1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Tuổi thơ đầy nước mắt của hai chị em mồ côi mẹ

(Dân trí) - Sáng 5/10, sau cơn mưa, con đường dẫn vào nghĩa trang xã Ninh Thân lầy lột. Cô bé Hồng Anh tay cầm bó hương, khóc thút thít: “Ngày trước, mỗi lần ra thăm mẹ, cháu đi đường bên trái nhà. Nhưng bây giờ không được, đi đường đó ba cháu thấy sẽ bắt”.

Tuổi thơ đầy nước mắt của hai chị em mồ côi mẹ - 1

Võ Thị Lệ Quyên hiện đang sống với bà ngoại trong căn nhà vách đât. Dù nhiều khó khăn, Quyên vẫn đạt danh hiệu Học sinh nghèo vượt khó học khá và được nhận học bổng của trường.
 
Từ trước Tết đến giờ Hồng Anh mới lại về thắp cho mẹ một nén nhang. Đó là lần em “lén lút” về để nhờ chính quyền địa phương cấp lại giấy khai sinh cho hai chị em.

Tuổi thơ đầy nước mắt

Chị em Võ Thị Hồng Anh và Võ Thị Lệ Quyên sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở thôn Nhĩ Sự (Ninh Thân, Ninh Hòa, Khánh Hòa). Ba em là ông Võ Văn Thiều, mẹ là Phạm Thị Phượng. Trước khi ông Thiều lấy bà Phượng, ông đã có một đời vợ, nhưng đã chết.

Tuy nhiên, cuộc sống của gia đình nhỏ vẫn khá yên bình. Cho đến khi mẹ Hồng Anh và Lệ Quyên mất vì ung thư buồng trứng. Năm ấy, Hồng Anh học lớp 4, Lệ Quyên chưa đầy 4 tuổi.

Mẹ mất. Ba có vợ khác. Hồng Anh phải nghỉ học đi làm thuê.  “Sau khi mẹ cháu mất. Cháu nghỉ học đi làm để lấy tiền nuôi em gái ăn học, nhưng nhiều lần ba đến chỗ cháu làm lấy tiền trước. Cháu không đưa thì ba đánh đập, chửi bới. Đã có lần ba đánh cháu ngay tại quán chỗ làm”, Hồng Anh kể, khóe mắt đỏ au.

Dù phải nghỉ học đi làm thuê, nhưng Hồng Anh không bao giờ kêu ca. Em luôn nghĩ do gia đình mình nghèo quá nên mới phải như thế. Và điều em mong muốn là đi làm để có tiền nuôi bé Quyên ăn học.
 

Nhưng đến năm 2009, khi Lệ Quyên lên 9 tuổi và theo học ở trường Tiểu học Ninh Phụng số 1 thì người cha cũng bắt em nghỉ học và cho đi ở mướn. Hồng Anh đau đớn van xin ba đừng cho em nghỉ học, nhưng không được.

“Cháu đã nhiều lần van xin ba đừng bắt Quên nghỉ học, đừng bắt em gái cháu đi làm vì em còn quá nhỏ nhưng ba nói là “không có chuyện đó đâu, con cứ yên tâm đi làm, ba sẽ cho nó đi học đến nơi đến chốn”. Nhưng rồi cháu được biết, em gái đã phải nghỉ học và đi ở mướn”.

Chạy trốn

Giáp tết năm ngoái, khi đang ở chỗ làm, nghe tin em gái bị ba bắt nghỉ học đi ở mướn, Hồng Anh không đành lòng nên đã lén lút về dắt em trốn ra nhà bà ngoại. Ra đến nơi Hồng Anh mới gọi điện về báo với cha là đã đưa em ra Tuy Hòa, sẽ đi làm kiếm tiền nuôi em.

Hiện nay Hồng Anh đang sống với một gia đình một bác sĩ nha khoa ở Tuy Hòa. Mỗi tháng em được nhận 800 nghìn đồng.

Cô bé Lệ Quyên thì được đưa về ở với bà ngoại là Trần Thị Hữu (85 tuổi) ở Xuân Phước (Đồng Xuân, Phú Yên). Hiện tại, bé Quyên cũng đang tiếp tục theo học lớp 4 tại Trường Tiểu học Sơn Phước số 2 (huyện Đồng Xuân).
 
Tuổi thơ đầy nước mắt của hai chị em mồ côi mẹ - 2

Hồng Anh từng làm việc tại quán nem trước khi cùng em ra Phú Yên


Cô Phượng, giáo viên chủ nhiệm em Quyên cho biết: “Mặc dù đã nghỉ học 3 tháng, nhập học khi học kỳ 2 đã bắt đầu nhưng Quyên rất thông minh sáng dạ, Quyên nhanh chóng theo học kịp với các bạn. Cuối năm học 2009-2010, Quyên đạt danh hiệu Học sinh nghèo vượt khó học khá và được nhận học bổng của trường”.

Cô giáo Đoàn Thị Thu, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Phước số 2, cho biết: “Lệ Quyên là một cô bé thông minh, học rất nhanh. Quyên có vẻ già dặn hơn những đứa trẻ cùng tuổi, nói chuyện cũng rất chững chạc”.
 
