Vắng thương lái, người trồng mai ở thủ phủ lớn nhất miền Trung lo mất Tết
(Dân trí) - Chưa bao giờ người trồng mai ở thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) - nơi được mệnh danh là thủ phủ mai vàng lớn nhất miền Trung - thấp thỏm như năm nay.
Ghi nhận của PV Dân trí những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cận kề, các làng mai tại thị xã An Nhơn (Bình Định) vẫn vắng bóng thương lái tìm về tham khảo giá cả để mua mai như hàng năm. Người trồng mai thấp thỏm như ngồi trên đống lửa. Sốt ruột, nhà vườn phải tự thuê đất, đưa mai lên dọc hai bên quốc lộ 1A để bán cho hành khách tuyến Bắc- Nam.
Bà Võ Thị Trang (49 tuổi, thôn Trung Định, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn) cho hay, thời điểm này năm ngoái, thương lái khắp nơi tìm về tận vườn để mua mai đi bán nhưng năm nay rất ít. Vì vậy, nhà vườn đổ xô lên quốc lộ 1A thuê đất, dựng lều bán vớt vát vớt được đồng nào hay đồng đó.
"Chưa năm nào như năm nay. Các năm trước, chỉ cần gửi hình ảnh qua facebook, zalo, thương lái đồng ý sẽ chuyển tiền cọc, tới ngày đến chở mai đi rồi thanh toán hết tiền. Năm nay, đến thời điểm này vẫn rất ít thương lái đến các nhà vườn hỏi mua", bà Trang chia sẻ.
Theo bà Trang, gia đình thuê đất bên quốc lộ 1A để bày bán đã 6 ngày nay, nhưng mới bán vỏn vẹn được 5 chậu mai. Hiện chồng bà còn thuê thêm một lô ven quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước) để bán mai, với hi vọng có tiền lo sắm Tết.
Cách đó vài mét, anh Nguyễn Quốc Phong (36 tuổi, thôn Trung Định) đưa mai lên quốc lộ 1A cũng đã 4 ngày qua, nhưng mới bán được 4 chậu mai.
"Năm ngoái tôi bán giá 600.000 - 700.000 đồng/chậu, nhưng năm nay giảm chỉ còn 450.000 - 500.000 đồng/chậu. Vậy mà khách xe Bắc - Nam đi ngang xuống trả giá 300.000 đồng rồi đi. Họ nghĩ dịch bệnh bán phải rẻ mà không nghĩ người nông dân trồng, chăm sóc được cây mai 4-5 năm tuổi cực khổ thế nào. Trong khi tiền thuê mặt bằng cũng tăng, giá phân bón, thuốc sâu, công lao động đều tăng", anh Phong nói.
Chị Nguyễn Thị Nga (40 tuổi, người trồng mai ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An) cho hay, giờ này mọi năm, những tuyến đường về làng mai Nhơn An đều kẹt cứng. Nhiều nhà vườn cự cãi, tranh giành nhau cũng vì đường đi, nhưng năm nay chống trơn.
"Dịch bệnh khó khăn tiền ăn còn không có thì tiền đâu để mua mai về chơi, tâm lý mình cũng vậy thôi. Vậy nên nhà vườn chấp nhận bán rẻ hơn, nhưng hiện vẫn rất ít người mua. Hiện, có nhà vườn bán cũng lai rai nhưng có người đến giờ vẫn chưa bán được cây nào", chị Nga nói.
Theo chị Nga, nhà nông cực lắm, trồng cây gì cũng vậy thôi chứ chẳng riêng trồng mai. Nuôi được cây mai đến lúc bán cực lắm, nên chỉ mong bán được giá, song không được giá cũng phải bán để có tiền đầu tư, chi phí tiền phân, thuốc mua…
May mắn vừa được khách ở Hà Nam mua 150 gốc mai, anh Đặng Văn Toàn (46 tuổi, thôn Háo Đức) cho hay, thời điểm này, dù chưa phải là chính thức nhưng theo dự đoán của người dân thì số lượng người buôn giảm khoảng 50%, việc buôn bán so với mọi năm rất chậm.
"Giá bán mai năm nay cũng giảm hơn, trong khi vật giá đều tăng. Nếu tính lợi nhuận chắc chắn không có lời lãi gì, chẳng qua nhà nông bỏ công làm lời. Tôi hy vọng trong vài ngày tới thương lái sẽ về mua nhiều hơn để người trồng mai có cái Tết vui vẻ", anh Toàn chia sẻ.