Bồi hồi nhớ Tết ta xưa...

Trịnh Trang

(Dân trí) - Chuyên gia văn hóa Hồ Nhựt Quang nói: "Tết xưa mang đến 4 yếu tố: thứ nhất là sự hấp dẫn ngày Tết, thứ hai chạm vào sự thú vị, thứ ba chạm vào sự khao khát, thứ tư chạm vào những sinh hoạt ý nghĩa".

Mỗi dịp Tết đến xuân về, nhiều người vẫn hoài niệm về Tết xưa vì sự thay đổi của xã hội. Đôi khi khoảng cách thế hệ, tư tưởng khiến quan niệm "Tết nay Tết xưa" thêm cách biệt.

Tết nay thay vì tất bật chuẩn bị các nguyên liệu gói bánh chưng, bánh tét thì nhiều gia đình chọn "đặt mua" vì nhanh và tiện, họ không ăn Tết ở nhà, mà đi du lịch đây đó… Thế nhưng, nếu nói Tết đã bớt vui, nhạt nhẽo khác xưa thì cũng không hoàn toàn chính xác, chẳng qua quan điểm về niềm vui của các thế hệ có sự khác biệt.

Chuyên gia văn hóa Hồ Nhựt Quang chia sẻ với PV Dân trí, anh rất chủ trương hoài niệm về Tết xưa dù việc thay đổi trong những ngày Tết là điều cần thiết cho bối cảnh xã hội.

Tết là thời điểm để chúng ta nhớ về nguồn cội, Tết là thời khắc chứa đựng không gian văn hóa của quá khứ, hiện tại và tương lai gộp lại.

Bồi hồi nhớ Tết ta xưa... - 1

Dù Tết này hay Tết xưa thì qua từng giai đoạn, sự sum vầy vẫn được gìn giữ cho đến tận ngày hôm nay (Ảnh: TH).

"Sự hoài niệm quá khứ làm cho con người ta nhớ lại thời ông bà hồi xưa sống như thế nào, từ phong tục tảo mộ, thờ cúng tổ tiên cho đến cách chuẩn bị, trang trí món cúng dâng lên bàn thờ. Tất cả những điều này là nguồn cội để gắn kết với quá khứ.

Khi con người ta nhớ về nguồn cội thì tự nhiên họ sẽ nghĩ tới bổn phận làm con cháu của mình đã tròn hay chưa. Mình đủ tự hào để thắp nén hương cho ông bà hay chưa? Và nếu có những sai lầm thì phải tự cảm thấy xấu hổ, tự hứa với lương tâm cố gắng làm tốt hơn để có thể tự hào là con cháu của dòng dõi. Đó cũng là ý nghĩa lớn của tục thờ cúng được gìn giữ cho đến ngày nay và sau này.

Cũng từ đó, người Việt bắt đầu có tập tục để phòng tránh chuyện xui rủi và kiêng kỵ. Như vậy cái Tết xưa nó là một tập hợp giá trị tốt đẹp nhất của biết bao nhiêu đời từ thời cổ đại trao truyền cho tới bây giờ.

Và trong mỗi con người, kí ức về ngày Tết bao giờ cũng đẹp cũng hay mặc dù năm đó có gặp khó khăn, chuyện không vui nhưng người ta vẫn cảm thấy Tết xưa mang nét thân thuộc, sâu sắc", diễn giả Hồ Nhựt Quang nhận định.

Bồi hồi nhớ Tết ta xưa... - 2

"Đừng đặt nặng việc phát triển của xã hội lên ngày Tết vì vạn vật luôn thay đổi để phù hợp hơn với dòng chảy của thời gian. Tết và những nét văn hóa ngày Tết vẫn còn đó" (Ảnh: TH).

Theo chia sẻ của anh, vì sự khác biệt này khiến nhiều người ở thế hệ trước thờ ơ với Tết nay. Vì Tết xưa mang đến bốn yếu tố: thứ nhất là sự hấp dẫn ngày Tết, thứ hai chạm vào sự thú vị, thứ ba chạm vào sự khao khát, thứ tư chạm vào những sinh hoạt, hoạt động có ý nghĩa.

"Ngày xưa, muốn có được đồ đẹp thì phải đợi tới Tết mới mua. Giờ đây không còn cảm giác mong chờ, thú vị ấy bởi muốn mua đồ mới thì có tiền là mua thôi, dịp Tết là dịp mình được ăn đồ ăn ngon như bánh chưng, bánh tét, được nghe tiếng pháo, được nghe nhạc xuân.

Còn bây giờ, muốn ăn bánh tét hay bánh chưng đều có liền cho nên giảm đi sự khao khát đó. Còn sinh hoạt ngày xưa và nay khác nhau nhiều lắm. Phong tục mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy cũng có nhiều sự thay đổi".

Tết đang dần thay đổi nhưng chúng ta cũng đừng lo sợ Tết bị mất đi và mai một. Dù Tết này hay Tết xưa thì qua từng giai đoạn Tết xưa vẫn được gìn giữ cho đến tận ngày hôm nay. Là nét văn hóa không thể bất biến khi xã hội vận động, Tết cũng sẽ thay đổi cùng dòng chảy thời gian với quy luật riêng của nó.