Ước mơ em sẽ về đâu?

Chiều cuối tháng 9, mưa tầm tã. Chúng tôi tìm đến nhà bà Trần Thị Hữu ở thôn Phú Hội (huyện Sơn Phước, Đồng Xuân, Phú Yên). Con đường vào nhà ngoằn nghèo, nhiều ngã rẽ, nếu không có sự chỉ dẫn của chị Thảo (dì ruột bé Quyên) thì chúng tôi khó mà tìm được. Chị Thảo hiện đang buôn bán nhỏ ở Tuy Hòa, hoàn cảnh cũng rất khó khăn.

Căn nhà nhỏ nơi hai bà cháu bé Quyên đang sinh sống đã cũ, về mùa mưa cũng dột lỗ chỗ nhưng bà Hữu chưa có tiền tu sửa. Bà Hữu thuộc hộ nghèo, mỗi tháng nhận trợ cấp xã hội 120.000 đồng. Ngoài ra hai bà cháu không có khoản thu nhập nào khác. Hồng Anh đi làm, mỗi khi nhận tiền lại gửi về cho bà ngoại em.

Bé Quyên tâm sự: “Em với ngoại ăn cơm với đậu phụ, hái rau ngoài vườn vào nấu canh, lâu lâu chị Hồng Anh và các dì cho thêm tiền thì ngoại mới mua thêm thịt”.

Ngoài người thân là bà ngoại, Quyên còn có 3 dì ruột nữa, tuy nhiên các dì đều đông con, chủ yếu làm nông, buôn bán nhỏ… nên cũng khó khăn, không giúp nhiều được cho hai bà cháu.

Quyên 9 tuổi, nhưng vóc dáng em nhỏ hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Tuy “bé hạt tiêu”, nhưng cháu cũng giúp bà được nhiều việc như: nấu cơm, quét nhà, giặt quần áo… Quyên còn đảm đương luôn việc gánh đầy lu nước sinh hoạt hàng ngày của hai bà cháu.

“Cái thùng bình thường to quá, sức con gánh không được, ngoại nhờ người ta làm cho con đôi thùng bằng hai cái gàu này để con gánh nước, con gánh nước bên ngôi chùa kia kìa”, Quyên chỉ tay sang ngôi chùa cạnh nhà ngoại, nói.

Bà Hữu nói: “Tôi cũng già rồi, lại đau ốm luôn, bị thần kinh tọa, huyết áp cao, đau đầu. Sức yếu không là việc gì được nữa, nhiều khi đang đi cũng xây xẩm mặt mày muốn ngã. Chỉ thương con bé Quyên, nó còn nhỏ quá, ngoại mà có làm sao thì không biết nó sống với ai”.

Mỗi khi nhớ đến mẹ, mắt Quyên lại rưng rưng: “Con nhớ mẹ lắm, nhưng con không thể nhớ ra mặt mẹ như thế nào cả”. Lời Quyên nói làm đắng lòng cả người nghe.

Dì của Quyên kể: “Ngày mẹ nó mất, Hồng Anh thì khóc như mưa, còn nó vẫn hồn nhiên chơi đùa. Người ta đặt mẹ vào hòm nó còn nói đó là giường cho mẹ ngủ, rồi đi lấy khăn lau hòm cho sạch”.
 
Có lẽ ký ức về người mẹ vì bệnh nặng mà chết hằn sâu vào kí ức thơ ngây của Quyên khiến em ước mơ: “Khi lớn lên mọi người mới kể mẹ con mất vì bị bệnh nặng. Con ước lớn lên làm bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người."

Khi nói về ba của hai em Hồng Anh và Lệ Quyên, ông Võ Văn Lấm, Phó thôn Nhĩ Sự (Ninh Thân, Ninh Hòa, Khánh Hòa) cho biết: "Đây là chuyện riêng mỗi gia đình nên chúng tôi cũng không thể nắm rõ hết tình hình. Chúng tôi cũng biết, ở thôn anh Thiều rất hay say rượu và la mắng con cái, chúng tôi cũng đã đến động viên, anh Thiều cũng nói sẽ thay đổi, nhưng được một thời gian thì đâu lại vào đó."

Còn Hồng Anh thì tâm sự: “Mọi chuyện đã qua rồi. Bây giờ cháu đã có chỗ đi làm kiếm tiền giúp bà và em. Chủ nhà rất thương cháu. Cháu không giận ba nữa, vì dù sao chúng cháu cũng là con ba. Cháu chỉ mong làm việc kiếm tiền giúp bà ngoại có cuộc sống khá hơn và em cháu được ăn học đầy đủ…”.
 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

 

1. Trần Thị Hữu: ở thôn Phú Hội (xã Sơn Phước, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên).
Mã số 10.


2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Email: quynhanai@dantri.com.vn

 

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

 

* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 045 137 195 6482

SWIFT Code: BFTVVNVX

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

 

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0451 001 944 487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công

 

3. Văn phòng đại diện của báo:

 

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

 

Nguyễn Thành Chung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm