1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Nam Định:

Ước vọng cuối cùng của người cha mắc trọng bệnh

(Dân trí) - Giọng nói đượm buồn, ông biết mình không thể tiếp tục lo cho con được nữa. Không cầu xin được cứu sống mà trong tâm can người cha mắc trọng bệnh chỉ mong cho các con sau này có công ăn việc làm ổn định.

Thấy có tiếng người gọi, ông Sỹ lê từng bước chậm chạp ra cửa đón khách. Trước mắt tôi là người đàn ông 55 tuổi, dáng người gầy gò, mặt mày hốc hác chỉ còn da bọc xương. Trước kia ông đã từng đi lính, sang năm 1981 ông chuyển ngành sang làm công nhân bốc vác ở cảng sông Nam Định. Sức khỏe vốn yếu, lại làm trong môi trường độc hại nên được vài tháng ông Sỹ xin nghỉ về nhà làm tự do. Ông kể: “Ngày trước đi bộ đội tôi thường xuyên bị sốt rét rừng nên sức khoẻ cũng giảm sút nhiều. Làm công nhân được một thời gian tôi không đủ sức khỏe để tiếp tục nên xin về không có chế độ”.

 

Ước vọng cuối cùng của người cha mắc trọng bệnh - 1

"Tôi không mong ước gì hơn, chỉ cầu các cháu sau này đều có việc làm cho bớt khổ"


Trên giường, bà Dương Thị Kim Dung (vợ ông) ngồi thu lu một góc, ánh mắt vô hồn. Bà Dung cũng đã 53 tuổi, nhưng bị tai biến não từ 3 năm nay. Tôi cố gặng hỏi nhưng bà Dung cũng chỉ nói lắp bắp được vài ba câu không rõ tiếng. Ông Sỹ ngồi bên cạnh tiếp lời: “Giờ bà nhà tôi không còn minh mẫn nữa, nói câu trước thì quên câu sau nhầm lẫn hết cả”.

 

Ngày còn khoẻ mạnh, ông Sỹ là trụ cột chính của gia đình. Ông có nghề làm chìa khoá nên cũng có đồng ra đồng vào. Thu nhập bình quân khoảng 30 nghìn/ngày. Cách đây 3 tháng, căn bệnh ung thư phổi của ông đã bước sang giai đoạn cuối vì vậy ông không còn sức mà làm nữa. “Cả 4 phim chụp đều cho thấy khối u đang lớn dần và đã di căn. Bác sĩ khuyên tôi lên viện K Hà Nội điều trị, nhưng không có điều kiện, đành chịu”.

 

Về phần hai ông bà ở nhà, ông Sỹ kể: “Hiện tại, gia đình không có khoản thu nhập nào cả. Chúng tôi sống bằng nguồn vốn vay cho học sinh sinh viên của đứa thứ hai, mỗi tháng cũng được 800 nghìn”. Ngó quanh một lượt, không tìm được thứ đồ gì giá trị trong căn nhà nhỏ của ông bà. Tài sản lớn nhất trong nhà có lẽ là chiếc ti vi màu đã cũ, đồ đạc trong phòng hầu như không đáng kể.

 

Lúc chúng tôi đến, hai con gái của ông Sỹ vừa lên Hà Nội cách đó mấy ngày. Gia đình ông vốn nổi tiếng với hai cô con gái học giỏi, ngoan ngoãn và không lần nào thiếu tên trong những dịp trao thưởng của phường. Cô chị cả tên Phạm Thị Như Thi từng đạt giải ba quốc gia môn tiếng Pháp, học ở ĐH Ngoại Thương Hà Nội vừa ra trường năm vừa rồi. Cô em tên Phạm Thị Thu hiện đang là sinh viên năm thứ hai ĐH Hà Nội. Đồng lương 1,8 triệu/tháng của cô chị cả cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống tằn tiệm của hai chị em trên Hà Nội. Lo lắng không yên, hàng tuần hai chị em lại thay nhau về chăm sóc bố mẹ.

 

Hơn ai hết, ông Sỹ là người hiểu rõ về căn bệnh quái ác mình đang mang trong người. Hiện tại khối u ở phổi mỗi ngày một lớn và đã chuyển sang di căn. Mỗi lần ông vận động mạnh thì ngực tức khó thở, đi được 200 mét thì đầu đau, chân mỏi không thể bước tiếp.

 

Tâm sự với tôi, ông không muốn mình trở thành gánh nặng cho gia đình: “Tôi mang bệnh này như mang án tử hình. Tiêu tốn nhiều tiền chạy chữa cũng không lại được. Nhà tôi cũng vay anh em nhiều mà vẫn chưa trả được”.  Ẩn sau những tâm sự của ông, tôi biết đó là trái tim của một người cha hết lòng vì con cái. Nhiều hôm bệnh nặng, cả hai vợ chồng phải đi viện, ông Sỹ vẫn tự xoay sở không để hai con gái biết vì sợ con lo lắng ảnh hưởng việc học hành.

 

Trăn trở lớn nhất của ông Sỹ lúc này đều dành cho cô con gái út. Trong giọng nói của ông thoáng chút buồn vì ông biết ông không thể lo cho con. 

Chia tay gia đình ông Sỹ, trong đầu tôi vẫn vang lên câu nói: “Bố mẹ như có án tử hình rồi, chỉ mong cho các cháu sau này đều có công ăn việc làm ổn định”.

 

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

 

1. Ông Phạm Văn Sỹ, hoặc bà Dương Thị Kim Dung: Số nhà 4 ngõ 172 đường Nguyễn Bính, phường Trần Quang Khải, TP Nam Định

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email:
quynhanai@dantri.com.vn

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội

* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

Switch Code : ICBVVNVX106 639

Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam  

3. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122


VP Đà Nẵng:
25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM:
40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331

VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

Phạm Thịnh