, tất bật hơn bao giờ hết, những lò đúc luôn đỏ lửa suốt đêm ngày.

Mặt hàng phục vụ nhu cầu Tết sẽ được chuẩn bị và làm từ giữa tháng 10 Âm lịch. Các sản phẩm ở đây không chỉ bảo đảm về chất lượng, độ bền, còn phong phú mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng khó tính nên được thương lái khắp nơi trong cả nước tìm về đặt hàng.

Theo các nghệ nhân, để có một sản phẩm, người làm nghề phải thực hiện nhiều công đoạn. Công việc này không chỉ đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ mà người thợ còn phải có sức khỏe, sự chịu khó, chịu khổ. Các sản phẩm được bán chạy vào dịp Tết như đồ lưu niệm, trống đồng dùng làm quà tặng, biếu hay đồ thờ cúng như lư hương, đài đựng nước, chân đèn, quả bồng…

Làng đúc đồng đỏ lửa xuyên đêm phục vụ Tết - 4

Trống đồng là mặt hàng được khách chọn nhiều để làm quà biếu, tặng dịp Tết.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu cho biết: "Trung bình mỗi tháng cơ sở đúc đồng của gia đình ông sản xuất được hơn 30 sản phẩm tùy theo đơn hàng. Càng về cuối năm số lượng khách đặt hàng càng tăng".

Bình thường, lò đúc đồng của gia đình ông tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức lương 8-10 triệu đồng. Những ngày cận Tết, ông phải huy động thêm một số nhân công thời vụ nữa mới kịp các đơn hàng cung ứng cho Tết.

"Trong quy trình làm trống để có âm vang gồm nhiều yếu tố, người thợ phải biết phân chia khoảng cách, độ dày, độ mỏng của mặt trống. Quan trọng nữa là kỹ thuật pha chế chất đồng sao cho vừa già và cứng. Bên cạnh đó, phải làm sao cho mặt trống có lực đàn hồi, lúc mình gõ vào mặt trống thì nó sẽ tạo thành độ rung", nghệ nhân Châu chia sẻ.

Làng đúc đồng đỏ lửa xuyên đêm phục vụ Tết - 5

Đồ thờ cúng cũng được làm nhiều trong dịp Tết Nguyên đán.

Nhờ sự đam mê, tâm huyết của các nghệ nhân, trải qua bao thăng trầm, nghề đúc đồng truyền thống của làng Trà Đông vẫn phát triển cho đến hôm nay. Những chiếc trống đồng, cồng chiêng, tượng đồng, đồ thờ tự... hội tụ nét đẹp văn hóa nghệ thuật và tinh hoa của nghề đúc đồng cổ truyền.

Nơi đây những nghệ nhân tài hoa và tâm huyết đã làm nên linh hồn cho một mảnh đất giàu truyền thống, khẳng định sức sống của một làng nghề nổi tiếng xứ Thanh.