Đã mất 2 đứa con, nên khi người chồng đang cầm cự mạng sống trong phòng Hồi sức tích cực, chị Hoài sợ hãi hoang mang đến cực độ. Người phụ nữ nghèo khẩn cầu: "Xin cô bác cứu chồng em với, em sợ lắm!...".
Trong khi cả nước đang trong những ngày nghỉ lễ 30/4, 1/5 thì tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bỏng Quốc gia các y, bác sĩ vẫn hối hả từng giây, từng phút chạy đua với thời gian cứu chữa bệnh nhân.
Ngoài trời lên tới 40 độ C, nhưng trong phòng cách ly đặc biệt của khoa Hồi sức tích cực lại là cảm giác ớn lạnh xâm chiếm, khi tôi được chứng kiến anh Nguyễn Công Thịnh (SN 1987, trú tại Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đang ở giữa lằn ranh của sự sống, chết.
Người đàn ông 37 tuổi đã tỉnh lại sau nhiều ngày hôn mê sâu, băng quấn khắp người, nhiều phần cơ thể đã bị hoại tử, dịch chảy ra nhuộm vàng cả những lớp băng trắng. Quanh giường bệnh là một giàn máy móc, thiết bị hiện đại đang hỗ trợ anh Thịnh duy trì sự sống mong manh.
Mỗi khi gắng gượng cử động, gương mặt người đàn ông này lại nhăn nhó một cách vô cùng đau đớn. Mấp máy đôi môi khô nứt, dường như anh Thịnh muốn nói điều gì nhưng không thể thốt nên lời, chỉ có những giọt nước mắt xót xa lại ứa ra lấp đầy hốc mắt trũng sâu.
Trong giây phút hiếm hoi, ngắn ngủi được vào phòng bệnh thăm chồng, chị Trần Thị Hoài (SN 1990) dường như không chịu nổi. Đôi chân chị run rẩy rồi khụy hẳn xuống sàn phòng bệnh lạnh lẽo, khi nhìn cơ thể người chồng bị tàn phá ghê gớm bởi luồng điện cao thế oan nghiệt.
Lấy khăn lau đi những giọt mồ đang lấm tấm trên trán người chồng yêu dấu, chị Hoài nghẹn ngào:
"Từ lúc tỉnh lại, anh ấy không nói với em câu nào, em sợ anh ấy nghĩ quẩn. Chồng em hay cả nghĩ lắm. Đang đi làm nuôi cả nhà, nay bị thế này anh ấy lại suy nghĩ vì vay mượn chạy chữa mà gia đình lại lâm vào cảnh nợ nần chồng chất…".
Nói về vụ tai nạn thương tâm xảy ra với chồng, chị Hoài bùi ngùi, đau xót: Ngày 14/4 anh Thịnh đi lợp mái tôn cho một người dân trong xã, trong lúc đưa thanh sắt dài lên mái nhà, thì không may bị vướng vào đường điện cao thế…
"Khi bị dòng điện cao thế phóng trúng, anh ấy ngã từ trên mái cao gần 8m xuống đất, dẫn tới đa chấn thương nặng. Mọi người đưa chồng em đi cấp cứu ở bệnh viện huyện rồi chuyển lên tỉnh, ra Việt Đức rồi chuyển sang Bỏng, từ hôm đó đến nay vẫn ở phòng Hồi sức tích cực.
2 đứa con em cũng vào phòng Hồi sức tích cực, rồi chúng lần lượt bỏ vợ chồng em mà đi, giờ đến lượt chồng em. Em sợ lắm!... ", chị Hoài ôm mặt nức nở.
Nén nỗi đau, chị Hoài chia sẻ, vợ chồng chị sinh được 5 người con, những đã mất 2 đứa, hiện đứa con nhỏ nhất mới chỉ 8 tháng tuổi.
Vợ ở nhà trông con, để lo cái ăn cho cả nhà, ngoài canh tác trên 2 sào ruộng được chia anh Thịnh phải lăn lộn khắp huyện Cẩm Xuyên với nghề hàn xì.
Công việc nặng nhọc, độc hại nhưng thu nhập chẳng được là bao, nên thật dễ hiểu cuộc sống của gia đình chị Hoài luôn trong cảnh "ăn bữa sáng lo bữa tối".
"Để các cháu ở trong căn nhà lụp xụp, dột nát mãi cũng không đành. Năm ngoái vợ chồng em vay ngân hàng dựng căn nhà nhỏ. Nhà còn chưa hoàn thiện thì chồng em gặp nạn.
Em vay khắp mọi nơi và cả lãi ngoài hơn 200 triệu rồi, giờ không vay đâu được nữa. Bác sĩ nói bệnh của chồng em phải điều trị lâu dài, tốn kém nhiều nữa. Mẹ con em cúi đầu xin cô bác cứu chồng em!...", nói rồi, chị Hoài ôm mặt bật khóc như một đứa trẻ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Trần Thị Dịu Hiền cho biết: "Bệnh nhân Nguyễn Công Thịnh bị bỏng điện cao thế 27% cơ thể tại thân, tứ chi. Chân phải bệnh nhân bị bỏng sâu, khó bảo tồn, nguy cơ phải cắt bỏ".
Bác sĩ Dịu Hiền cho biết thêm, ngoài bỏng điện nghiêm trọng, bệnh nhân còn bị đa chấn thương rất nặng do ngã từ trên cao xuống, chấn thương ngực kín, gãy 5 xương sườn phải, tràn dịch màng phổi, tràn khí dưới da, gãy xương bàn chân trái.
Bệnh nhân đã được ghép da 1 lần, huyết động tạm thời ổn định. Tuy nhiên các nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm trùng vẫn còn hiện hữu.
"Nhiều lần chứng kiến cảnh người vợ bệnh nhân lén ra góc hành lang vắt bỏ đi dòng sữa, trong khi đứa con 8 tháng tuổi gửi ở quê nhà lại đang ngặt ngặt khóc vì khát sữa… Cũng là người mẹ, khi thấy chị Hoài rơi vào hoàn cảnh này, tôi thật khó cầm lòng.
Bệnh nhân còn trẻ, đang là trụ cột gia đình với 3 đứa con nhỏ, nếu phải cắt bỏ chân sẽ khiến bệnh nhân thành người tàn phế.
Hơn nữa, cuộc chiến sinh tử của bệnh nhân sẽ là một chặng đường dài chứ không phải ngày một, ngày hai nên chúng tôi rất mong bạn đọc Dân trí cùng chung tay giúp đỡ gia đình bệnh nhân!...", bác sĩ Dịu Hiền tha thiết.
Bài, ảnh, video: Hương Hồng