Bình Định:

Làng bánh tráng rộn ràng từ 3h sáng, "chạy đua" với Tết

Doãn Công

(Dân trí) - Giáp Tết, người dân làng bánh truyền thống Trường Cửu ở đất võ Bình Định thức dậy từ 2-3h sáng hàng ngày, tranh thủ từng hôm nắng to mang bánh ra phơi để kịp bán.

Những ngày đầu tháng Chạp, không khí tại làng bánh truyền thống Trường Cửu (xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, Bình Định) vô cùng tất bật. Hàng trăm lò bánh đỏ lửa, hoạt động hết công suất, "chạy đua" với thời gian để có sản phẩm cung ứng ra thị trường dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Làng bánh tráng rộn ràng từ 3h sáng, chạy đua với Tết - 1

Làng bánh tráng truyền thống Trường Cửu, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định "chạy đua" vào vụ Tết.

Ông Lê Thị Mi (71 tuổi, thôn Trường Cửu, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn) cho hay, hiện thôn Trường Cửu có hàng trăm hộ dân vẫn duy trì làm bánh tráng bằng phương pháp thủ công. Để có bột tráng bánh, từ chiều hôm trước đã lo ngâm gạo, 2-3h sáng hôm sau thức dậy xay bột.

Làng bánh tráng rộn ràng từ 3h sáng, chạy đua với Tết - 2

Bà Lê Thị Mi (71 tuổi, thôn Trường Cửu) là một trong nhiều hộ vẫn làm bánh theo thủ công.

Gạo dùng để tráng bánh được mua tại địa phương, còn mì (sắn) đã qua sơ chế dùng để trộn vào gạo tráng bánh để bánh tráng có độ dẻo, không bị nứt được lấy từ An Khê (tỉnh Gia Lai).

Làng bánh tráng truyền thống ở Bình Định "chạy đua" vào vụ Tết

Theo bà Mi, sáng tinh mơ chồng bà dậy xay bột, còn bà lo nhóm bếp lửa, nấu sôi nồi đồng đầy nước (còn gọi là nồi bảy), trên miệng nồi căng một tấm vải. Nước sôi, người thợ tráng bánh múc từng gáo bột đổ lên trên tấm vải, dùng chiếc gáo trải đều bột thành hình tròn rồi đậy nắp vung lại. Hơi nước làm chín bột thành chiếc bánh, sau đó người thợ khéo léo dùng cây đũa tre lớn lấy bánh trải lên vỉ tre rồi đem đi phơi nắng.

"Làm theo cách này, hộ nào tráng nhiều lắm mỗi ngày được 1.000 - 1.500 bánh/ngày, nên lời lãi ít lắm. Cứ 2 - 3h sáng, vợ chồng lụi hụi thức dậy làm bánh mà lãi chẳng bao nhiêu, lấy công làm lời thôi. Lứa tuổi như vợ chồng tôi ở làng này họ nghỉ hết rồi, nhưng vợ chồng tôi vẫn làm quanh năm suốt tháng. Các con tôi lại ủng hộ cho làm nhưng ít lại, vì giờ nghỉ làm cứ ngồi ôm ti vi xem thì lại sinh bệnh tật", bà Mi chia sẻ.

Làng bánh tráng rộn ràng từ 3h sáng, chạy đua với Tết - 3

Những hộ làm bún bằng máy phải tăng cường nhân công để làm kịp phục vụ thị trường Tết.

Làng bánh tráng rộn ràng từ 3h sáng, chạy đua với Tết - 4

Làm bánh bằng máy năng suất gấp nhiều lần so với tráng thủ công.

Bà Mi chia sẻ thêm, bánh tráng làm thủ công được khách hàng rất chuộng, nhu cầu rất lớn, đặc biệt là những bạn hàng rất cần vào dịp Tết. "Khách hàng địa phương mua cũng nhiều, trong khi bạn hàng thân quen đặt, nhưng cũng không đủ sức mà làm", bà Mi nói.

Ngoài làm bánh tráng theo thủ công, hiện ở làng nghề bánh tráng truyền thống Trường Cửu, một số hộ đầu tư máy móc, sản xuất hàng loạt để cung ứng thị trường trong và ngoài tỉnh.

Làng bánh tráng rộn ràng từ 3h sáng, chạy đua với Tết - 5

Tranh thủ ngày nắng, người dân làng nghề tăng tốc làm bánh.

Anh Bùi Hiếu Dũng (47 tuổi, thôn Trường Cứu, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn) cho hay, ngày trước, gia đình làm bằng thủ công, vừa cực khổ nhưng ngày lời lãi chẳng được bao nhiêu. Nay anh mạnh dạn chi cả trăm triệu đồng đầu tư dây chuyền làm bánh, năng suất rất cao.

Theo anh Dũng, ngày thường gia đình anh làm khoảng 50 - 100 kg gạo và chỉ 3 nhân công để làm bánh. Nhưng những ngày cận Tết Nguyên đán, gia đình làm số lượng gạo 150 - 200 kg, nhân công cũng tăng lên 5-6 người.

"Nhu cầu thị trường dịp Tết tăng cao, nhưng thời tiết năm nay mưa nhiều nên làm bánh không được, có mẻ bánh làm ra gặp mưa bị hư hỏng. Về giá bánh cũng giữ mức bình ổn 700 đồng/chiếc", anh Dũng nói.

Làng bánh tráng rộn ràng từ 3h sáng, chạy đua với Tết - 6

Làm bánh thủ công đòi hỏi người thợ phải khéo léo.

Làng bánh tráng rộn ràng từ 3h sáng, chạy đua với Tết - 7

Bà Lê Thị Mi gắn bó với nghề làm bánh từ thời con gái.

Làng bánh tráng rộn ràng từ 3h sáng, chạy đua với Tết - 8

Thợ bánh chỉnh sửa lại những chiếc bánh bị lỗi không nằm phẳng trên mặt vỉ tre.

Bà Nguyễn Thị Vinh Hằng - Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc - cho hay, hiện nay, địa phương đang từng bước tạo điều kiện để các hộ tráng bánh truyền thống Trường Cửu tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao sản lượng bánh hàng ngày, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho bà con làng nghề.

Xã Nhơn Lộc cũng tranh thủ các dự án khuyến công để bà con tiếp cận mua sắm máy móc, dây chuyền làm bánh để số lượng hộ tráng bánh bằng máy nhiều hơn, sản lượng bánh sản xuất hàng ngày, hàng tháng nhiều hơn.

Đồng thời, tranh thủ qua các kênh để hỗ trợ làng nghề quảng bá được sản phẩm bánh tráng truyền thống, ngon có tiếng ở địa phương. Từ đó, tạo điều kiện cho sản phẩm bánh tráng Trường Cửu được nhiều thị trường biết đến, giúp bà con có đầu ra ổn định và bền vững.