Lạ lùng nghề "trang điểm" cho cây kiểng hốt bạc triệu mùa Tết
(Dân trí) - Công việc sửa cây kiểng hoạt động quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất vào thời điểm Tết. Với các nghệ nhân hoặc thợ sửa kiểng có thể kiếm từ vài triệu đến cả chục triệu đồng khi sửa xong một cây.
Muôn hình vạn trạng loài hình kiểng
Dịp Tết cũng là thời điểm ăn nên làm ra của các thợ sửa cây kiểng. Để có được những tác phẩm ấn tượng, ngoài chủng loại và tuổi thọ của cây còn phụ thuộc vào tay nghề chỉnh sửa của các nghệ nhân.
Ông Nguyễn Phước Lộc- nghệ nhân có hơn 30 năm kinh nghiệm chơi và sửa kiểng ở TP Sa Đéc (Đồng Tháp) cho biết, người làm nghề sửa kiểng chia làm hai nhóm, một nhóm chuyên sửa kiếng bông, kiểng trái, kiểng thú, kiểng hình và các loại kiểng trang trí.
Nhóm còn lại là những nghệ nhân chuyên về cây cảnh nghệ thuật như bonsai, kiểng cổ, tiểu cảnh... Nhóm này đòi hỏi phải có tay nghề cao, có trình độ chuyên môn vững vàng, và những kiến thức nhất định về đặc tính sinh thái của từng loại cây.
"Trên thị trường có nhiều loại kiểng nhưng thịnh hành nhất là bonsai và kiểng cổ. Nhưng năm nay người đam mê kiểng còn thích kiểng theo dạng tự nhiên chưa hoặc ít chỉnh sửa", ông Lộc cho hay.
Theo lý giải của ông Lộc, bonsai là loại cây cảnh nghệ thuật được trồng trong chậu, khe đá, tảng đá, được cắt tỉa, uốn nắn từ rễ, thân, cành cho đến ngọn, tạo dáng như những cây cổ thụ thu nhỏ, "bắt chước" như cây ngoài thiên nhiên với dáng dấp, hình thái ấn tượng, bố cục hài hòa. Các hình dáng thường thấy ở cây bonsai là dáng trực, dáng nghiêng, dáng xiên và dáng thác đổ.
Còn về kiểng cổ, loại kiểng này đòi hỏi tạo hình "chiết chi nhị diện" (nhánh chĩa 2 mặt phải, trái)... Riêng về kiểng tự nhiên người chơi thường chú trọng đến các tiêu chí như kích thước, đế, rễ, chi…chưa hoặc ít chỉnh sửa.
Trong quá trình uốn sửa, tạo dáng một cây kiểng, các nghệ nhân không những có bàn tay khéo léo, có tư duy nghệ thuật mà còn phải có kỹ thuật cắt tỉa, đục đẽo, quấn dây... để biến một cây kiểng rừng, kiểng thô thành một tác phẩm có giá trị về nghệ thuật và kinh tế.
"Một tác phẩm phải qua nhiều bước chỉnh sửa mất từ vài năm đến chục năm mới hoàn thiện. Nhiều cây kiểng thô qua bàn tay của nghệ nhân có thể có giá lên hàng tỷ đồng", nghệ nhân Nguyễn Phước Lộc tiết lộ.
Sống trong nghề "thổi hồn" vào cây cối hơn ba thập kỷ, đến nay ông Lộc đã tạo hình và sưu tầm được hơn 2.500 tác phẩm trong đó có 1.000 cây kiểng cổ và 1.500 cây bonsai, có 5 cây đạt kỷ lục quốc gia.
"Tôi sưu tầm phôi cây về chỉnh sửa, tạo hình để bán cho khách chơi. Giá thành mỗi cây phụ thuộc vào kích thước, chủng loại và nét đẹp riêng nên không đồng nhất về giá, dao động từ vài triệu thậm chí có cây giá tiền tỷ", ông Lộc nói thêm.
Thu nhập cao nhưng phải kiên trì
Anh Nguyễn Hoàng Tuấn (44 tuổi, ngụ TP Sa Đéc, Đồng Tháp) đã theo cha làm nghề sửa kiểng, tạo dáng cho cây. Hiện anh đang là thành viên câu lạc bộ mai vàng Sa Đéc cũng là nghệ nhân tạo hình cho hơn 200 gốc mai đẹp và độc lạ. Ngoài ra, anh còn nhận chăm sóc cây kiểng cho nhiều đại gia đam mê kiểng ở trong và ngoài tỉnh.
"Khoe" bàn tay chai sần vì sửa kiểng ngoài nắng nhiều năm, anh Tuấn cho biết, nghề làm sửa kiểng tuy mang lại thu nhập cao nhưng rất cực và kỳ công. Để mua được một cây đủ "tiềm năng" để có thể nâng cấp cũng không hề đơn giản, phải sưu tầm nhiều nơi, gặp gỡ, chia sẻ với những người trong nghề rồi cắt tỉa, chăm sóc một thời gian dài mới có thể trao đổi, mua bán.
"Một số cây tôi sẽ sưu tầm về chỉnh sửa cho đẹp rồi bán lại cho người chơi kiểng hoặc nhiều khách hàng có cây sẵn họ vẫn thuê tôi chăm sóc, tạo hình cho cây của họ. Với mai vàng tôi mất khoảng 3,4 năm chỉnh sửa xong nhưng với những loại kiểng thân lớn như me, sộp, gừa…mất đến 5-7 năm mới hoàn thiện", anh Tuấn chia sẻ.
Theo anh Tuấn, trung bình mỗi năm anh nhận chỉnh sửa cho hơn 200 cây kiểng, mỗi cây khi hoàn thành có giá dao động từ vài triệu đến vài chục triệu. Thời điểm Tết là lúc nghề nhộn nhịp nhất, cứ từ tháng 10 âm lịch hàng năm, anh tranh thủ "chạy nước rút" để kịp giao cây cho khách.
Năm nay dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng theo anh Tuấn, lượng khách đặt hàng anh sửa kiểng vẫn không giảm vì mặt hàng này là nhu cầu thiết yếu trong dịp năm mới, thế nên anh không bị mất nguồn thu nhập.